"Giải cứu thịt lợn": Thịt sạch bán giá bình dân!

06:08, 25/04/2017
|

(VnMedia) - Trước tình trạng giá lợn đang rớt thê thảm, doanh nghiệp cho biết sẽ hạ giá bán thịt lợn cho các trường học, nhóm công nhân… để họ có thể ăn thịt sạch với giá bình dân…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường ngày hôm qua (24/4) đã triệu tập cuộc họp gấp để tìm giải pháp “giải cứu” ngành chăn nuôi lợn khi giá thịt ở Việt Nam đang rẻ nhất thế giới.

Cuộc họp có sự tham gia của các Cục, vụ và nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi; chăn nuôi, chế biến thịt lớn trong nước.

Nhận định về nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng rớt giá thê thảm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đó là do hiện nguồn cung thịt lợn trong nước đang lớn hơn cầu. Lượng thịt lợn thương phẩm tăng gấp 3 lần so với năm 1997 (tăng hơn 5,4 triệu tấn). Ngoài ra, việc tiêu thụ sản phẩm của người dân hiện nay đa dạng hơn, không tập trung vào thịt lợn như cách đây 20 năm.

Nguyên nhân thứ hai, theo ông Cường, là do khâu tổ chức ngành hàng chưa tốt, quy mô vừa và lớn chiếm 45%, còn lại là quy mô nhỏ lẻ. Hiện nay, Việt Nam có 3 triệu hộ nhỏ chăn nuôi lớn khiến giá thành cao, khó kiểm soát chuỗi, các khâu tách rời khiến khi thị trường có sự cố thì rất thiệt thòi cho nông dân sản xuất nhỏ.

Cùng với những nguyên nhân trên thì Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, khâu chế biến hiện là khâu yếu nhất trong ngành chăn nuôi, hầu hết vẫn tiêu thụ theo kiểu truyền thống, tiêu thụ thịt tươi. Khâu tổ chức thị trường đều cả nội địa và xuất khẩu kém, chưa phát triển, với việc chủ yếu tiêu thụ tại chợ truyền thống, ít vào siêu thị do chủ yếu giết mổ theo cách truyền thống.

“Ngành chăn nuôi lợn đã vỡ quy hoạch cả về số đầu lợn và số nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, cả hai đều đang rơi vào khủng hoảng thừa” – Bộ trưởng cho biết.

Làm rõ hơn bức tranh ảm đảm của ngành chăn nuôi lợn, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay ở Việt Nam và cũng đang là giá thấp nhất thế giới.

“Nếu tình trạng này kéo dài thì phần lớn các hộ chăn nuôi và ngay cả những hộ trang trại lớn cũng sẽ không trụ được. Giá lợn hơi loại tốt cũng đã xuống thấp dưới 28.000 đồng/kg, có nơi xuống dưới 25.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là trong những tháng mùa hè sắp tới” – ông Vân dự báo tình hình.

Tại cuộc họp, đại diện Công ty CP Việt Nam cho biết, để giải toả được khối lượng thịt càng nhiều càng tốt, công ty này đã tăng cường bán thịt theo miếng, chế biến thành xúc xích, thuê kho cấp đông, tăng cường chế biến sâu. Công ty CP cũng hứa sẽ giảm đàn lợn và giá thức ăn để giúp người nông dân.

Tuy nhiên, theo Công ty, một số nông dân đang cố gắng vay mượn để giữ đàn lợn, mong rằng bán được ra nước ngoài. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách rõ ràng, để người nông dân có hướng chăn nuôi.

Còn theo đại diện Công ty Dabaco, đơn vị này đã giảm giá thức ăn 5-7% từ tuần trước, giảm giá bán con giống, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi, không để dịch bệnh xảy ra. Không tiếp tục tăng đàn, nhưng áp dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất lợn nái. Dabaco đang tính toán xây nhà máy giết mổ lợn, sẽ triển khai trong năm 2017.

Ông Võ Việt Dũng Tổng giám đốc Công ty chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho biết, hiện giá lợn xuống quá thấp. Tại thủ phủ chăn nuôi của miền Bắc là tỉnh Hà Nam, phần lớn là lợn quá lứa, trọng lượng từ 1,4 tạ/con, giá chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/con nhưng người chăn nuôi vẫn không bán được. Công ty sẽ cố gắng tăng lượng thu mua để cấp đông để đẩy mạnh tiêu thụ lượng lớn lợn quá lứa trong dân.

“Chúng tôi cũng sẽ giảm giá bán thịt từ ngày mai, giảm giá bán thịt cho các trường học, cho nhóm công nhân để họ được ăn thịt sạch với giá bình dân”, ông Dũng cho cho biết.

thịt lợnẢnh minh hoạ

Có một nghịch lý đang diễn ra, đó là hiện nay dù giá lợn đang giảm thê thảm nhưng tại các chợ hay siêu thị, giá thịt lợn lại chỉ giảm không đáng kể. Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho rằng, Bộ Công Thương phải thể hiện vai trò của mình trong vấn đề này.

Cùng quan điểm, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT làm việc với Bộ Công Thương xem xét tạm dừng nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt để bình ổn thị trường. Tuy nhiên, về lâu dài cần quy hoạch ngành chăn nuôi lợn, phải xem đây là ngành nghề sản xuất, kinh doanh có điều kiện, không thể thích mở trang trại chăn nuôi là mở mà không có điều kiện ràng buộc gì.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đưa ra các giải pháp khẩn cấp. Theo đó, giải pháp căn cơ là phải tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn, giảm quy mô đàn. Đồng thời, tập trung tổ chức lại ngành hàng, đặc biệt là quy mô nông hộ, giảm tình trạng nuôi nhỏ lẻ như hiện nay. 

“Nếu cứ để tồn tại 3 triệu nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay thì sẽ còn rủi ro, tình trạng thừa thịt lợn sẽ còn xảy ra. Bộ NN&PTNT sẽ thúc đẩy thành lập Hiệp hội thịt lợn để tăng tính liên kết.” Bộ trưởng nói.

Theo ông Cường, cần phải tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm cho thị trường; mở rộng xuất khẩu theo đường chính ngạch, xúc tiến xuất khẩu thịt lợn tại một số nước Asean và một số thị trường khác…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, cung cấp lợn giống, thuốc thú y… cần phải giảm giá bán các mặt hàng để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, bởi đây cũng là cách để đảm bảo cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất giống, thuốc thú y phát triển bền vững.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc