Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đón nhận huân chương lao động hạng Ba

15:29, 16/06/2017
|

(VnMedia) - Sáng 16/6, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận huân chương lao động hạng Ba.

10 năm làm nền tảng cho những mục tiêu cao cả

Ngày 15/6/2007, Bộ Bưu chính Viễn thông ban hành Quyết định 16/2007/QĐ-BCVT thành lập Tổng công ty Bưu chính Việt Nam. Từ đây dù vẫn nằm trong Tập đoàn nhưng VNPost đã có pháp nhân riêng, thực hiện tổ chức sản xuất và hạch toán độc lập với khối viễn thông. Ngày 16/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1764/QĐ-TTg chuyển quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại VNPost từ VNPT về Bộ TT&TT.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, tập thể lãnh đạo Tổng công ty đã tập trung xây dựng chiến lược phát triển Tổng công ty nhằm đặt ra mục tiêu, định hướng và lộ trình đổi mới để phát triển. Từ đó một loạt các đề án và giải pháp lớn đã được thông qua và triển khai như: xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu và văn hoá doanh nghiệp, đa dạng hoá sản phẩm và dịch vụ trên cơ sở xây dựng ba trụ cột kinh doanh là bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính và phân phối truyền thông, trong đó hoạt động lõi là mạng bưu chính công cộng và dịch vụ bưu chính; đổi mới cơ chế kinh doanh và cơ chế tiền lương; sắp xếp và tinh giản lực lượng lao động.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư TW Đảng trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba cho TCT Bưu điện Việt Nam.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư TW Đảng trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba cho TCT Bưu điện Việt Nam.

Điểm lại hành trình 10 năm phát triển, ông Đỗ Ngọc Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho rằng, sau 10 năm nỗ lực đổi mới và phát triển, tổng doanh thu của Bưu điện Việt Nam từ 7.456 tỷ đồng vào năm 2008 tăng lên 12.374 tỷ đồng vào năm 2016; Đóng góp cho ngân sách nhà nước trong 9 năm hoạt động vừa qua đạt gần 3.100 tỷ đồng, lợi nhuận từ âm 1.285 tỷ đồng đến năm 2016 đạt 175,3 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 2,16%.

Năng suất lao động tăng từ 109 triệu đồng/người/ năm lên 307 triệu đồng/người/năm; đời sống của người lao động được nâng cao, tiền lương bình quân từ 4,4 triệu đồng/người/ tháng tăng lên 9,2 triệu đồng/người/ tháng (tăng gấp 2,1 lần), thu nhập của lực lượng lao động thuê khoán được cải thiện rõ rệt.

Kết quả của 10 năm qua rất đáng khích lệ nhưng ông Đỗ Ngọc Bình cho rằng, đây mới chỉ là bước đầu và làm nền tảng quan trọng để Bưu điện Việt Nam tiếp tục vững bước tiến lên thực hiện những mục tiêu cao cả của chiến lược phát triển đến năm 2020.

Trở thành doanh nghiệp bưu chính hàng đầu Đông Nam Á

Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 có doanh thu phấn đấu đạt từ 21.000 đến 23.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 600 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt trên 6,3%, xứng tầm là Bưu điện quốc gia hàng đầu trong khu vực.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã biểu dương và chúc mừng toàn thể, tập thể, cán bộ công nhân viên của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ nhân viên Bưu điện Việt Nam đã đạt được những thành tích rất toàn diện, có bước phát triển rất căn bản, góp phần tích cực trong lĩnh vực bưu chính, đặc biệt đã tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tham gia vào đổi mới dịch vụ công trong nhiều lĩnh vực khác, tham gia đổi mới bưu chính…, từng bước trở thành cánh tay nối dài của hệ thống hành chính đến người dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ mong muốn tập thể cán bộ, nhân viên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tiếp tục kế thừa truyền thống để xây dựng Bưu điện Việt Nam không chỉ đơn thuần là một Tổng công ty về kinh tế, đơn thuần làm dịch vụ bưu điện, mà trở thành một thiết chế hết sức quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tham gia cùng Đảng, Nhà nước thực hiện công cuộc đổi mới.

“Chúng ta phải đặt mục tiêu phấn đấu lấy lại hình ảnh bưu điện là một phần của hệ thống chính trị. Việc này Bưu điện Việt Nam đã bắt đầu làm được những năm qua, thông qua việc tham gia cải cách hành chính, hợp tác với các ngành bảo hiểm, thuế, lao động - thương binh và xã hội, và tới đây là các ngành khác. Để thực sự trở thành sự hiện diện của Đảng, chính quyền ở mọi nơi, từ đô thị tới miền núi vùng sâu, vùng xa, hải đải, nhìn thấy chữ Bưu điện Việt Nam là thấy niềm tin, đòi hỏi một lần nữa sự dũng cảm, đổi mới vượt lên chính mình”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Có thể thấy rằng, lịch sử phát triển của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam gắn liền với lịch sử của ngành Bưu điện suốt 72 năm qua. Trong giai đoạn nào, Bưu điện Việt Nam cũng luôn là một phần đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của Ngành và đất nước. Là doanh nghiệp được Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ bưu chính công ích duy nhất tại Việt Nam, dù còn khó khăn song Bưu điện Việt Nam luôn bảo đảm cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích như: dịch vụ thư cơ bản, dịch vụ bưu chính phục vụ quốc phòng an ninh, phát hành báo chí công ích...

Ngoài nhiệm vụ phát triển kinh doanh, Tổng công ty luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, quản lý và khai thác hiệu quả mạng bưu chính công cộng được Nhà nước giao, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhận định.

Do đó, để duy trì bền vững và ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định hơn nữa vai trò của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đối với cộng đồng và xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo Tổng công ty cần tập trung hoàn thành tốt một số nhiệm vụ.

Cụ thể, Bưu điện Việt Nam cần triển khai các giải pháp tổng thể đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, quyết tâm đạt được Chiến lược phát triển của Tổng công ty đến năm 2020 đã được Bộ TT&TT phê duyệt. Trên cơ sở đó, tiếp tục nghiên cứu và xây dựng chiến lược phát triển của Tổng công ty giai đoạn mới. Bưu điện Việt Nam cần thực hiện bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, duy trì hoạt động ổn định hiệu quả mạng bưu chính công cộng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cần chủ động rà soát lại mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Tổng công ty để kịp thời đề xuất với Bộ TT&TT điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và tình hình hoạt động, phát triển; Xây dựng kế hoạch tổng thể và chi tiết đầu tư; Chú trọng an toàn sản xuất.

B.H


Ý kiến bạn đọc