(VnMedia) - Khi tiếp nhận tố cáo qua điện thoại sẽ tiến hành thủ tục giống như đến trực tiếp, phải nói rõ tên, tuổi, số chứng minh... cơ quan tiếp nhận phải ghi chép giống như trực tiếp đến trình bày. Sau đó cũng phải tiến hành xác minh, kể cả người tố cáo có đến hay không đến....
Ngày 7/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thảo luận và cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).
Thay mặt Ủy ban Pháp luật (UBPL) trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Khắc Định cho biết, trên cơ sở ý kiến thống nhất giữa các cơ quan, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện với nhiều nội dung quan trọng về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo; hình thức tố cáo; điều kiện thụ lý giải quyết tố cáo; thời hiệu tố cáo, thời hạn giải quyết tố cáo; rút tố cáo; cấp cuối cùng trong giải quyết tố cáo; bảo vệ người tố cáo…
![]() |
Theo đó, về hình thức tố cáo (Điều 18), Thường trực UBPL và Cơ quan soạn thảo thống nhất chỉnh lý Điều 18 của dự thảo Luật về hình thức tố cáo như sau: “Điều 18. Hình thức tố cáo: 1- Việc tố cáo được thực hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói. 2- Văn bản tố cáo bao gồm bản giấy, bản fax, thư điện tử. 3-Tố cáo bằng lời nói bao gồm: người tố cáo trình bày trực tiếp bằng lời nói tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc với cá nhân có thẩm quyền; tố cáo qua điện thoại với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền”.
Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về các điều kiện để tiếp nhận tố cáo tương ứng với từng hình thức; xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải công khai địa chỉ trụ sở làm việc, hòm thư điện tử (email), điện thoại, số fax để người tố cáo gửi tố cáo đến đúng địa chỉ quy định (Điều 19); xác định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong việc kiểm tra, xác minh điều kiện thụ lý tố cáo trước khi quyết định thụ lý hay không thụ lý tố cáo (Điều 20).
Ngoài ra, trong hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo phải bao gồm báo cáo hoặc biên bản kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ người tố cáo, biên bản làm việc trực tiếp với người tố cáo để xác minh nội dung tố cáo (nếu có) (điểm a khoản 1 Điều 37). Đồng thời, bổ sung quy định nghiêm cấm đối với các hành vi cố ý tố cáo sai sự thật, sử dụng họ, tên của người khác để tố cáo hay lợi dụng việc tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, gây rối an ninh, trật tự công cộng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác (Điều 7).
“Đây là các quy định nhằm ngăn chặn việc lạm dụng các hình thức tố cáo mới được ghi nhận để tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, lợi dụng quyền tố cáo để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.” - Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Về thời hiệu tố cáo, Thường trực UBPL và Cơ quan soạn thảo thống nhất đề nghị được chỉnh lý theo hướng bỏ Điều 27 quy định về thời hiệu tố cáo tại dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4; đồng thời bổ sung khoản 3 mới vào Điều 25 của dự thảo Luật quy định về điều kiện thụ lý theo hướng: hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo phải còn thời hiệu xử lý theo quy định của pháp luật.
Về quy định “rút tố cáo” (Điều 30), Điều 30 của dự thảo Luật sẽ được chỉnh lý theo hướng: Người tố cáo có thể rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi cơ quan có thẩm quyền ra kết luận nội dung tố cáo.
Tuy nhiên, việc rút tố cáo không loại trừ trách nhiệm của người tố cáo trong trường hợp lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo. Trường hợp xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ cho rằng việc rút tố cáo do bị đe dọa, ép buộc, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn được người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Về cấp giải quyết tố cáo cuối cùng, Thường trực UBPL và Cơ quan soạn thảo đề nghị kế thừa Luật hiện hành, không quy định giải quyết tố cáo ở 2 cấp mà bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về điều kiện thụ lý tố cáo (Điều 25), điều kiện giải quyết lại vụ việc tố cáo (Điều 34).
Theo đó, nếu người tố cáo không cung cấp được thông tin, tài liệu làm cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan có thẩm quyền sẽ không thụ lý tố cáo hoặc không giải quyết lại vụ việc tố cáo tiếp.
Về người được bảo vệ (khoản 1 Điều 45), dự thảo Luật đã kế thừa quy định về đối tượng bảo vệ là người tố cáo, xác định rõ hơn đối tượng “người thân thích của người tố cáo” trong Luật hiện hành là những người thân thuộc hàng thừa kế thứ nhất quy định tại Bộ luật Dân sự, đồng thời xác định rõ các căn cứ, điều kiện để được bảo vệ tại khoản 1 Điều 45 của dự thảo Luật.
Về nội dung bảo vệ (khoản 2 Điều 45), Thường trực UBPL đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tập trung quy định các biện pháp bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ vị trí công tác, việc làm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe tại Mục 3 Chương VI của dự thảo Luật. Đồng thời, Chương này cũng được chỉnh lý, bổ sung các quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong việc bảo vệ, nội dung các biện pháp bảo vệ, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp bảo vệ…
Cân nhắc việc tố cáo qua điện thoại
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, tố cáo bằng lời nói có thể chấp nhận việc tố cáo trực tiếp nhưng tố cáo qua điện thoại với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì đề nghị các phải cân nhắc.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, mặc dù tại khoản 3 Điều 19 Dự thảo Luật quy định việc tố cáo qua điện thoại, người nhận có trách nhiệm hướng dẫn, tuy nhiên, dù có hướng dẫn nhưng việc tố cáo qua điện thoại thì "độ tin cậy là không cao". Điển hình như việc công an 113 tiếp nhận thông tin xử lý nhiều khi không chính xác, "người ta báo đến nhưng không phải", mặt khác, nhiều người thông qua việc này làm cho cơ quan nhà nước nhận được thông tin không chính xác.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị không nên có tố cáo qua điện thoại với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Đề nghị phải tố cáo trực tiếp, đảm bảo xác định độ chính xác của tố cáo. Nếu tố cáo qua điện thoại thì sẽ khó khăn, tính khả thi không cao, độ chính xác không cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, để tránh tình trạng tố cáo tràn lan, Dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ hơn việc tố cáo ngay trong giai đoạn xử lý ban đầu thông tin về tố cáo. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải xác định rõ họ, tên, địa chỉ nhân thân của người tố cáo. Nội dung tố cáo phải có căn cứ, cơ sở thông tin, có dấu hiệu rõ ràng, có bằng chứng thì mới có căn cứ để thụ lý hay không thụ lý, nhất là qua mảng thông tin điện tử.
Giải trình, làm rõ thêm nội dung trên, Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Khắc Định cho biết: Quy định mới trong Luật Tố cáo lần này là tố cáo qua điện thoại phải có số điện thoại rõ ràng, cơ quan sẽ có một số để liên hệ. Khi tiếp nhận tố cáo sẽ tiến hành thủ tục giống như đến trực tiếp, phải nói rõ tên, tuổi, số CMND, cơ quan tiếp nhận phải ghi chép lại, sau đó sẽ phải tiến hành xác minh, kể cả người tố cáo có đến hay không. Qua thủ tục xác minh làm rõ nội dung, rõ nhân thân, rõ vấn đề vi phạm thì mới quyết định việc thụ lý tố cáo, lúc đó mới gọi là tố cáo, phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa bên tố cáo và bên tiếp nhận tố cáo.
Xuân Hưng