Khép kẽ hở, chặn doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội

08:23, 09/05/2017
|

(VnMedia) - Hàng chục nghìn tỷ đồng tiền doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó có nhiều nghìn tỷ đồng vô phương đòi lại nhưng trên thực tế, việc kiện doanh nghiệp nợ, trốn nợ BHXH lại đang gặp khó khăn từ chính các quy định của Luật.

nợ bảo hiểm xã hội

Khởi kiện là một trong những biện pháp thu hồi nợ hiệu quả của ngành BHXH nhưng sau hơn một năm quy định tổ chức công đoàn được giao quyền khởi kiện DN, cá nhân nợ BHXH theo Luật BHXH sửa đổi năm 2014, tổ chức công đoàn chưa khởi kiện thành công một vụ nào.

Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Gỡ vướng trong khởi kiện trốn đóng BHXH” được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều qua 8/5, các chuyên gia nhận định, pháp luật chưa đồng bộ đã tạo khoảng trống pháp luật trong việc khởi kiện các DN nợ BHXH.

Theo thông tin đưa ra từ buổi toạ đàm, trong tổng số hàng chục nghìn tỷ đồng BHXH đang bị các DN nợ thì có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ BHXH từ các DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn. Số tiền này được theo dõi trên hệ thống sổ sách đã hơn 10 năm và là dạng “nợ treo”, hầu như không thể thu hồi cũng có nghĩa là quyền lợi của người lao động ở các DN này cũng bị “treo” theo.

Thực hiện Luật BHXH sửa đổi năm 2014, từ 1/1/2016, tổ chức công đoàn được giao quyền khởi kiện DN, cá nhân nợ BHXH, cơ quan BHXH đã chuyển hơn 1.800 hồ sơ cho tổ chức công đoàn khởi kiện.

Nhưng mới có 82 hồ sơ được tổ chức công đoạn nộp lên Tòa án, trong đó có tới 63 hồ sơ bị Tòa án trả lại với lý do thiếu giấy ủy quyền của người lao động hoặc giấy ủy quyền của tổ chức công đoàn cơ sở.

Có nơi, TAND đã thụ lý vụ án rồi lại ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với lý do người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 và Điều 187 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Một khó khăn khiến việc khởi kiện của tổ chức công đoàn chưa phát huy hiệu quả, theo ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, đó là nếu công đoàn cấp trên muốn khởi kiện thì phải có giấy ủy quyền của người lao động. Khó khăn hơn khi chính NLĐ cũng không dám ủy quyền cho tổ chức công đoàn cấp trên khởi kiện, vì họ sợ mất việc.

Một thực tế nữa, đó là các DN thường trốn tránh, không hợp tác làm việc với các cơ quan chức năng, không ký nhận biên bản đối chiếu công nợ để làm căn cứ hoàn thiện hồ sơ khởi kiện.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên nhân quan trọng nhất là sự vướng mắc về pháp lý, bất cập giữa một số quy định trong các Luật, Bộ luật. Theo ông Mai Đức Chính -  Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ ra: Điều 14 Luật BHXH 2014 giao cho tổ chức Công đoàn quyền khởi kiện các DN trốn đóng, nợ đóng BHXH từ 1/1/2016.

Nhưng để Công đoàn khởi kiện được và Tòa án thụ lý được, thì phải thực hiện theo Bộ luật Tố tụng dân sự. Trong khi đó, đến 1/7/2016, Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) mới có hiệu lực, nên đã “bỏ trống” pháp luật tới 6 tháng đó.

Cùng với đó, Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội trốn đóng BHXH cho người lao động, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng, phạt tù tới 7 năm.

Nhưng hiện Bộ luật này chưa được thi hành nên nhiều người sử dụng lao động đang trốn đóng, nợ đọng BHXH vẫn tiếp tục “đủng đỉnh.”

Do vậy, ông Mai Đức Chính cho rằng, để giải quyết những vướng mắc về thủ tục “cản” việc khởi kiện các DN nợ, trốn BHXH, TANDTC đã yêu cầu BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp đề xuất sửa đổi Luật BHXH, phải quy định rõ tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện.

Theo đó, nên quy định chỉ công đoàn cấp trên mới đủ khả năng khởi kiện trên cơ sở hồ sơ do cơ quan BHXH cung cấp.

Đóng góp cho vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, trong thời gian chờ sửa đổi luật, BHXH phải tận dụng công cụ thanh, kiểm tra để  thực hiện truy thu số tiền BHXH DN còn nợ, xử phạt hành chính những DN nợ, chậm đóng BHXH để răn đe.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc