Luật sư tố giác thân chủ: Làm sao để thấu tình đạt lý?

16:50, 27/05/2017
|

(VnMedia) - Đối với quy định Luật sư tố giác thân chủ, do còn ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải tiếp tục thảo luận thấu tình đạt lý với các luật sư, có thể mời các nhà làm luật tranh luận riêng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Sáng 27/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án sửa đổi bổ sung một số điều Luật của Bộ Luật Hình sự 2015. Khoản 3 điều 19 quy định "luật sư tố giác thân chủ" được các đại biểu đặc biệt quan tâm cho ý kiến.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, vấn đề điều tra tội phạm là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan điều tra, còn luật sư với trách nhiệm người bào chữa và trách nhiệm công dân, phải ứng xử theo quy định của pháp luật.

"Nếu luật sư tố giác tội phạm thì chính thân chủ đó có mời luật sư nữa không? Xã hội có tẩy chay nghề luật sư không? Chưa bảo vệ được gì đã đi tố giác rồi thì không biết nghề luật sư có điều kiện tồn tại hay không? Tôi khẳng định niềm tin của khách hàng, xã hội vào nghề luật sư và nghề này sẽ mất dần, bị thui chột", đại biểu Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, nếu luật sư biết thông tin thân chủ chuẩn bị thực hiện tội phạm hoặc liên kết với nhiều người, ví dụ như đặt bom ở nơi nào đó thì luật sư với trách nhiệm công dân bắt buộc phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn hành vi nguy hiểm đó.

"Chúng tôi đề xuất với 83 tội được quy định trong BLHS 2015 tại điều 19 phải tố giác tội phạm thì nên khoanh lại khoảng 20-30 tội. Tội an ninh quốc gia khoanh lại 14 điều, tội đặc biệt nghiêm trọng hơn 10 điều, như vậy theo chúng tôi đề xuất là hợp tình, hợp lý", ông Thịnh đề nghị.

"Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, ở đây có thể các luật sư mong muốn sự chia sẻ của các ĐBQH, nhưng chia sẻ cũng phải trên cơ sở pháp luật", ông Học nói và cho rằng, quy định khoản 3 điều 19 là phù hợp, không ảnh hưởng đến hoạt động hành nghề luật sư hay làm thui chột nghề này hoặc ảnh hưởng sự thu hút đầu tư nước ngoài.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, quan hệ giữa luật sư với thân chủ là một trong những vấn đề rất quan trọng của hệ thống tư pháp.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP. Hồ Chí Minh
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP. Hồ Chí Minh

"Theo công ước về quyền con người mà chúng ta ký thì Liên Hợp Quốc ban hành Nghị quyết về quan hệ giữa luật sư và người được bào chữa. Trong Nghị quyết này có ghi là các Nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện để bảo vệ quyền bí mật giữa luật sư và thân chủ", luật sư Nghĩa cho biết.

Ông dẫn chứng: "Một ông đi tố giác ông hàng xóm đã nguy hiểm, còn một ông luật sư đi tố giác chính người mình bào chữa, sau tòa xử không phạm tội, ông tố giác bậy thì làm sao? Điều tra, buộc tội là công tố, còn luật sư cùng người ta đi gỡ tội mà chưa biết người ta có phạm tội hay không nhưng tố giác đòi hỏi phải có sự nghiêm khắc", ĐB Nghĩa nêu ý kiến.

Luật sư Nghĩa cũng nhấn mạnh, sự phân công giữa công tố, luật sư là sự phân công theo nguyên lý của hệ thống tư pháp.

"Ví dụ như luật sư bào chữa cho Năm Cam, kẻ rất phản động, đặt bom giết chết bao nhiêu người thì đừng suy nghĩ người đó như vậy là không có lương tâm, không yêu nước, cái đó rất là sai. Do đó, nếu có tư tưởng đang đấu tranh để thiết kế bộ luật hình sự này có vẻ như anh "bất trung" hay đối với tội phạm này kia thiếu trách nhiệm là sai. Hiểu như vậy là sai và không đúng tầm của chúng ta ngồi đây thiết kế luật này", ông nêu rõ.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà không tố giác thì phải xem lại.

"Đúng là luật sư cứ đi tố giác thân chủ thì không được, nhưng cũng phải giới hạn tội nào thì anh không thể làm ngơ được. Nếu tôi là luật sư, tôi bào chữa cho thân chủ phạm tội giết người, công tố nói cố ý giết người thì tôi cố gắng bảo vệ thành vô ý giết người để giảm nhẹ tội. Chứ biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà không tố giác thì hoàn thành nghĩa vụ luật sư của mình, nhưng nó ảnh hưởng tới quốc gia, đất nước, nhiều người dân vô tội, làm ngơ là không được", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Trao đổi lại, luật sư Đỗ Ngọc Thịnh chia sẻ, luật sư không những bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho khách hàng mà quan trọng hơn nữa là bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế. Tất cả luật sư đều có bổn phận trách nhiệm để có thể tham gia bào chữa trong tất cả các vụ án. Theo ông, luật sư tham gia là tốt cho cả xã hội chứ không chỉ tốt cho thân chủ đó.

Cùng quan điểm với Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho biết, bản thân ông từng có thời gian 8 năm hành nghề luật sư nên rất hiểu và chia sẻ.  Nhưng quan điểm của ông là ủng hộ khoản 3 điều 19 vì quy định như vậy là luật đã ghi nhận vai trò, trách nhiệm của luật sư, cũng ghi nhận mối quan hệ đặc biệt giữa luật sư với thân chủ.

"Bố mẹ, anh chị em vợ chồng có nghĩa vụ tố giác tội phạm là những người thân thích của mình, thì bản thân luật sư với mối quan hệ đặc biệt với thân chủ cũng có trách nhiệm trong việc tố giác tội phạm. Luật giới hạn chỉ tố giác tội phạm an ninh quốc gia, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như thế là phù hợp, chứ không phải ràng buộc luật sư tố giác mọi tội phạm", ông Học phân tích.

Theo vị đại biểu đoàn Phú Yên, điều này phù hợp với trách nhiệm của luật sư, vừa bảo vệ quyền lợi thân chủ của mình, đồng thời bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, đây là một trong những nghĩa vụ của luật sư.

Do còn ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải tiếp tục thảo luận thấu tình đạt lý với các luật sư, có thể mời các nhà làm luật tranh luận riêng.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc