Tăng trưởng kinh tế khả quan, cần điều chỉnh lại các giải pháp và chính sách

19:30, 23/10/2017
|

(VnMedia) - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến cho rằng, với tình hình tăng trưởng kinh tế khả quan, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát và các cân đối vĩ mô cơ bản ổn định, cần xem xét, điều chỉnh lại các giải pháp, chính sách đã đề ra…

Sáng nay (23/10), tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH 2018.

Theo Thủ tướng, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Kết quả là tăng trưởng GDP chín tháng đạt 6,41% , ước cả năm đạt 6,7%. Đạt được kết quả này là nhờ cả ba khu vực tăng trưởng khá đồng đều: Nông nghiệp tăng 2,78% (gấp hơn bốn lần cùng kỳ), trong đó thủy sản tăng cao 5,42%; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước cả năm đạt 35 tỷ USD. Công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%. Khu vực dịch vụ tăng 7,25%, cao nhất kể từ năm 2008. Thu hút khách du lịch đạt kỷ lục, khách quốc tế đạt 9,45 triệu lượt, ước cả năm 13 triệu lượt, tăng 30%; khách trong nước đạt 57,9 triệu lượt, ước cả năm 75 triệu lượt, tăng 12%.

Liên Hợp quốc đánh giá Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ…

Thủ tướng trình bày báo cáo
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH 2018

Báo cáo Thẩm tra báo cáo của Chính phủ do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày cũng cho biết, đa số ý kiến cho rằng, với tình hình tăng trưởng kinh tế khả quan, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát và các cân đối vĩ mô cơ bản ổn định, cần xem xét, điều chỉnh lại các giải pháp, chính sách đã đề ra.

“Đây là cơ hội để đẩy mạnh thực hiện các chính sách với tầm nhìn trung và dài hạn như chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, tạo nền tảng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ các ngành có giá trị gia tăng thấp sang ngành có giá trị gia tăng cao hơn, tiếp tục tạo ra thay đổi tích cực về thể chế, môi trường kinh doanh, chủ động điều chỉnh giá các hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước quản lý” – báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra cho rằng, cần quan tâm đánh giá kỹ lưỡng các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn như phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% (so với chỉ tiêu khoảng 18% từ đầu năm), đẩy mạnh thoái vốn nhà nước, thúc đẩy tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất trong bối cảnh nợ xấu còn cao..., tránh những rủi ro phát sinh tiêu cực như “bong bóng” trên thị trường chứng khoán, bất động sản và khả năng kiểm soát lạm phát trong các năm tiếp theo. Ngoài ra,trong điều hành nền kinh tế cần hạn chế việc ban hành quyết định mang tính hành chính, áp đặt, can thiệp không phù hợp quy luật thị trường.

Vũ Hồng Thanh
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra

Đối với kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu (GDP năm 2017 ước thực hiện đạt 6,7% với điều kiện tăng trưởng quý IV đạt mức 7,4%-7,5%) báo cáo thẩm tra cho biết, nhiều ý kiến cho rằng, đây vẫn là thách thức lớn do những nhóm yếu tố tạo đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2017 gồm tiêu dùng của người dân, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo không còn nhiều dư địa để gia tăng, bên cạnh đó tăng trưởng của ngành nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro còn phụ thuộc vào thời tiết.

Ngoài ra, các yếu tố khác như khai khoáng, giải ngân đầu tư công dự báo giảm so với năm 2016, do vậy, Chính phủ cần rà soát, đánh giá các khó khăn và phân tích rõ hơn các yếu tố, nguồn lực để bảo đảm thực sự đạt được mức tăng trưởng 6,7%,...

Đánh giá về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, Báo cáo thẩm tra cho biết, nhiều ý kiến cho rằng việc tuân thủ các quy định Luật Đầu tư công trong lập, phê duyệt, phân giao vốn chưa được quán triệt đầy đủ và tuân thủ nghiêm túc dẫn đến tiến độ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn còn rất chậm, gây khó khăn cho các địa phương trong việc cân đối nguồn vốn để đầu tư hoàn thành dự án theo đúng tiến độ; còn lượng vốn lớn chưa được phân giao cho các bộ, ngành, địa phương, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA thấp đã làm ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của các dự án, công trình. Vì vậy, cần phải rà soát, đánh giá việc thực thi pháp luật về đầu tư công cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Một số ý kiến đề nghị cần phải tăng cường quản lý nhà nước đối với các dự án BOT giao thông vì thời gian qua bên cạnh các đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, dư luận xã hội cũng bày tỏ sự không hài lòng về một số khâu trong triển khai dự án như chỉ định thầu, các nhà đầu tư chưa bảo đảm năng lực, chất lượng một số công trình kém,mức giá dịch vụ, thời gian thu phí và việc đặt các trạm thu phí BOTchưa hợp lý tại các tuyến quốc lộ.

Một số ý kiến lo ngại về tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản như vàng, cát, sỏi... tại một số địa phương diễn ra hết sức phức tạp nhưng chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý làm thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách, ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh trật tự xã hội. Tình trạng cháy rừng, phá rừng nghiêm trọng, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, mất trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân;

Chất lượng khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở chưa cao, còn tình trạng buông lỏng quản lý, vi phạm các quy định về đấu thầu thuốc, y tế dự phòng (dịch sốt xuất huyết), bảo hiểm y tế bị lạm dụng, trục lợi ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh. Chất lượng và an toàn thực phẩm, hàng hóa vẫn diễn biến phức tạp gây bức xúc trong dư luận xã hội;

Quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài nguyên ở nhiều địa phương còn sơ hở, thiếu sót. Ùn tắc giao thông, ngập úng tại một số thành phố lớn chưa có nhiều chuyển biến do thiếu liên kết giữa quy hoạch xây dựng và giao thông, bên cạnh đó là tình trạng chậm tiến độ của một số công trình giao thông đô thị trọng điểm;

Báo cáo thẩm tra cũng đánh giá, công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm, gây thiệt hại lớn. Sai phạm, vi phạm kỷ luật của cán bộ, đảng viên trong tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ tại nhiều cơ quan, ban ngành, địa phương thiếu khách quan, minh bạch; tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi...

Theo Chương trình Kỳ họp, Quốc hội sẽ dành hai ngày 30/10 và 1/11 truyền hình và phát thanh trực tiếp thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc