"Cử tri và nhân dân sẽ không dễ dàng chấp nhận xin lỗi nếu không làm như đã hứa"

16:16, 13/11/2017
|

(VnMedia) - "Đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước, đặc biệt là nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của dự án sẽ không đơn giản chấp nhận một câu xin lỗi bình thường nếu như quá trình thực hiện dự án không được như những gì đã hứa” - đại biểu tỉnh Đồng Nai nói về dự án sân bay Long Thành.

Rất mong có cơ sở để tin rằng Chính phủ sẽ thực hiện triệt để lời hứa

Thảo luận ở hội trường sáng 13/11 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) lo ngại một thực tế, đó là về tài chính dự án thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành liên tục tăng so với mỗi lần báo cáo.

“Ban đầu Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai báo cáo giải phóng mặt bằng có hơn 13 nghìn tỷ đồng, sau đó lại báo cáo hơn 18 nghìn tỷ đồng và đến giờ Chính phủ báo cáo là hơn 23 nghìn tỷ đồng, mà đây chỉ là con số ước tính. Tại thời điểm tháng 7 năm 2017 là dự án lớn, cần nhiều thời gian để triển khai, đến lúc thực tế triển khai có tiếp tục tăng lên nữa hay không?” – đại biểu Tiến đặt câu hỏi.

Ngoài ra, đại biểu tỉnh Hà Nam cũng lo lắng: “Chính phủ dự kiến dự phòng 10% cho dự án có đủ để giải quyết những vấn đề phát sinh hay không? Như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế đã nêu nhiều hạng mục dự toán có giá trị lớn trong Báo cáo của Chính phủ là ước tính. Còn thiếu cơ sở tính toán, báo cáo chưa xử lý việc chi phí đền bù sẽ thay đổi theo thời gian từng năm, chưa làm rõ khả năng đáp ứng từ nguồn dự phòng phí của dự án”.

Ông đề nghị, đối với phương án xử lý những mâu thuẫn phát sinh về chênh lệch giá khi thu hồi đất ở những thời điểm khác nhau, Chính phủ cần kiểm điểm, rà soát cụ thể hơn.

Ngoài ra, đại biểu Phùng Đức Tiến phân tích: Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 26/2016/QH14 ngày 10 tháng 11 năm 2016, về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, đã bố trí 5 nghìn tỷ đồng để giải phóng mặt bằng do dự án Long Thành, nay Chính phủ trình Quốc hội bố trí 23 nghìn tỷ đồng, như vậy hơn 18 nghìn tỷ đồng sẽ phải lấy từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị quyết 26 của Quốc hội thì nguồn này chỉ được sử dụng trong trường hợp nguồn thu ngân sách Nhà nước đảm bảo kế hoạch.

Trong khi đó, thời gian này, ngân sách Nhà nước đang hết sức khó khăn, có thể thu không đạt kế hoạch, như vậy sẽ khó sử dụng nguồn dự phòng này.

“Bên cạnh đó, nhiều dự án cũng dự kiến sử dụng nguồn dự phòng thì có đáp ứng được nhu cầu không?” – đại biểu Tiến tiếp tục đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) thì thẳng thắn đặt vấn đề: “Nghiên cứu ý kiến giải trình, tiếp thu của Chính phủ, tôi thấy có ít nhất 40 vấn đề ý kiến giải trình tiếp thu có dùng cụm từ "Chính phủ sẽ", và khẳng định bảo đảm không vượt quá tổng mức đầu tư dự án... Tôi rất mong và có cơ sở để tin rằng Chính phủ sẽ thực hiện triệt để lời hứa”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hồng
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hồng

Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Đồng Nai thẳng thắn nhấn mạnh: “Tôi tin chắc rằng đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước, đặc biệt là nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của dự án sẽ không đơn giản chấp nhận một câu xin lỗi bình thường nếu như quá trình thực hiện dự án không được như những gì đã hứa”.

Liên quan đến nguồn vốn hiện đang thiếu khoảng 18.000 tỷ đồng, hầu hết các đại biểu phát biểu đều không đồng ý phương án lấy 15.000 tỷ đồng trong số tiền dành cho các dự án trọng điểm, vì nếu như vậy, đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ không thực hiện được như mong muốn.

Quan tâm đến vấn đề tài lấn chiếm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc làm thế nào để chống tái lấn chiếm là vấn đề hết sức quan trọng.  

“Từ khi có Nghị quyết cho đến nay đã có rất nhiều hộ đã nhảy dù vào. Hiện nay các đại biểu cũng đã phát biểu trước Quốc hội hôm nay là chúng ta đã phải bồi thường tái định cư cho cả những hộ đã nhảy dù. Tôi lo nhất khi chúng ta thu hồi và sau đó họ lại tiếp tục tái lấn chiếm thì đấy mới ghê gớm và rất khó giải quyết. Tôi chắc chắn Tòa án của Long Thành sẽ không đủ năng lực để giải quyết các vụ kiện, bởi vì các vụ kiện này sẽ rất nhiều, sẽ giải quyết nhiều lần” – Đại biểu tỉnh Bến Tre nhấn mạnh.

Ông đề nghị bổ sung quy định "xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lợi dụng chính sách để trục lợi, lấn chiếm đất đai đã được thu hồi".

Về việc xây dựng thành phố sân bay, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, không nên để thành phố mọc lên xung quanh sân bay, gây mất an toàn bay.

“Chỗ này đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tổ chức nghiên cứu làm thế nào đảm bảo an toàn bay và đời sống dân sinh. Tránh việc xây dựng thành phố quá sát sân bay ảnh hưởng an toàn" – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cũng lo lắng: “Tiến độ giải phóng mặt bằng không khẩn trương, chậm thì ngủ một đêm sáng dậy chúng ta thấy có thể có những nấm mồ mới, có những loại cây trồng mới, có những công trình mới, những chuồng trại mới”, làm phát sinh chi phí đền bù.

Bộ sẽ làm công khai, minh bạch

Như VnMedia đã đưa tin, về nguồn vốn để đầu tư cho dự án, theo nghị quyết 26 Quốc hội thì nguồn vốn để thực hiện, bố trí cho dự án giải phóng mặt bằng chỉ là 5.000 tỷ đồng. Như vậy, dự án còn thiếu gần 18.000 tỷ đồng để thực hiện.

2 phương án bổ sung nguồn vốn thiếu hụt được dự án đưa ra là huy động từ nguồn ngân sách dành cho các dự án trọng điểm quốc gia hoặc huy động từ nguồn ngân sách dự phòng. 

Trước những thắc mắc của đại biểu Quốc hội, trong phần giải trình của mình, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nói: “Cơ chế sử dụng 15 ngàn tỷ đồng này nếu như Chính phủ sử dụng không đúng mục đích và làm không đúng mục tiêu thì có các đoàn đại biểu Quốc hội và nhân dân giám sát. Tôi nghĩ để hài hòa các loại hình vận tải trong đó có đường sắt rất mong Quốc hội ủng hộ phương án 2", (huy động từ nguồn ngân sách dự phòng).

“Đại biểu Quốc hội lo lắng về việc thực hiện, chúng tôi xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia, do đó việc chúng ta thực hiện phải hết sức thận trọng, quy mô rất lớn, ảnh hưởng người dân rất nhiều, gần 15.000 nhân khẩu và 5.000 hộ dân, như vậy rất lớn. Chúng tôi nghĩ làm sẽ hết sức thận trọng” - Bộ trưởng hứa.

Người đứng đầu ngành Giao thông cũng cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ sẽ cùng với các bộ, ngành phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai rà soát từng phần việc sẽ thực hiện và sẽ tổ chức cách thực hiện “làm sao đảm bảo công khai, minh bạch”.

“Chúng tôi cũng có niềm tin vì Đồng Nai là một trung tâm công nghiệp rất lớn, có tới hơn 30 khu công nghiệp và các khu cụm công nghiệp đều liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, có những dự án lớn của quốc gia như đường cao tốc, do đó kinh nghiệm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của Đồng Nai rất tốt”, Bộ trưởng khẳng định và “rất mong Quốc hội trong kỳ này bấm biểu quyết thông qua dự án".

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban kinh tế phối hợp với các cơ quan hữu quan để hoàn thiện lại toàn bộ dự thảo Nghị quyết cũng như sẽ có báo cáo giải trình tiếp thu để trình ra Quốc hội để Quốc hội thông qua.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc