(VnMedia) - Quá trình khám sàng lọc cho người nhà bệnh nhân lao kháng thuốc và người nghi ngờ lao cho thấy, trong số 1.180 bệnh nhân có phổi tổn thương thì phát hiện 154 người nhiễm lao, có tới 50 người được chẩn đoán là lao đa kháng thuốc...
Việt Nam hiện là nước có gánh nặng bệnh lao cao, dứng thứ 15 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 15 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Chương trình chống lao đã mở rộng diện tầm soát lao đa kháng thuốc tới nhóm bệnh nhân lao phổi AFB (+) tại tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc. Áp dụng sớm các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, chuẩn bị cho việc phân loại sớm bệnh nhân lao kháng thuốc ngay từ đầu để đưa vào các phác đồ hiệu quả (phác đồ 9 tháng hoặc phác đồ chuẩn 20 tháng hoặc cá nhân).
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia cho biết, từ đầu năm 2017, Chương trình chống lao quốc gia đã triển khai sàng lọc LPA siêu kháng (Hain test hàng 2) cho tất cả các bệnh nhân có kết quả GeneXpert kháng Rifampicin tại 19 tỉnh, thành phố.
Cùng với đó, để tăng cường việc sàng lọc phát hiện cũng như quản lý bệnh nhân sau chẩn đoán, Chương trình đã xúc tiến triển khai quản lý lao kháng thuốc tại Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Đặc biệt là việc thu nhận bệnh nhân vào các nghiên cứu sử dụng thuốc và phác đồ mới trong điều trị lao kháng thuốc (Bedaquiline và phác đồ 9 tháng) đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên của nghiên cứu.
Năm 2017, Chương trình chống lao quốc gia bắt đầu áp dụng quy trình quản lý và điều trị bệnh nhân lao tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc bằng phác đồ cá nhân tại các đơn vị quản lý lao kháng thuốc. Trong 9 tháng đầu năm 2017, số liệu phát hiện của chương trình chống lao quốc gia có xu hướng giảm nhẹ về số bệnh nhân lao các thể (2.031 bệnh nhân). Số bệnh nhân lao mới có bằng chứng vi khuẩn học giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2016 (1.061 bệnh nhân). Số bệnh nhân lao ngoài phổi cũng giảm so với năm 2016, với 1.165 trường hợp; Số bệnh nhân lao không có bằng chứng vi khuẩn học hầu như không thay đổi, chỉ tăng 139 bệnh nhân.
Trong khi đó, tại Hà Nội, quá trình khám sàng lọc cho người nhà bệnh nhân lao kháng thuốc và khám sang lọc người nghi ngờ lao cho thấy, trong số 1.180 bệnh nhân có phổi tổn thương thì phát hiện 154 người nhiễm lao (13%), là tỷ lệ cao nhất trong 7 tỉnh, thành phố tổ chức khám sàng lọc (Hà Nội, Hậu Giang, Quảng Ngãi, Bà Rịa Vũng Tàu, An Giang, Ninh Thuận, Hòa Bình.) Đáng chú ý, trong số 154 bệnh nhân phát hiện lao nói trên tại Hà Nội, có tới 50 người được chẩn đoán là lao đa kháng thuốc (vi khuẩn lao đã kháng lại các thuốc isoniazid và rifampicin - 2 trong số những thuốc chống lao hàng đầu hiện nay.)
![]() |
Khó khăn về kinh phí
Mặc dù chương trình chống lao quốc gia đã đạt được nhiều kết quả, nhưng năm 2017, kinh phí nguồn ngân sách nhà nước cho chương trình phòng chống lao đến thời điểm tháng 12/2017 vẫn chưa được cấp, vì vậy chưa triển khai được các gói thầu mua sắm, đặc biệt là mua sắm thuốc và vật tư tiêu hao.
Trong khi đó, công tác giám sát bệnh lao còn nhiều khó khăn, việc thực hiện chỉ tiêu thu nhận lao trẻ em, lao kháng thuốc còn quá thấp tại nhiều tỉnh; việc quản lý điều trị bệnh nhân lao tại một số tỉnh còn chưa tốt như: cấp thuốc cả tháng cho bệnh nhân lao thường, đặc biệt là cấp thuốc cả tuần hoặc cả tháng cho bệnh nhân lao kháng thuốc…
Về một số vấn đề cụ thể, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung cho biết, hiện nay, 24 tỉnh triển khai phối hợp y tế công – tư đều không có kinh phí hỗ trợ trong khi nhu cầu tập huấn cho cán bộ y tế công – tư đang rất cần, do đó rất khó khăn trong việc duy trì hoạt động này. Trong khi đó, nhiều cơ sở y tế tư nhân, cơ sở y tế đa khoa công lập đã tham gia phối hợp y tế công – tư nhưng mức độ phối hợp còn hạn chế, sự đóng góp vào hoạt động phát hiện bệnh nhân lao còn chưa được như mong muốn; chưa tích cực chuyển gửi người nghi lao từ hệ thống các cơ sở y tế ngoài chương trình chóng lao.
Đặc biệt là về quản lý bệnh nhân lao kháng đa thuốc, báo cáo của Chương trình chống lao cho biết, năm 2017, chương trình đã mở rộng diện tầm soát từ 51 lên 63 tỉnh/thành. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập trong việc phát hiện và thu dung bệnh nhân như: Việc chuyển gửi mẫu đờm từ quận huyện lên tuyến tỉnh còn khó khăn do hệ thống vận chuyển qua bưu điện chưa vận hành tốt; việc ghi chép báo cáo còn thiếu chính xách tại nhiều địa phương; việc quản lý, điều trị có kiểm soát với bệnh nhân kháng thuốc được thực hiện tốt nhưng một số bệnh nhân do phải đi làm xa nên được cấp thuốc tự uống trong giai đoạn duy trì….
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, năm 2018, Chương trình chống lao quốc gia sẽ mở rộng sàng lọc tới các nhóm đối tượng nghi kháng thuốc và 100% nhóm bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới.
Tại Hội nghị tổng kết Chương trình chống lao 2017 tổ chức cuối tuần qua, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến yêu cầu Bệnh viện Phổi Trung ương cần có những kế hoạch cụ thể, chi tiết để tiếp tục đạt được những kết quả cao trong phòng chống lao từ năm 2018-2020. Bên cạnh đó, các bệnh viện khác cũng cần phải quan tâm đến chương trình phòng chống lao quốc gia.
Hoàng Hải