Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Cần siết chặt bảo vệ bí mật nhà nước

08:44, 26/10/2017
|

(VnMedia) - Chiều 25/10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Võ Trọng Việt trình bày báo cáo thẩm tra về dự án luật này.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình Dự thảo luật Bảo vệ bí mật nhà nước
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình Dự thảo luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Trình bày tờ Tờ trình Dự thảo luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, công tác bảo vệ bí mật nhà nước đã đạt nhiều kết quả quan trọng, ý thức trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước của các cấp, các ngành, của cán bộ, nhân dân được nâng cao; các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương đã xây dựng danh mục bí mật nhà nước, quy chế bảo vệ bí mật nhà nước và tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước; các cơ quan chức năng đã được kiện toàn về tổ chức, làm tốt công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm; phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn nhiều âm mưu, hoạt động thu thập bí mật nhà nước của các thế lực thù địch.

Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, trong bối cảnh quốc tế ngày càng trở nên phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch, bọn tội phạm trong và ngoài nước không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá. Trước tình hình phức tạp nêu trên, từ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và định hướng của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ bí mật nhà nước trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo; đồng thời, để hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ bí mật nhà nước nên việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là yêu cầu khách quan và cần thiết.

Tờ trình cũng nêu rõ, trên cơ sở kế thừa và luật hóa những quy định còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung những quy định còn thiếu, chưa bảo đảm khả thi của Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn, Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được xây dựng và bố cục thành 5 chương, 39 điều quy định về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ bí mật nhà nước. Đối tượng áp dụng của luật là các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết thêm, từ năm 2001 đến nay đã phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước. Trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo bị lộ, mất.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, một trong những nguyên nhân của việc lộ, mất nêu trên là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước còn chưa đồng bộ. Cùng đó là các chế tài xử lý còn thiếu và yếu, chưa bảo đảm tính răn đe; việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động…

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Võ Trọng Việt cho biết ủy ban tán thành việc phân loại bí mật nhà nước theo ba cấp độ như dự thảo luật (mật, tối mật, tuyệt mật). Tuy nhiên, ủy ban đề nghị quy định cụ thể hơn về phạm vi bí mật nhà nước.

Cũng theo ông Việt, một số ý kiến trong ủy ban đề xuất bí mật nhà nước độ tuyệt mật thường liên quan đặc biệt đến an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc nên thời hạn bảo vệ cần quy định dài hơn (có thể là 50 hoặc đến 60 năm) hoặc không nên xác định thời hạn giải mật. Có ý kiến khác đề nghị bổ sung loại bí mật nhà nước bảo vệ không thời hạn.

Liên quan đến vấn đề giải mật, có ý kiến trong ủy ban cho rằng việc quyết định bí mật nhà nước, độ mật của bí mật nhà nước phải căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Thế nhưng dự thảo lại quy định thẩm quyền giải mật do hội đồng giải mật quyết định là chưa thống nhất với thẩm quyền quy định tại Điều 10 của dự thảo luật.

Ý kiến khác lại cho rằng dự thảo luật cần quy định cụ thể việc giải mật, tiêu hủy bí mật nhà nước để bảo đảm việc đầu tư, sử dụng các nguồn lực bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu quả, không lãng phí...

Cũng theo ông Việt, một số ý kiến trong ủy ban đề nghị mặc dù khu vực cấm, địa điểm cấm không phải là bí mật nhà nước nhưng là nơi chứa đựng thông tin bí mật nhà nước, nơi diễn ra các hoạt động bí mật nhà nước. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung một số quy định mang tính khái quát về khu vực cấm, địa điểm cấm để có biện pháp quản lý và bảo vệ, tuy nhiên cần loại trừ những khu vực cấm, địa điểm cấm đã được các luật khác điều chỉnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, kế thừa quy định của pháp lệnh, dự thảo luật phân loại bí mật nhà nước thành ba cấp độ: Tuyệt mật, tối mật và mật. Tuy nhiên, để việc xác lập danh mục bí mật nhà nước được bảo đảm tính công khai, minh bạch, thống nhất, dự thảo quy định tiêu chí phân loại bí mật nhà nước theo hướng kết hợp giữa lĩnh vực và hậu quả nếu bí mật nhà nước bị lộ, mất.

Khánh An


Ý kiến bạn đọc