Đại biểu Hà Nội sẽ chất vấn lãnh đạo UBND và các Sở

13:48, 03/07/2017
|
(VnMedia)-  Đúng 8 giờ sáng nay (3/7), kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 chính thức khai mạc và kéo dài đến ngày 5/7. Nhiều vấn đề nóng, lớn của Hà Nội sẽ được "mổ xẻ" trong kỳ họp này.
 
Xem xét, thảo luận thông qua 20 báo cáo, 1 nghị quyết
 
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, kỳ họp thứ tư HĐND TP diễn ra trong thời điểm bộ máy HĐND - UBND TP nhiệm kỳ 2016-2021 đã hoạt động được một năm theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND với rất nhiều thuận lợi. 
 Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 4 HĐND TP. Hà Nội. Ảnh: Kinh tế đô thị
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 4 HĐND TP. Hà Nội. Ảnh: Kinh tế đô thị
Kỳ họp thứ 4 HĐND Thành phố diễn ra trong 3 ngày, xem xét, thảo luận và thông qua 20 báo cáo và 1 nghị quyết thường kỳ, 3 báo cáo và 12 nghị quyết chuyên đề và công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố. 
 
Các báo cáo và nghị quyết xem xét tại kỳ họp lần này đều là những nội dung lớn và khó, liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố và đời sống dân sinh như: Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2021, tầm nhìn đến 2030; quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2017-2018; việc điều chỉnh danh mục biệt thự ban hành kèm theo Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND ngày 10/12/2008 và nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND ngày 04/12/2013 của HĐND Thành phố; định mức, chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh; một số nội dung chi, mức chi phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội của UB MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.... 
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Kinh tế đô thị
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Kinh tế đô thị
 
Cũng tại kỳ họp, HĐND TP tiếp tục thực hiện quyền giám sát trực tiếp thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn của đại biểu HĐND đối với UBND TP và các cơ quan liên quan. HĐND TP sẽ dành một nửa ngày để tái chất vấn việc thực hiện các kết luận của Chủ tọa tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 HĐND; tiếp tục chất vấn đối với UBND TP và các cơ quan liên quan, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, bức xúc nổi cộm đang được đông đảo cử tri, nhân dân Thủ đô và dư luận quan tâm, HĐND giám sát nhiều lần nhưng chưa có chuyển biến tích cực.
 
Do đó, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đề nghị các đại biểu HĐND TP nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, tập trung trí tuệ, nghiên cứu, thảo luận dân chủ, tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người dân, góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân Thủ đô.
 
Theo chương trình, trong phiên làm việc sáng nay, các đại biểu HĐND TP sẽ nghe UBND TP báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017; báo cáo tóm tắt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn TP đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và hướng dẫn xác định quy mô tầng hầm phục vụ đỗ xe đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn TP.
 
UBND TP cũng báo cáo về tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm, giải pháp 6 tháng cuối năm 2017 và phương án sử dụng và trả nợ vốn vay lại nguồn vốn ODA của dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội...
 
Sau các báo cáo hoạt động của HĐND TP, TAND TP, VKSND TP, MTTQVN TP, các đại biểu thảo luận tại hội trường và quyết nghị về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2017 của thành phố.
 
 
Nhiều vấn đề nóng sẽ được chất vấn
 
 
Theo kế hoạch, các nội dung dư luận và báo chí quan tâm như phương án giảm phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy vào nội đô; trật tự vỉa hè, lòng đường; việc chặt hạ cây xanh trên các tuyến đường; vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức… sẽ được đưa vào phiên chất vấn tại hội trường (ngày 5/7)
 
Phó chủ tịch Thường trực HĐND Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết ở kỳ họp này, quán triệt nội dung rất rõ là chất vấn và tái chất vấn đến cùng. Kỳ họp dành nửa ngày để tái chất vấn trở lại những nội dung đã chất vấn tại kỳ trước để biết được UBND Hà Nội thực hiện đến đâu, chưa thực hiện cái gì, nguyên nhân, trách nhiệm thế nào đáp ứng mong mỏi của cử tri. 
Ảnh: Zing
Ảnh: Zing
 
Dự kiến, HĐND Hà Nội sẽ dành một ngày cho phiên trả lời chất vấn của đại biểu với lãnh đạo các sở và UBND Hà Nội. Theo ông Nguyễn Hoài Nam (Trưởng ban Pháp chế) trên cơ sở tổng hợp ý kiến của cử tri, của các đại biểu, HĐND đã lựa chọn và chuyển 40 câu hỏi thuộc các lĩnh vực cho UBND Hà Nội trả lời bằng văn bản.
 
"Thành phố cũng học tập Quốc hội về phần tranh luận. Sau câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu nếu đồng ý thì ghi nhận còn nếu có ý kiến phản hồi thì tiếp tục tranh luận đến lúc kết thúc", ông Nam cho hay.
 
Về dự thảo nghị quyết về đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị HĐND Hà Nội, cho biết UBND đã có những điều chỉnh phù hợp.
 
“Với nội dung thu hồi phương tiện cũ, sau khi các bộ ngành cho ý kiến cũng như có phản biện của mặt trận tổ quốc, tiếp thu ý kiến của nhân dân, cơ quan soạn thảo thấy rằng, nội dung này cần được xem xét, tính toán kỹ hơn. Nội dung nghị quyết trình chính thức sẽ không có việc thu hồi phương tiện”, ông Quân khẳng định.
 
Về việc tạm dừng hoạt động xe máy năm 2030, theo ông Quân, Hà Nội sẽ phân vùng hoạt động phương tiện phù hợp với hạ tầng cơ sở và tiến tới năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên các quận.
 
Về nội dung điều chỉnh giờ học, giờ làm, ông Quân khẳng định trước đây Hà Nội đã làm, nhưng tạm dừng vì hiệu quả không cao. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nếu phối hợp đồng bộ với các giải pháp khác thì sẽ có hiệu quả.
 
“Cùng với việc quản lý phương tiện giao thông thì đề xuất áp dụng biện pháp điều chỉnh giờ học, giờ làm hết sức cần thiết. Cho nên thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ để điều chỉnh giờ học, giờ làm”, ông Quân nói.
 
Tổng hợp

Ý kiến bạn đọc