1/4 trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, thấp còi

06:22, 06/12/2017
|

(VnMedia) - Trong bối cảnh suy dinh dưỡng (SDD) vẫn còn là vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu thì ở Việt Nam, theo số liệu của giám sát dinh dưỡng trong nhiều năm gần đây, tỷ lệ SDD của trẻ em dưới 5 tuổi, thể nhẹ cân là 14,5%, thể thấp còi là 24,9%, thể gầy còm là 6,8% và thừa cân béo phì là 4,8%.

Các nghiên cứu cho thấy có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng SDD của trẻ được cải thiện một cách chậm chạp, trong đó dinh dưỡng không hợp lý và chất lượng thực phẩm kém giữ vai trò then chốt.

Suy dinh dưỡng

Thông tin được Giáo sư Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam đưa ra tại Hội thảo “Dinh dưỡng, Chất lượng thực phẩm với sức khỏe cộng đồng” do chi hội Dinh dưỡng và Thực phẩm thuộc Hội Dinh dưỡng Việt Nam tổ chức ngày 5/12.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau như Dinh dưỡng, Nông nghiệp, Công nghệ thực phẩm, Y học, Sinh học… mang đến nhiều công trình nghiên cứu khác nhau và các giải pháp mang tính khoa học nhằm từng bước giảm bớt và đẩy lùi các nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng.

Trong báo cáo “Thực trạng và hiệu quả can thiệp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi dân tộc Sán Dìu”, GS.TS Đỗ Văn Hàm đã cho thấy, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em người Sán Dìu vẫn còn cao (22,7%). Các nguyên nhân chính có thể kể đến như trẻ bị cai sữa sớm, ăn bổ sung sớm…

Trong khi đó, kết quả từ Nghiên cứu được tiến hành trên 585 phụ nữ dân tộc Tày từ 20 – 35 tuổi do bác sĩ Trần Thị Hồng Vân trình bày cho thấy, tỉ lệ thiếu máu chung là 25.47%, thiếu máu do sắt chiếm tỉ lệ cao 44.97%.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đều cho rằng, sự hạn chế hiểu biết về kiến thức dinh dưỡng, về chất lượng thực phẩm của người dân, nhất là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng các dân tộc ít người ở miền núi cùng với đời sống kinh tế thấp kém do chịu ảnh hưởng của thiên tai bão lũ... đã làm gia tăng các loại bệnh tật, nhất là các biểu hiện lâm sàng về các bệnh suy dinh dưỡng, các bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, tim mạch, loãng xương, đái tháo đường, thậm chí cả những bệnh hiểm nghèo như ung thư... Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Cùng với đó, tình trạng thực phẩm chất lượng kém ngày càng nhiều do việc trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản chế biến nông sản thực phẩm không đúng quy cách, nhất là việc lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, các hóa chất độc hại không được phép sử dụng... Sự mất dần một số cây trồng vật nuôi truyền thống do năng suất thấp nhưng sản phẩm của chúng lại có thành phần dinh dưỡng cân đối và hàm lượng cao các chất dinh dưỡng cùng với sự xuất hiện nhiều giống nhập nội có năng suất cao nhưng chất lượng kém. Điều này cũng góp phần làm giảm chất lượng thực phẩm.

Đóng góp ý kiến về giải pháp, Th.S Nguyễn Thị Yên Hà - Trung tâm Dinh dưỡng Thực phẩm – Viện Dinh Dưỡng đã thông tin về nghiên cứu nhằm xây dựng công thức, quy trình sản xuất và sản xuất thử nghiệm sản phẩm cao năng lượng uống liền dạng lỏng có bổ sung vi chất cho đối tượng công nhân lao động nặng nhằm khắc phục những vấn đề mà họ hay mắc phải. Sản phẩm đã được đánh giá cảm quan và đánh giá chấp nhận trên đối tượng công nhân lao động nặng cho kết quả ưa thích đạt 83%.

Trong khi đó, về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, PGS.TS. Trần Thị Định – Chủ tịch Mạng lưới Khoa học và Công nghệ thực phẩm Việt – Bỉ chia sẻ thông tin về bộ tiêu chuẩn PGS mà Liên đoàn phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế hiện đang áp dụng để kiểm soát chất lượng rau an toàn.

Phát biểu tại buổi Hội thảo, ông Nguyễn Đức Minh - Tổng Giám đốc Công ty Nutricare - đơn vị đồng tổ chức hội thảo cho biết, Nutricare hy vọng nhận được sự hưởng ứng, tham gia của cộng đồng khoa học để góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua kiến thức và thực hành chăm sóc dinh dưỡng.

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc