"Hầu hết các doanh nghiệp khai thác cát có dấu hiệu chạy dự án!"

17:14, 17/05/2017
|

(VnMedia) - Báo cáo tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, ầu hết các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác tài nguyên cát, sỏi lòng sông có dấu hiệu chạy dự án, bán lại cho các đầu nậu khai thác cát chuyên nghiệp.

Tạo vỏ bọc doanh nghiệp thu nạp đối tượng tội phạm

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trước những tác động của tình hình thế giới, khu vực trong điều kiện hội nhập về kinh tế quốc tế sâu rộng, công tác bảo đảm an ninh trật tự để xây dựng môi trường an ninh, an toàn lành mạnh cho sản xuất kinh doanh và phục vụ khởi nghiệp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển đang đứng trước những thách thức cần được tập trung giải quyết, nổi lên một số lĩnh vực: Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đã triệt để lợi dụng những vụ việc phức tạp, nhất là tình hình khiếu kiện liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, khiếu kiện về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là sự cố môi trường biển ở miền Trung, để kích động tụ tập đông người, gây rối an ninh trật tự, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Theo thống kê của chúng tôi, hiện nay còn tồn đọng khoảng gần 400 vụ khiếu kiện phức tạp liên quan đến đất đai ở 61 tỉnh, thành phố. Điều này cũng cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, kể cả cộng đồng các doanh nghiệp” - ông Tô Lâm nói.

Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp, công ty, tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ngày càng đa dạng và phức tạp, tinh vi, gây hậu quả lớn đến sản xuất, kinh doanh.

Đáng chú ý, theo Thượng tướng Tô Lâm, sự xâm nhập, can thiệp của tội phạm hình sự vào các lĩnh vực kinh tế thông qua việc thành lập các doanh nghiệp tạo vỏ bọc để thu nạp các đối tượng có tiền án, tiền sự, hình thành các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động bảo kê, chèn ép hoạt động kinh doanh, cưỡng bức tài sản, tổ chức tín dụng đen, siết nợ, đòi nợ thuê, can thiệp vào hoạt động đấu thầu, các hợp đồng hợp tác kinh tế... đang đe dọa trực tiếp đến môi trường sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Cùng với đó, tội phạm kinh tế, buôn lậu, tham nhũng, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích, môi trường kinh doanh lành mạnh của các doanh nghiệp.

Nổi lên là hoạt động lợi dụng chính sách khấu trừ, hoàn thuế GTGT để chiếm đoạt tiền, chuyển giá trốn thuế, hoạt động kinh doanh đa cấp trên mạng , sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

“Chúng tôi đã phát hiện, xử lý 1.778 vụ buôn lậu, 165 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả , 256 vụ trốn thuế, 7.902 vụ vi phạm pháp luật về môi trường. Đây là một trong những nội dung kiến nghị của hiệp hội các doanh nghiệp và các doanh nghiệp Việt Nam gửi đến Bộ Công an. Chúng tôi đã rất tích cực xử lý, xây dựng môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh” - Bộ trưởng Bộ Công an thông tin.

Bên cạnh đó, theo ông Tô Lâm, không ít doanh nghiệp đã lợi dụng những sơ hở trong quản lý Nhà nước để trục lợi.

“Ví dụ, hầu hết các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác tài nguyên cát, sỏi lòng sông có dấu hiệu chạy dự án, bán lại cho các đầu nậu khai thác cát chuyên nghiệp, vi phạm pháp luật trong khai thác, có sự bảo kê của tội phạm hình sự. Đặc biệt có doanh nghiệp đưa tin vu cáo, sử dụng lưu manh, côn đồ, đe dọa, chèn ép doanh nghiệp khác, làm cho môi trường kinh doanh bị méo mó, thiếu lành mạnh” - người đứng đầu Bộ Công an cho biết.

Tập trung đấu tranh với tội phạm kinh tế 

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, thời gian tới, Bộ Công an sẽ tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất. Phối hợp với các ngành, địa phương giải quyết kịp thời có hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh nhất là các vụ khiếu kiện kiên quan đến đất đai, đình công của công nhân không dể hình thành các điểm nóng về an ninh trật tự, không để các thế lực thù địch, kẻ xấu lợi dụng chống phá.

Tập trung đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm hình sự, nhất là các băng, ổ nhóm núp bóng doanh nghiệp hoạt động bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, hoạt động tín dụng đen, cưỡng đoạt tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo.

Đấu tranh có hiệu quả với tội phạm kinh tế, tham nhũng, nhất là tội phạm buôn lậu hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại, trốn thuế, hoàn thuế GTGT... góp phần tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị cộng đồng doanh nghiệp chấp hành đúng các quy định của pháp luật về sản xuất kinh doanh, nhất là các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu về thuế, đấu thầu, đầu tư, cạnh tranh để nâng cao năng lực, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tích cực phối hợp với các cấp chính quyền đoàn thể, các cơ quan chức năng trong giải quyết các tranh chấp khiếu kiện liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, đình công, lãn công, bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp vận tải cần chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng xe quá khổ, quá tải. Tích cực tham gia vào công tác PCCC nhằm bảo vệ lợi ích, tài sản của chính doanh nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn đối với công tác PCCC.

Xuân Hưng

 


Ý kiến bạn đọc