Đại biểu Quốc hội: Giá thuốc chênh 6-7 lần không loại trừ có sự "bắt tay"

08:24, 26/05/2017
|

(VnMedia) - Liên quan đến kết luận của Kiểm toán nhà nước về về việc chênh lệch rất lớn của giá vật tư y tế giữa các bệnh viện, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, không loại trừ có sự bắt tay…

Phong Lan
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan

Chia sẻ với phóng viên bên lề Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, việc sự chênh lệch giá giữa các bệnh viện có nhiều nguyên nhân, nhưng không loại trừ lý do tiêu cực.

“Ở đây là cơ chế thị trường, nhưng cũng không loại trừ có sự bắt tay cho nên mới dẫn đến chênh lệch giá. Tại sao bệnh viện này mua được rẻ nhưng bệnh viện khác lại bị mua đắt, thế nào cũng dẫn đến nghĩ có cái này cái kia. Đó cũng là  một khả năng, nhưng để kết luận có hay không thì phải có cơ quan điều tra.

Đã làm trong ngành, cũng liên quan nhiều đến việc mua sắm từ thuốc đến trang thiết bị, nên tôi nhận thấy đây là vấn đề rất phức tạp, rất khó giải quyết và năm nay kiểm toán như thế này, nhưng không có gì đảm bảo sang năm, năm nữa việc này không lặp lại. Khi còn cơ chế đấu thầu, mua từng bệnh viện như vậy thì còn có sự chênh lệch. " - bà Lan nói.

Tuy nhiên, vị đại biểu này lưu ý, cũng có thể do nguyên nhân khách quan, "mà phải đi sâu vào từng vụ việc mới nói được, chứ không thể kết luận, áp đặt.”

Đáng chú ý, theo bà Lan thì khi đã đấu thầu, không phải lúc nào doanh nghiệp với mặt hàng tốt nhất và giá cả hợp lý tốt nhất cũng vào được vòng trong và trúng thầu.

“Đôi khi bị “rơi rụng” trước vì lý do hồ sơ kỹ thuật hay số liệu. Việc “rơi rụng” có thể do khách quan, hoặc tiêu cực, có nhiều khả năng xảy ra” – đại biểu Lan nói.

Theo đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh thì Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan, đang có rất nhiều tìm tòi để tìm ra cơ chế mua trang thiết bị, bởi vì khi  mua để đáp ứng các uy định về đấu thầu, thời gian… nói chung khi có kết quả thì máy đó đã lạc hậu.

“Chưa kể tình trạng khi đơn vị khác ở trên mua cho đơn vị khác mà sau đó máy đó đắp chiếu. Nhiều lắm, chứ không phải chỉ riêng các đơn vị đã được kiểm toán đâu” – bà Lan khẳng định.

Bà Lan đặt ra một câu hỏi rất đáng suy ngẫm: “Hãy nhìn các bệnh viện tư nhân họ có phải mua máy đắt không, tại sao cứ dính đến tiền nhà nước là có chuyện?”

Vị đại biểu này nhấn mạnh: “Cho nên phải coi lại, càng đấu thầu, càng chi ly chừng nào thì nguy cơ càng lớn chừng đó. Hoặc là bắt tay nhau đề đẩy giá lên, hoặc sẽ làm sao để rẻ nhất thì chất lượng lại có vấn đề. Nó rất là dở và không có thể nào thể hiện được đúng tự chủ.”

Với thắc mắc, “lãnh đạo bệnh viện cho biết, họ tổ chức mua sắm theo gói thầu, nên có thể sản phẩm này giá cao, cái kia giá thấp, nhưng có thực tế là sản phẩm mua giá thấp có thể lại là kim tiêm, còn với hóa chất điều trị ung thư lại giá cao hàng chục triệu. Điều này dẫn đến thiệt thòi lớn cho bệnh nhân”, bà Lan nói:

“Người ta có quyền nghi ngờ có tiêu cực. Vì vậy, phải xem lại Luật đấu thầu quy định như thế nào, như không tính từng đơn vị, mà tính cả gói thầu, tổng giá trị. Nếu tổng giá trị không vượt quá kế hoạch đưa ra thì không phạm luật. Thứ nhất là có phạm luật hay không, nếu không phạm luật nhưng lại đưa ra những cái gợn, thấy không ổn thì phải xem lại luật. Thứ hai, vi phạm luật thì xử lý được ngay".

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, phải quản tận gốc, tăng cường tính tự chủ của bệnh viện, cho ra định mức hàng năm khám chữa bao nhiêu bệnh nhân.

“Trong mức đó thôi, anh giỏi anh làm, xoay xở, tiết kiệm được thì giúp cho đội ngũ của anh. Hãy tưởng tượng như bệnh viện tư nhân, có cả Hội đồng quản trị, theo dõi từng đồng thu chi. Nhưng ngay cả bệnh viện tư nhân nếu không quản lý tốt cũng có sự bắt tay giữa người trực tiếp làm và các công ty để hưởng lợi” - bà Lan cảnh báo.

“Nhưng cái đó là lừa đảo, bệnh viện tư nhân thì dễ xử lắm, đuổi việc ngay” - Vị đại biểu này nhấn mạnh.

Đối với tình trạng mua trang thiết bị y tế về nhưng “đắp chiếu”, bà Lan cho rằng, đó là vì mua bằng tiền ngân sách, “đôi khi nghĩ cứ mua đi, mua trước tính sau, rồi không lường trước được”.

“Cái sợ nhất là mua về rồi lạm dụng, bây giờ đang có sự lạm dụng, cha chung không ai khóc, xong rồi quỹ BHYT chi trả, nên ai nấy cũng cắm đầu đi mua ngay” - Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phân tích.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc