Đấu thầu thuốc tập trung: Bệnh viện khó chủ động nguồn thuốc

16:59, 11/12/2017
|

(VnMedia) - Bộ Y tế hôm nay (11/12) tổ chức Hội nghị triển khai kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2017, định hướng 2018. Các tham luận tại Hội nghị cho thấy, việc đấu thầu thuốc còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc chủ động nguồn thuốc.

Tiết kiệm 477 tỷ đồng so với giá kế hoạch

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, năm 2017, chỉ riêng với 5 gói thầu có trị giá 2.746 tỷ đồng, chênh lệch giá trúng thầu với giá kế hoạch đã tiết kiệm được trên 477 tỷ đồng, giảm được khoảng 17%.  Trong đó, biệt dược tiết kiệm được 114,3 tỷ đồng (giảm 6,9%), thuốc đã hết bản quyền tiết kiệm được 362,7 tỷ đồng, (giảm khoảng 33%) so với giá kế hoạch.

“Đây là một biểu hiện tích cực bởi trước đây, giá thuốc có biểu  hiện tăng dần nhưng từ khi tổ chức đấu thầu tập trung thì giá thuốc đã có chuyển biến tốt, giảm” - Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhận định.

đấu thầu thuốc tập trung
Ảnh minh họa

Bệnh viện khó chủ động nguồn thuốc

Tham luận tại Hội nghị, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức đấu thầu tập trung cấp địa phương và đã tổ chức thành công. Theo đó, trị giá trúng thầu giảm 12% so với giá gói thầu, chất lượng thuốc trúng đầu đảm bảo, không xảy ra tai biến sử dụng thuốc.

Tuy nhiên, việc đấu thầu thuốc tập trung, theo Sở Y tế Hà Nội, còn nhiều bất cập như: một số bệnh viện trung ương tham gia đấu thầu tập trung nhưng khi thực hiện hợp đồng, có một số mặt hàng lấy ít hơn với dự trù rất nhiều, gây khó khăn cho nhà thầu; một số hoạt chất chỉ có một số đơn vị nhỏ dùng với số lượng rất ít (chỉ vài trăm nghìn đồng) nên nhà thầu không ký hợp đồng;

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay các đơn vị mua thuốc phải theo 4 danh mục đấu thầu tập trung: Một là của cấp quốc gia của Bộ Y tế; Hai là của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ba là của cấp địa phương và bốn là của đơn vị.

“Mỗi danh mục lại ký hợp đồng với nhiều nhà thầu, với thời gian thực hiện hợp đồng khác nhau, sẽ rất khó khăn cho các đơn vị trong việc chủ động nguồn thuốc, thanh toán kinh phí” – đại diện Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo Sở Y tế Hà Nội, do mô hình bệnh tật có nhiều thay đổi, do thay đổi chính sách, một số đơn vị mới được phê duyệt thành lập khoa/phòng mới, một số thuốc cấp cứu, một số nhà thầu trúng thầu không có khả năng cung ứng tiếp… nên thường xuyên phát sinh thuốc ngoài kết quả đấu thầu. Tuy nhiên, trong thông tư 11 quy định đều phải trình UBND thành phố phê duyệt, vì vậy rất khó đáp ứng kịp thời phục vụ bệnh nhân.

Do vậy, Sở Y tế Hà Nội đề nghị xem xét tổ chức 2 cấp độ đấu thầu, trong đó Bộ Y tế đấu thầu tập trung toàn bộ thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, còn cấp địa phương thì các sở Y tế tự đấu thầu những mặt hàng còn lại.

Cũng tại Hội nghị, thạc sĩ Vũ Đình Tiến - trưởng khoa dược Bệnh viện K đã nêu lên nhiều khó khăn, bất cập trong đấu thầu thuốc tập trung, trong đó đáng chú ý việc nhà thầu không cung ứng đủ thuốc trong giai đoạn ngắn, chưa có quy cách đặc biệt để sử dụng cho truyền hoá chất ung thư; tỷ lệ sử dụng thuốc trong danh mục chưa cao do năm 2016 bắt đầu mua thuốc theo kết quả đấu thầu tập trung, tại thời điểm đó vẫn còn các hợp đồng cung ứng theo kết quả đấu thầu trước đó tại bệnh viện;

Cũng theo đại diện bệnh viện K, danh mục đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc điều trị ung thư chỉ có một  hàm lượng dẫn đến khó khăn khi phối hợp liều cho bệnh nhân; thuốc trong kế hoạch đấu thầu tập trung khi sử dụng hết không biết mua bổ sung bằng hình thức nào trong khi không được điều chuyển giữa các cơ sở y tế; thời gian từ khi lập kế hoạch đấu thầu đến khi có kết quả lựa chọn nhà thầu kéo dài dẫn đến số lượng kế hoạch và sử dụng có thay đổi; chưa có quy định cho việc mua thuốc bổ sung với những loại không lựa chọn được nhà thầu…

Một vấn đề rất quan trọng khác, theo thạc sĩ Vũ Đình Tiến, đó là thuốc hoá chất ung thư, thuốc điều trị đích hiện nay có nhiều thuốc biệt dược gốc chưa có thuốc Generic (thuốc đã hết bản quyền) nhóm 1.

Đại diện bệnh viện K đề nghị cần có kế hoạch dự trữ thuốc, đồng thời, cần có quy định về tỷ lệ thuốc biệt dược gốc, thuốc Generic nhóm 1 đối với từng hạng bệnh viện và bệnh viện chuyên khoa. 

Theo tìm hiểu của VnMedia, việc đấu thầu thuốc tập trung nếu chỉ nhìn vào con số tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng (so với giá kế hoạch) thì chưa nói lên bản chất của vấn đề bởi quan trọng nhất là giá kế hoạch được xây dựng dựa trên mức giá nào. Trên thực tế, thuốc có giá sàn và giá trần, nếu tính giá trung bình thì trong trường hợp giá trần chỉ là một số rất nhỏ, còn đa số là giá sàn thì khi lấy giá trung bình, giá kế hoạch sẽ cao hơn giá thị trường rất nhiều.

Quan trọng hơn, đó là các bệnh viện rất khó dự báo được số lượng thuốc sẽ tiêu thụ trong năm để đăng ký, mà như một bác sĩ chia sẻ, rằng “chỉ có thánh mới làm được!”. Trên thực tế, một bệnh viện lớn đã phải đấu thầu đến 8 lần trong năm 2017 và có loại thuốc, số lượng sử dụng cao gấp 30 lần số lượng thuốc đăng ký. Và khi đó, việc đăng ký để mua thuốc sẽ rất khó khăn, bởi nếu đấu thầu tiếp theo đúng quy trình,  bệnh viện có thể sẽ không có thuốc để điều trị cho bệnh nhân.

“Ví dụ dự kiến một loại thuốc nào đó cho 2 năm là 200 đơn vị, nhưng bất ngờ có dịch bệnh, có khi chỉ sử dụng trong 2 tháng đã hết. Lúc này, việc mua thuốc theo quy định sẽ rất khó khăn” - vị bác sĩ này chia sẻ với VnMedia.

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc