Bộ Y tế vội vã vào cuộc sau kết luận của Kiểm toán Nhà nước

05:51, 25/05/2017
|

(VnMedia) - Như VnMedia đã đưa tin về việc giá vật tư y tế chênh lệch một cách đáng ngờ cũng như những bất cập trong đầu tư trang biết bị y tế gây lãng phí vô cùng lớn, ngày 24/5, Bộ Y tế đã có động thái về vấn đề này.

Thiết bị y tế đắp chiếu
Thiết bị y tế tiền tỉ đắp chiếu - ảnh minh họa

Theo Công văn gửi các đơn vị: Sở Y tế thành phố Hải Phòng, Sở Y tế Cần Thơ, Sở Y tế Bình Dương, Sở Y tế An Giang, Sở Y tế Kon Tum, Sở Y tế Đắk Nông, Sở Y tế Gia Lai, để làm rõ sự việc nêu trên và kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư mua sắm và tăng cường hiệu quả sử dụng trang thiết bị y tế, Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) đề nghị các Sở Y tế liên quan kiểm tra, chỉ đạo tổng hợp báo cáo các nội dung sau:

Rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng việc tổ chức quản lý, đấu thầu mua sắm và khai thác sử dụng trang thiết bị y tế (thiết bị và hóa chất, vật tư tiêu hao y tế) tại đơn vị mình. 

Giải trình và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan, kịp thời chấn chỉnh, xử lý sai phạm nếu có. Đặc biệt lưu ý những trường hợp cụ thể đã được cơ quan kiểm toán Nhà nước nêu (theo mẫu đính kèm). 

Những thuận lợi, khó khăn đồng thời đề xuất giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư, sử dụng trang thiết bị y tế trong thời gian tới, và khẩn trương chấn chỉnh, có phương án khắc phục các nội dung theo kết luận của kiểm toán Nhà nước. 

“Nhận được công văn này, đề nghị Giám đốc Sở Y tế khẩn trương chỉ đạo triển khai các nội dung đã nêu trên và gửi báo cáo về Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế)  trước 31/5/2017 để có cơ sở tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng xem xét và kịp thời chỉ đạo giải quyết” – Công văn nêu rõ.

Trước đó, VnMedia đưa tin, từ kết quả kiểm toán 11 tỉnh, thành phố cho thấy, có 1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá 371,836 tỷ đồng (Trang thiết bị hỏng không khắc phục được 649 thiết bị (68,554 tỷ đồng); Trang thiết bị hỏng chưa được sửa chữa 120 thiết bị (151,763 tỷ đồng); Trang thiết bị chưa hoặc ít sử dụng 456 thiết bị (151,519 tỷ đồng).

Cùng với đó, nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng như: tại TP Hải Phòng, Trung tâm Y tế dự phòng có 02 thiết bị (Lò nung, Tủ hút an toàn hoá học) được dự án ADB thuộc Cục Y tế Dự phòng cấp năm 2011 đến thời điểm kiểm toán vẫn để trong phòng làm việc, sử dụng làm Tủ đựng tài liệu.

Cùng với đó, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra, công tác đấu thầu, chưa ban hành các văn bản quy định cụ thể về đấu thầu TTBYT, đặc biệt là công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao còn nhiều bất cập.

Việc phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp và có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất. Đơn cử như, chỉ có loại chênh lệch gấp 6,7 lần (01 cái kim cánh bướm Bệnh viện Việt Đức 1.090 đồng, Bệnh viện Chợ Rẫy 7.350đ); có loại gấp 4,8 lần (01 dây truyền huyết thanh bệnh viện Bạch Mai 3.675 đồng, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức 18.000đ).

Về hóa chất, có loại chênh lệch gấp 5,8 lần như 01 hộp Series Retic Pak reagen kit, 1x380ml+1.900ml, Viện Huyết học Truyền máu TƯ có giá là 16,7 triệu đồng thì Bệnh viện Thống nhất chỉ có giá trên 2,8 triệu đồng; hoặc gấp 3,1 lần như 01 hộp Cleaning Solution (Clean A), 1x500ml Bệnh viện Chợ Rẫy tính giá gần 1,6 triệu  đồng thì Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tính hơn 5 triệu đồng); gấp 3 lần như 01 thùng Diff Timepac, 2x2075ml Viện Huyết học Truyền máu TƯ tính 42,6 triệu đồng thì Bệnh viện Chợ Rẫy là hơn 14,1 triệu đồng.

Hoàng Hải

 


Ý kiến bạn đọc