Tăng huyết áp là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ

13:50, 04/12/2017
|

(VnMedia) - Tăng huyết áp là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ. Theo nghiên cứu tại Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai), cứ 10 người có đột quỵ lần đầu thì 8 người trong số đó có tăng huyết áp. Chính vì vậy, bác sĩ Tim mạch luôn khuyến cáo, giải pháp ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả nhất là kiểm soát tăng huyết áp đúng, đủ và lâu dài.

Tăng huyết áp – Thủ phạm chính dẫn đến đột quỵ

Ông Đặng. H. B (Hoàn Kiếm, Hà Nội, 57 tuổi) là một người hoàn toàn khoẻ mạnh, ngoại trừ có biểu hiện huyết áp cao. Ông chưa từng có biểu hiện đau tức ngực, khó thở hay mệt mỏi… Chính vì vậy, ông B. chủ quan, uống thuốc huyết áp không tuân thủ theo đúng khuyến cáo của bác sĩ. Trong một chuyến đi công tác, ông B. đã bị đột quỵ và tử vong ngay tại khách sạn mặc dù trước đó 15 phút, ông B. vẫn gọi điện thoại nói chuyện với bạn một cách bình thường.

Ths. Hoàng Thị Phú Bằng, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Tăng huyết áp là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ. Theo nghiên cứu tại Viện Tim mạch: cứ 10 người có đột quỵ lần đầu thì 8 người trong số đó có tăng huyết áp. Đột quỵ và tăng huyết áp xảy ra hầu hết ở người lớn tuổi.

Theo Ths. Bằng, để giảm thiểu nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, cần kiểm soát tốt huyết áp ở người lớn tuổi. Bên cạnh yếu tố do tăng huyết áp, việc hút thuốc lá và một số bệnh lý khác như: tiểu đường, bệnh động mạch cảnh, bệnh động mạch ngoại biên, rung nhĩ, bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, rối loạn mỡ máu, dinh dưỡng kém, ít vận động và béo phì cũng là căn nguyên dẫn đến đột quỵ.

Đột quỵ là một rối loạn cục bộ lên não. Có thể phân loại thành nhồi máu não chiếm đa số (80%) và xuất huyết não (20%). Trong vùng nhồi máu có thể phát triển ổ xuất huyết gọi là chuyển xuất huyết, đặc biệt khi vùng nhồi máu rộng. Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 70.000 trường hợp đột quỵ. Yếu tố nguy cơ chung cho cả đột quỵ và bệnh tim do xơ vữa là tăng huyết áp chiếm tỷ lệ cao nhất.

Tại Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu trên 754 bệnh nhân đột quỵ ở Bệnh viện Đà Nẵng cho thấy: 95% bệnh nhân bị đột quỵ có kèm tăng huyết áp. Trong số đó 48,5% bệnh nhân đột quỵ do xuất huyết và 51% bệnh nhân trong số này đã tử vong sau 28 ngày điều trị; 43,5% bệnh nhân thì đột quỵ do thiếu máu và 20% đã tử vong sau 28 ngày điều trị. Tỷ lệ người bị đột quỵ trên 53 tuổi chiếm 76%. Có thể nói phần lớn bệnh nhân đột quỵ là người cao tuổi và hầu hết có tăng huyết áp. Chỉ có 8% trong số họ là không xác định được nguyên nhân.

Đáng chú ý, theo báo cáo tại Hội nghị Tăng huyết áp toàn quốc hồi tháng 5/2016 tại Hà Nội của GS.TS. Nguyễn Lân Việt, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia về kết quả điều tra dịch tễ tại Việt Nam qua 5454 người trưởng thành trên quần thể 44 triệu dân cho thấy, 47,6 % người dân có tăng huyết áp.

cao huyết áp
Biểu đồ tình trạng tăng huyết áp ở Việt Nam

Tỷ lệ khống chế tăng huyết áp đang giảm!

Người bệnh được xác định là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/ hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg hoặc đang được điều trị thuốc tăng huyết áp.

Ths. Phú Bằng khẳng định, điều trị tốt tăng huyết áp làm giảm đáng kể các biến cố tim mạch, trong đó giảm đáng kể tỷ lệ tử vong liên quan đột quỵ não. Việc giảm huyết áp với bất kể phương cách nào cũng giúp giảm rõ rệt nguy cơ đột quỵ.

Cứ giảm mỗi 2mmHg HATh sẽ giúp giảm thêm 7% tử vong do bệnh mạch vành và quan trọng hơn, nó giúp giảm thêm 10% tử vong do đột quỵ. Mục tiêu của điều trị tăng huyết áp là đưa về huyết áp tối ưu 120/80 mmHg, với con số huyết áp này thì hầu hết là phòng ngừa được biến chứng đột quỵ ở hầu như tất cả các trường hợp.

Song một thực tế đáng buồn ở Việt Nam là tỷ lệ khống chế tăng huyết áp đạt mục tiêu vẫn còn rất thấp. Năm 2009, tỷ lệ đó khoảng 36,3 % thì đến năm 2015 lại giảm còn 31,3 %

Chính vì vậy, Ths. Phú Bằng nhấn mạnh, giải pháp ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả nhất là kiểm soát tăng huyết áp đúng, đủ và lâu dài. Điều trị tăng huyết áp cần tuân thủ chặt chẽ theo y lệnh của bác sỹ chuyên khoa, có chỉ định uống thuốc theo đơn cụ thể.

Song song với việc tuân thủ điều trị để ngăn ngừa đột quỵ do tăng huyết áp, phải lưu ý đến tầm quan trọng của thay đổi lối sống như: giảm cân, giảm muối và mỡ bão hòa; giảm lượng calorie trong chế độ ăn; tập thể dục đều đặn và uống rượu ở mức cho phép; bổ sung đủ calci, kali, magne, chất xơ, ngừng hút thuốc lá.

“Thay đổi lối sống đã được chứng minh có hiệu quả giảm mức huyết áp từ 10 – 20 mmHg, những thay đổi này đôi lúc tương đương với thuốc điều trị hạ áp” – Ths Phú Bằng nhấn mạnh.

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc