Bão hoành hành Hà Tĩnh - Quảng Bình, ít nhất sáu người chết

20:46, 15/09/2017
|

Sau 6 tiếng đổ bộ, cơn bão số 10 hoành hành nhiều tỉnh thành trong đó nặng nhất là hai tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình và gây thiệt hại trên diện rộng từ Nghệ An tới Thừa Thiên - Huế. Hàng trăm nghìn hộ dân mất điện.

Báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho hay tính tới 17h ngày 15/9, 3 người tử vong, 8 người bị thương trong bão số 10. (3 người thiệt mạng tại Quảng Bình, TP Huế và Hà Tĩnh; Trong 8 người bị thương, Quảng Bình có 6 người, Huế 1 người và Nghệ An 1 người).

Thống kê sơ bộ từ các tỉnh thành bị ảnh hưởng do bão số 10 cho thấy có tổng cộng 23.968 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Theo đó ở Hà Tĩnh: 23.219 nhà, Quảng Trị: 85 nhà, Huế: 608 nhà. Ngoài ra còn nhiều nhà bị tốc mái hư hỏng ở Quảng Bình.

Có 4 tàu bị chìm ở Quảng Ngãi; 5 ghe máy bị chìm ở Huế; 1.142 cột điện hạ thế bị đổ gãy; 1.703 cột điện hạ thế bị nghiêng. Tổng số khách hàng bị mất điện là 1.307.000, đến nay đã khôi phục cấp điện trở lại cho 165.198 khách hàng (đạt 13%).

Theo đánh giá ban đầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, với cường độ bão số 10, việc chỉ đạo điều hành ứng phó và sự vào cuộc hết sức quyêt liệt của các cáp chính quyền  đã giúp giảm thiểu thiệt hại.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung Ương, đến 22 giờ ngày 15/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 103,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 6 đến 12 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau là một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.

Hà Tĩnh thiệt hại nặng nề

Theo thống kê bước đầu, tại huyện Kỳ Anh, hơn 23.000 nhà dân bị tốc mái và có 9 thôn bị ngập. Các xã Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Lợi, Kỳ Trinh, Kỳ Nam, Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) đã có hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái; cột truyền hình, cột sóng Viettel ở thị xã đã bị đổ gãy. 

Ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết: Hiện tại chưa có thống kê cụ thể thiệt hại do bão số 10 gây ra, nhưng tại đây đã có 80% nhà dân các xã ven biển và các trường học, trạm y tế các xã, phường đã bị tốc mái và hư hỏng.

Chính quyền địa phương đang huy động mọi lực lượng cùng với các xã, phường và nhân dân dọn dẹp lại nhà cửa, tiếp thêm thức ăn, nước uống cho người dân vùng ven biển.  
 
 
Nhiều cột điện tại xã Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh bị đổ.
Nhiều cột điện tại xã Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh bị đổ.
 
Tại huyện Lộc Hà đã có 500 ngôi nhà dân bị tốc mái, sóng lớn cùng với triều cường đã tràn qua đê làm ngập lụt hàng chục hộ dân ở xã Thạch Kim, xã Thạch Châu và nhiều địa phương. Nhiều nhà dân, công trình công cộng bị tốc mái, cột điện đổ gãy.

Huyện Cẩm Xuyên có 169 nhà bị tốc mái và ngập 19 thôn, cột điện, pa nô áp phích  đã bị gió bão xô gãy đổ, nhiều hàng quán cũng đã bị giật tung mái tôn. Tại huyện Thạch Hà, các xã vùng bãi ngang có rất nhiều nhà cửa, cây cối bị tốc mái. Tại huyện Can Lộc, rất nhiều cột điện, cây cối và cổng chào xã Thiên Lộc bị đổ gãy. 

Hầu hết các địa phương trong tỉnh Hà Tĩnh đều bị mất điện lưới, một số tuyến đường do cột điện và cây cối đổ gãy gây khó khăn cho việc đi lại. 

Ảnh hưởng của bão số 10, trên địa bàn Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to và rất to. Lượng mưa đo được tại các Trạm thủy văn tính từ 7 giờ ngày 14/9 đến 12 giờ ngày 15/9 như sau: Linh Cảm 140,8mm, Chu Lễ 253,4mm, Kỳ Anh 158,5mm, Sông Rác 169mm. Tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 11.979 cán bộ chiến sỹ và 30 ô tô các loại, 3 ca nô của các lực lượng vũ trang giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, di dời dân.

Thành phố Đồng Hới  mất điện trên diện rộng

Sau cơn bão số 10, Quảng Bình đã có 1 người chết, 6 người bị thương. Tính đến 15h ngày 15/9, toàn tỉnh Quảng Bình đã có 49.155 ngôi nhà bị tốc mái; 1 người chết 6 người bị thương, ước tính thiệt hại ban đầu gần 1.800 tỷ đồng.

 
Cột điện gãy đổ tại huyện Lệ Thủy
Cột điện gãy đổ tại huyện Lệ Thủy

Ngoài trường hợp tử vong nêu trên còn có 6 người bị thương (Tuyên Hóa 2 người và Bố Trạch 4 người); 13 nhà bị sập ở huyện Quảng Trạch, 1.500 nhà bị ngập ở thị xã Ba Đồn và 49.155 ngôi nhà bị tốc mái (trong đó: Quảng Ninh 500 nhà; Tuyên Hoá 451 nhà; Quảng Trạch 17.170 nhà; Ba Đồn 15.810 nhà và Bố Trạch 15.224 nhà). Ước tính thiệt hại ban đầu là 1.743,915 tỷ đồng.

Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An biển động

Những cột sóng cao 4-5m liên tục tấn công vào bờ kè ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Trong khi đó, tại các xã ven biển huyện Hải Hậu, Nam Định, triều cường đột ngột dâng cao, nước biển tràn qua đê.

Chùm ảnh: Quảng Bình tan hoang sau bão số 10 - ảnh 5

Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Hoàng Xuân Minh cho biết: Lúc 12h trưa nay, triều cường dâng cao gây ngập cục bộ tại khu vực ven biển. Đầu giờ chiều nay, Đồ Sơn có mưa lớn, gió rít mạnh, tạo nên những cột sóng liên tiếp tấn công vào bờ kè.

Người dân Cát Bà căng sức chống lũ
Người dân Cát Bà căng sức chống lũ

Tại đảo Cát Bà cũng có tình trạng sóng to, triều cường dâng cao. Đảo Cát Bà và huyện đảo Cát Hải gần như bị cô lập do mọi phương tiện tàu thuyền đã bị cấm hoạt động từ chiều qua.

Ông Vũ Văn Kỳ, Chánh văn phòng UBND huyện Hải Hậu cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 10, triều cường dâng cao hơn 1m gây ngập cục bộ tại các xã, thị trấn ven biển. Tại thị trấn Thịnh Long và một số xã ven biển đã có mưa, gió.

Đặc biệt, đến khoảng 9h sáng nay, sóng biển đánh cao vài mét, nước biển vượt qua đê bao ngoài (đê bao trực diện) tràn vào khu dân ven biển. Nhờ vẫn còn 1 đê bao trong ngăn cách khu dân cư nên nước biển chỉ mới gây ngập tại các khu vực người dân hoạt động buôn bán, du lịch.

UBND huyện Hải Hậu đã huy động toàn bộ quân số phối hợp với biên phòng, công an di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn.

Bến xe khách Thịnh Long cũng bị ngập gây khó khăn cho hoạt động đi lại. Nhiều tuyến đường lớn tại khu 17, thị trấn Thịnh Long biến thành sông. Giao thông tạm thời bị chia cắt.

Toàn bộ khu du lịch và khu 22 chìm trong nước, người dân đã được sơ tán đến nơi an toàn, một số tài sản bị sóng đánh trôi.


Theo thông tin từ Ban Phòng chống lũ lụt tỉnh Nam Định, có hơn 3.000 hộ dân đã được di chuyển đến nơi trú ẩn an toàn. Theo thống kê, hiện chưa có thiệt hại về người nhưng đã gây thiệt hại về nông nghiệp và tài sản của người dân bị cuốn trôi, đồng thời sóng biển cuốn trôi nhiều khu vực đê xung yếu.

Biển Quất Lâm, Nam Định thất thủ
Biển Quất Lâm, Nam Định thất thủ

Tại thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thuỷ mực nước biển dâng cao, kèm sóng lớn ập vào tràn qua bờ đê và các ki ốt. Các tuyến đường đi vào bãi tắm Quất Lâm bị ngập nặng.

(Tổng hợp từ VNN, Pháp luật TPHCM, Zing)


Ý kiến bạn đọc