Thủ tướng dành nhiều thời gian nhất từ trước đến nay để trả lời chất vấn

06:43, 25/11/2017
|

(VnMedia) - Cùng với số lượng đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp này nhiều nhất từ trước đến nay thì Thủ tướng Chính phủ cũng dành nhiều thời gian nhất để trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội…

Đây là nhận định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên bế mạc Kỳ họp Quốc hội diễn ra chiều 24/11.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trên cơ sở thảo luận nhiều lần, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 6 luật, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đất nước trong các lĩnh vực quy hoạch, quản lý nợ công, cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, phát triển lâm nghiệp, thủy sản, tăng cường, thúc đẩy công tác đối ngoại trong tình hình mới, đồng thời dành thời gian thảo luận, cho ý kiến về 9 dự án luật khác.

Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016”. Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Đặc biệt, Quốc hội đã tiến hành chất vấn về các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, thông tin - truyền thông, công tác xét xử và chất vấn Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ.

“Qua hoạt động chất vấn cho thấy, các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn là xác đáng, phù hợp với thực tế. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, xây dựng, tranh luận sôi nổi, đã làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn, đồng thời, cho thấy năng lực của đại biểu Quốc hội được phát huy” - Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành nắm chắc tình hình, trả lời thẳng thắn, làm rõ vấn đề và đưa ra các giải pháp khắc phục, cơ bản nhận được sự đồng tình của đại biểu Quốc hội, được cử tri và dư luận xã hội đánh giá cao.

“Số lượng đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp này nhiều nhất từ trước đến nay và Thủ tướng Chính phủ cũng dành nhiều thời gian nhất để trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để Chính phủ, các Bộ, ngành tổ chức thực hiện, Quốc hội giám sát, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Ngoài ra, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc thận trọng, xem xét khách quan, toàn diện các yếu tố và thông qua các Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020; Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Quốc hội cũng đã tiến hành phê chuẩn nhân sự thành viên Chính phủ bảo đảm đúng tiêu chuẩn, chất lượng, quy trình, thủ tục luật định và đạt sự đồng thuận cao.

Tại cuộc họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV được tổ chức ngay sau phiên bế mạc, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được câu hỏi của báo chí liên quan đến việc vào cuối năm 2018 có lấy phiếu tín nhiệm 2 thành viên mới của Chính phủ là ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng GTVT và ông Lê Minh Khái - Tổng Thanh tra Chính phủ hay không?

Trả lời câu hỏi này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo Nghị quyết 85 về lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm, với những người đảm nhiệm chức vụ liên tục từ đủ 9 tháng trở lên thì đủ điều kiện lấy phiếu. Như vậy, dự kiến vào tháng 10/2018, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, khi đó Bộ trưởng GTVT và Tổng Thanh tra Chính phủ đã nhậm chức được 1 năm.

Đối với câu hỏi về quy trình xem xét tư cách ĐBQH của bà Phan Thị Mỹ Thanh - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai như thế nào khi vừa rồi bà có khiếu nại liên quan đến mức kỷ luật và cơ quan có thẩm quyền vẫn giữ nguyên mức kỷ luật cảnh cáo? ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: “Tại họp báo trước kỳ họp thứ 4 tôi có trả lời rằng cơ quan chức năng đang xem xét. Trong quá trình xem xét, bà Thanh có đơn khiếu nại và cơ quan có thẩm quyền đã giữ nguyên mức kỷ luật. Các cơ quan chức năng liên quan cán bộ đang xem xét sau đó kết quả thế nào sẽ báo cáo Quốc hội”.

Ông Phúc cũng cho biết thêm, trường hợp của bà Phan Thị Mỹ Thanh là thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư quyết định.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc