"Không phải tất cả mọi người trong hộ gia đình đều ghi vào sổ đỏ"

14:10, 23/11/2017
|

(VnMedia) - "Mục đích quy định mới về ghi tên trong sổ đỏ là để bảo vệ quyền lợi của những người có quyền sử dụng đất chứ không bao gồm những thành viên trong khái niệm hộ gia đình" - Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) giải thích.

sổ đỏ
Chỉ những người có quyền lợi với mảnh đất mới được ghi tên trong sổ đỏ

Như VnMedia đã đưa tin về việc Bộ TN&MT vừa ban hành Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, trong đó có quy định ghi tên các thành viên trong hộ gia đình vào sổ đỏ. Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, trong đó có nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng. Trước diễn biến đó, đêm hôm qua (22/11), Bộ TN&MT đã phải có một văn bản gửi các cơ quan báo chí để giải thích rõ hơn về thông tư.

Theo đó, trong văn bản của Bộ TN&MT gửi các cơ quan báo chí giải thích, theo quy định tại Khoản 29 Điều 3 Luật đất đai, “hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.

Do đó, khi ghi Giấy chứng nhận thì chỉ thể hiện thông tin các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình, các thành viên khác trong hộ gia đình không có chung quyền sử dụng đất (ví dụ như những người không phải là nhân khẩu mà Nhà nước đã xác định để giao đất cho hộ gia đình trước đây, người không có công đóng góp để tạo lập quyền sử dụng đất của hộ,…) thì không ghi trên giấy chứng nhận.

Liên quan đến vấn đề này, bên hành lang Quốc hội sáng nay 23/11, một lãnh đạo Bộ TN&MT đã trao đổi, giải thích thêm những vấn đề mà dư luận quan tâm nhưng chưa hiểu rõ, thậm chí hiểu sai.

Theo vị lãnh đạo này thì quy định này là việc cá thể hóa những người có quyền lợi sử dụng đất đối với lô đất đó, chứ không phải tất cả mọi người trong hộ gia đình.

“Sau này, chủ sở hữu mảnh đất đó sinh con hay một người khác đến ở chung thì con cái hay người đến ở chung đó cũng không có quyền được ghi tên trong sổ đỏ bởi họ không có mặt, không tham gia tạo lập đất” - vị này nói. Như vậy, theo Lãnh đạo Bộ TN&MT thì Thông tư ra đời để “bảo vệ quyền lợi những người có quyền sử dụng đất chứ không bao gồm những thành viên trong khái niệm hộ gia đình”.

Lấy ví dụ cụ thể, vị Lãnh đạo này nói: “Trong đất đền bù chẳng hạn. Việc ghi tên thành viên nào vào sổ đỏ sẽ được xác định trên cơ sở là thành viên vào thời điểm được đền bù, cấp đất để bảo vệ quyền sử dụng đất của những người có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình đó. Trước đây, luật pháp quy định các điều này lỏng lẻo nên giờ phải cá thể hoá". Theo vị lãnh đạo Bộ TN&MT thì trước đây có một tồn tại là chưa tính đến cá thể hóa nên dễ xảy ra tranh chấp không thể giải quyết được.

Một trường hợp điển hình được Lãnh đạo bộ TN&MT đưa ra, đó là trước kia, khi cấp đất cho hộ gia đình, nhà nước xem xét trong hộ gia đình có bao nhiêu người, căn cứ định mức cấp đất cho mỗi người để quyết định cấp bao nhiêu đất cho hộ đó. Tuy nhiên, vào thời gian đó, đất chưa có giá trị nhiều và khái niệm hộ sở hữu chung vẫn còn nên mọi người thoải mái để một người đứng ra đại diện. Nhưng dần dần, đất đai được cá thể hóa, không có khái niệm chung đó nữa. Nay từng bước cá thể hóa.

“Đây là việc cần thiết phải làm trong xã hội hiện nay để giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mọi người” - Vị này nói.

Lãnh đạo Bộ TN&MT cũng thông tin thêm: “Đây là yêu cầu của Tòa án, viện Kiểm sát. Các cơ quan này đề nghị ghi rõ cá thể chứ không thể để chủ thể, theo hộ. Quy định là như vậy, nhưng các cá nhân trong hộ gia đình có thể tự thoả thuận và đi đến thống nhất trong việc ghi tên ai vào sổ đỏ".

Lãnh đạo Bộ TN&MT cũng khẳng định, Thông tư này không làm phức tạp hơn quy định về quản lý đất đai mà chỉ có “Nhà nước vất vả thêm”, còn những người có quyền hợp pháp được bảo vệ tốt hơn.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc