Vỉa hè không chỉ là đường đi

06:11, 07/04/2017
|

(VnMedia) - Vỉa hè là những địa điểm để đi bộ, mua sắm, ăn uống, buôn bán, trò chuyện, nhìn ngắm, nghỉ ngơi, chơi cầu lông và dạy trẻ nhỏ tập đi xe. Việc sử dụng vỉa hè của chúng ta nói lên rất nhiều về những sự lựa chọn của mình trong cuộc sống...

vỉa hè 4
Ảnh: VOV

Vỉa hè là để cho người đi bộ, điều đó là đương nhiên. Và cũng chính vì vậy mà những ngày này, ở TP Hồ Chí Minh, ở Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều thành phố khác trên cả nước đang triệt để thực hiện việc lấy lại vỉa hè cho người đi bộ.

Tuy nhiên, cùng với việc ủng hộ thì việc làm vô cùng cần thiết này thì cũng đang có những ý kiến trái chiều về việc nên hay không “dẹp trắng” vỉa hè, để vỉa hè chỉ tuyệt đối phục vụ cho mục đích giao thông (đi bộ, trông giữ xe); Liệu có nên để tồn tại trên hè phố những gánh hàng rong, những quán bánh cuốn nóng hay thậm chí là một chỗ vui chơi cho trẻ con? 

Để góp thêm một quan điểm về vấn đề khá nhạy cảm này, VnMedia xin trích đăng một phần bài viết “Đường phố và vỉa hè: không chỉ là đường đi”, trong cuốn “không gian công cộng làm nên cuộc sống thành phố” của nhóm tác giả Debara Efroymson, Trần Kiều Thanh Hà và Phạm Thu Hà (tổ chức Health Bridge, Canada)

“…Bốn nhóm hoạt động chính cạnh tranh cho không gian trên vỉa hè là người đi bộ, người bán hàng rong, việc đỗ ô tô xe máy và các cửa hàng cố định.

Mỗi hoạt động cần một giải pháp thích hợp mà hầu hết, các giải pháp này đều phức tạp hơn việc cấm hoạt động đó. Ví dụ, theo nhà nghiên cứu đô thị đã nhiều năm sống ở Hà Nội, Lisa Drummond, thì các chính sách cấm những người bán hàng rong trên vỉa hè không chỉ góp phần gia tăng sự nghèo khó bằng cách loại bỏ một nguồn thu nhập tiềm năng, trong khi không làm gì để giải quyết những nguyên nhân sâu xa của sự nghèo khó.

Lisa Drummond cũng cho rằng, việc cấm những người bán hàng rong trên vỉa hè làm tăng thêm rất nhiều những khó khăn mà những người dân sống ở ngoại thành phải trải qua. Những chính sách này cũng góp phần làm tăng khoảng cách giữa các nhóm người trong xã hội, tạo nền tảng cho sự bất ổn xã hội.

Chuyên gia về quy hoạch đô thị và thành phố Jane Jacobs cũng nhắc nhở chúng ta, đường phố luôn ẩn chứa nhiều mục đích sử dụng, và các thành phố hoạt động tốt hơn khi chúng là những con đường phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau bên cạnh việc chuyên chở phương tiện, và các vỉa hè – những phần dành cho người đi bộ - phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau bên cạnh việc chuyển chở người đi bộ.

Vỉa hè là những địa điểm để đi bộ, mua sắm, ăn uống, buôn bán, trò chuyện, nhìn ngắm, nghỉ ngơi, chơi cầu lông và dạy trẻ nhỏ tập đi xe. Việc sử dụng vỉa hè của chúng ta nói lên rất nhiều về những sự lựa chọn của mình trong cuộc sống.

vỉa hè
Khách du lịch thích thú với hàng rong vỉa hè Hà Nội - ảnh: Huffington Post

Khi tìm kiếm sự giải trí hoặc tìm cách để tiêu tiền, liệu người dân có đi đến những hàng ăn sang trọng hay họ thích ngồi trên những chiếc ghế con trên vỉa hè, để quan sát và được quan sát bởi người khác hơn? Liệu trong những lúc rảnh rỗi, người dân chú ý đến những thứ họ có thể mua trong những cửa hiệu lộng lẫy hay đến việc tìm kiếm những cơ hội để hoà nhập với những người khác?

Liệu các không gian công cộng, đặc biệt là những nơi được sử dụng phổ biến nhất – các vỉa hè, chỉ khuyến khích những giá trị về vật chất và cá nhân hay chúng cũng cho phép những giá trị tinh thần hoặc cộng đồng? Liệu những người dân trong thành phố chỉ có cơ hội chi tiêu hay có cả cơ hội thư giãn? Họ có luôn được yêu cầu phải tuân theo những nguyên tắc hay họ có khả năng tạo nên hoặc sử dụng không gian theo nhu cầu và sở thích của mình?

Hãy xem tại sao ở Hà Nội và ở các thành phố khác trên thế giới, các hàng quán vỉa hè rất phổ biến. Một lý do là ở đó có nhiều loại đồ ăn phong phú với giá cả phải chăng. Những người bán hàng rong trên các đường phố đem bún, miến, đậu rán, xôi đỗ đen hoặc xôi ngô và vô số những thực phẩm khác đến với khách hàng của mình. Những người bán hàng khác ngồi ở một chỗ cố định, phục vụ khách quen với nhiều loại phở, mì, bún, miến… salad đu đủ xanh với thịt bò khô, bia tươi, chè, tào phớ, bánh trôi tàu, đu đủ hay dưa hấu cắt sẵn, mía đá… các sự lựa chọn là vô tận và thay đổi theo mùa.

vỉa hè
CEO Google trò chuyện thân mật với Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của Flappy Bird, tại một quán nước lề đường gần hồ Gươm - ảnh: TTO

Quan trọng và phổ biến không kém trên toàn thế giới, con người thích ngồi ngoài đường ngắm nhìn mọi người. Hoạt động của một người trở thành sự quan sát giải trí của những người khác. Các thành phố ở Châu Âu khuyến khích các quán cà phê vỉa hè và rất nhiều thành phố ở Mỹ hoặc đã có chúng, hoặc đang cố gắng bắt đầu có. Chúng giúp thoả mãn nhu cầu tâm lý cho sự giao tiếp của con người và cung cấp sự giải trí miễn phí cùng với bữa ăn, cung cấp cơ hội để đóng cả hai vai trò là người quan sát và được quan sát. Các quán này vô cùng phổ biến và vì thế rất có lãi. Đôi khi hạnh phúc đem lại kinh tế tốt.

Ngược lại với môi trường trong nhà – không gian ngoài trời tự do và thoải mái. Không cần có thêm yếu tố giải trí nào khác; cuộc sống tự phát triển trên đường phố cung cấp những khung cảnh đa dạng, thay đổi liên tục trước mắt và kích thích các giác quan. Mùi vị, âm thanh, một cơn gió mát, tiếng mưa rơi lộp bộp. Các thay đổi diễn ra liên tục, không ngày nào giống ngày nào, không thời điểm nào giống thời điểm nào…".

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc