Hà Nội sắp có trung tâm xạ trị ung thư hiện đại nhất Đông Nam Á

15:26, 18/12/2017
|

(VnMedia) - Bộ Y tế đang tính tới phương hướng sớm thành lập Trung tâm Xạ trị proton và hạt nặng tại Bệnh viện K. Nếu được thành lập, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á được trang bị và áp dụng phương pháp chữa trị xạ trị tiên tiến này.

Tại hội thảo “Ứng dụng xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư” do Bộ Y tế, Bệnh viện K và Viện Ung thư Quốc gia (Viện nghiên cứu Phòng chống ung thư) tổ chức ngày 18/12, PGS.TS Trần Văn Thuấn -Giám đốc Bệnh viện K - cho biết, Bộ Y tế đang tính tới phương hướng sớm thành lập Trung tâm Xạ trị proton và hạt nặng tại Bệnh viện K.
Giám đốc bệnh viện K
 TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc bệnh viện K - ảnh: Hoàng Hải
Theo TS Trần Văn Thuấn, để điều trị căn bệnh ung thư, hiện có 4 phương pháp chính, gồm phẫu thuật, hoá trị, xạ trị và chăm sóc giảm nhẹ.

Trong các phương pháp chữa trị xạ trị, phương pháp chữa trị xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư là phương pháp tiến tiến và hiện đại nhất hiện nay và đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Phương pháp chữa trị xạ trị bằng ion nặng cho phép xạ trị những khối u kháng với xạ trị khác như xạ trị Cobalt, xạ trị gia tốc, áp dụng rất hiệu quả cho điều trị ung thư đầu cổ, tiền liệt tuyến, nhi khoa với rất ít tác dụng phụ.

Tỷ lệ bệnh nhân điều trị bằng ion nặng có kích thước khối u giảm hoặc không tăng lên sau 3 năm rất khả quan, cụ thể là trên 90% với ung thư phổi không tế bào nhỏ; 80-90% ung thư gan; gần 100% ung thư tiền liệt tuyến. Tỷ lệ sống thêm sau 3 năm của ung thư phổi giai đoạn I và II là 86%; ung thư gan là 72%; sống thêm sau 2 năm của ung thư tụy là 36%; sống thêm trung bình sau 5 năm của ung thư tiền liệt tuyến là 99%; ung thư trực tràng là 53%; ung thư đầu cổ 74%. Về thời gian, nếu trước đây, một khối u ở phổi xạ trị gia tốc thông thường phải mất 4-5 tuần thì với phương pháp mới, chỉ một lần (khoảng 10 phút) là tan. Vì thời gian nhanh hơn, nên phương pháp này vừa tăng tỷ lệ chữa khỏi ung thư cho bệnh nhân, vừa giảm tải được lượng bệnh nhân xạ trị. 

Do đó, Bộ Y tế đang tính tới phương hướng sớm thành lập Trung tâm Xạ trị proton và hạt nặng tại Bệnh viện K.

Nếu được thành lập, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á được trang bị và áp dụng phương pháp chữa trị xạ trị tiên tiến này. Mỗi chiếc máy dự tính có giá khoảng 150 triệu USD. Do chi phí thực hiện phương pháp khá cao nên Bệnh viện K cũng mong muốn BHXH, BHYT sẽ chi trả một phần chi phí cho người bệnh để nhiều người bệnh ung thư được thụ hưởng.

Về tình trạng quá tải bệnh nhân xạ trị tại bệnh viện K, Giám đốc bệnh viện cho biết, tại Bệnh viện K, tính đến tháng 11/2017, có hơn 15.000 người bệnh. Tuy nhiên, bệnh viện chỉ có 7 máy xạ trị, trong đó có 6 máy xạ trị gia tốc và 1 máy xạ trị Cobalt.

“Mỗi máy được khuyến cáo chỉ xạ trị khoảng 40 ca một ngày, tuy nhiên, do thiếu máy nên hiện nay, mỗi ngày, một máy tại bệnh viện K phải chạy từ 150 đến 200 ca xạ trị. Các máy xạ trị của bệnh viện sử dụng liên tục 22/24h, nhân viên y tế và bản thân người bệnh phải điều trị theo lịch ở tất cả các giờ trong ngày, cả ban đêm” – Giám đốc bệnh viện K - ông Trần Văn Thuấn cho biết.

"Hiện, Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt trang bị thêm 3 4 máy xạ trị  nữa và dự tính khoảng tháng 3-4 năm 2018 sẽ đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu của người bệnh" - TS Thuấn cho biết.

Tại Hội thảo Ứng dụng xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư, các chuyên gia về ung thư cũng đã thảo luận các nội dung như: Tình hình xạ trị tại Việt Nam và bệnh viện K; các nguyên lý xạ trị proton và hạt  nặng trong điều trị ung tư; xạ trị bằng proton trong điều trị ung thư tại Hoa Kỳ; xạ trị hạt nặng trong điều trị ung thư tại Nhật Bản; xạ trị proton trong điều trị ung thư tại Nhạt Bản và hệ thống kết hợp proton hạt nặng; xạ trị proton trong điều trị ung thư phổi và ung thư dạ dày…

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc