Luật quy hoạch sẽ khiến "cơ quan nào cũng sửa được quy hoạch"?

16:17, 26/05/2017
|

(VnMedia) - “Nếu sau 5 năm, căn cứ vào 3 tiêu chí trong Dự thảo, đương nhiên chúng ta sẽ thấy bất kể một cơ quan nào muốn điều chỉnh quy hoạch đều có thể thực hiện điều chỉnh được” - Đại biểu đoàn Hà Nội Hoàng Văn Cường nói.

Thảo luận góp ý cho dự thảo Luật Quy hoạch sáng 26/5, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm cho ý kiến về việc xác định trách nhiệm trong xây dựng và tính minh bạch thông tin về quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho rằng, đối với nội dung về trình tự, thủ tục, lập thẩm định và phê duyệt quy hoạch, cần phải tiếp tục rà soát lại để tránh phát sinh các thủ tục khối lượng công việc không cần thiết cho các cơ quan nhà nước như thủ tục xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan đến việc phê duyệt quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh lo lắng điều đó sẽ dẫn đến tạo cơ chế xin - cho, cơ chế chờ đợi, chậm trễ, phân tán trách nhiệm và không có cơ sở pháp lý rõ ràng.

“Tôi đề nghị rà soát, loại bỏ một số đối tượng cần phải lấy ý kiến là các bộ, ngành, trung ương và UBND các tỉnh liền kề, không coi ý kiến đó là tài liệu bắt buộc trong hồ sơ để trình thẩm định quy hoạch vì quy hoạch của quốc gia, quy hoạch tỉnh đã được xây dựng trên cơ sở quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch ngành” - đại biểu Sinh nói và cho biết, bản thân thành phần của Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh cũng chính là đại diện của các Bộ, ngành trung ương nên việc xin ý kiến các Bộ, ngành trung ương cho ý kiến và tiếp tục tham gia vào Hội đồng thẩm định là xin ý kiến 2 lần, chồng chéo và không thật sự cần thiết.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) góp ý, để ngăn ngừa tình trạng lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm có thể xảy ra, cần nghiên cứu xem xét bổ sung mục tiêu của hoạt động quy hoạch đó là hoạt động quy hoạch phải vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về việc lấy ý kiến về quy hoạch, đại biểu Tám cho đó điều là cần thiết nhằm đảm bảo tính đầy đủ và tính khả thi của quy hoạch. Tuy nhiên, theo đại biểu Tám, cần có sự phản biện về quy hoạch, bởi phản biện cũng là một kênh quan trọng trong quá trình quy hoạch, làm tăng tính khoa học, tính khả thi, tính nhân dân trong hoạt động quy hoạch.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) đặc biệt quan tâm đến vấn đề điều chỉnh quy hoạch. “Quy hoạch thì phải mang tính dài hạn. Tôi rất nhất trí là kỳ quy hoạch phải 10 năm nhưng tầm nhìn và định hướng phải dài hạn hơn, tầm nhìn phải đạt đến 50 năm, định hướng phải đến 100 năm, vì đây là những quy hoạch lớn quốc gia và đặc biệt là những quy hoạch liên quan đến hệ thống hạ tầng” - Đại biểu Cường nói.

Hoàng Văn Cường
Đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn thành phố Hà Nội: S au 5 năm, căn cứ vào 3 tiêu chí, đương nhiên chúng ta sẽ thấy bất kể một cơ quan nào muốn điều chỉnh quy hoạch đều có thể thực hiện điều chỉnh được

Nhất trí với việc phải rà soát điều chỉnh với một chu kỳ là 5 năm để đảm bảo thích nghi với những sự thay đổi bất thường của các điều kiện về kỹ thuật, về kinh tế - xã hội, tuy nhiên, đại biểu Cường e ngại với quy định về căn cứ để điều chỉnh mà Ban soạn thảo đưa ra ở Điều 52.

“Tôi rất e ngại, vì trong 6 căn cứ này có 3 căn cứ mà bất kể thời kỳ 5 năm nào cũng đều có thể diễn ra, đó là sự điều chỉnh về mục tiêu chiến lược. Đương nhiên, sau 5 năm, bao giờ mục tiêu chiến lược cũng phải có điều chỉnh, biến động bất thường của kinh tế xã hội ngay một năm chúng ta đã nhìn thấy biến động bất thường, không thể nói 5 năm. Sự phát triển của khoa học công nghệ có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện quy hoạch, phát triển khoa học công nghệ là đương nhiên.

Chính vì vậy, nếu sau 5 năm, căn cứ vào 3 tiêu chí, đương nhiên chúng ta sẽ thấy bất kể một cơ quan nào muốn điều chỉnh quy hoạch đều có thể thực hiện điều chỉnh được. Chúng tôi thấy nếu cứ quy định thế này, rất dễ lặp lại tình trạng. Người ta gọi là quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ và khi đó ý nghĩa quy hoạch sẽ không còn nữa” - đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích và đề nghị cần phải đưa ra một hệ thống tiêu chí đánh giá định lượng ngay trong nội dung của quy hoạch.

Đại biểu Cường cũng đề nghị phải phân định rõ vai trò, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quy hoạch với trách nhiệm của cơ quan chuyên trách về quản lý quy hoạch.

“Tôi đồng tình, chúng ta phải có một cơ quan chuyên trách về quản lý quy hoạch. Nhưng nguy cơ này không phải thay thế trách nhiệm bằng Hội đồng thẩm định như hiện nay. Chúng ta thấy trong quy định hiện tại, Hội đồng thẩm định là Hội đồng quyết định việc quy hoạch đó được phê duyệt, hội đồng này bao gồm đại diện của các cơ quan, ban, ngành, nếu chúng ta quy định như thế, vô hình chung chúng ta đã đang chia trách nhiệm của việc quy hoạch đó duyệt thế nào, thực hiện ra sao, điều chỉnh ra sao cho mỗi bộ ban ngành chịu một tí và như vậy cuối cùng sẽ không có ai chịu trách nhiệm”- đại biểu Cường cảnh báo.

Theo ông, phải quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan chuyên trách về quản lý quy hoạch là phải chịu trách nhiệm từ khâu xây dựng quy hoạch, tư vấn để người có trách nhiệm ký phê duyệt quy hoạch này. “Chỉ khi đó, cơ quan này phải chọn ra được những nhà chuyên gia để lập quy hoạch, những chuyên gia để thẩm định quy hoạch và những chuyên gia tư vấn cho mình để đảm bảo rằng những quy hoạch đó là những quy hoạch xây dựng có cơ sở, có căn cứ nhất” - ông Cường nói.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc