Bảo hiểm xã hội: Có doanh nghiệp nợ đến hàng trăm tỉ

06:29, 01/04/2017
|

(VnMedia) - Có doanh nghiệp nợ đến hàng trăm tỉ là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “tăng cường công tác thanh tra - kiểm tra bảo hiểm xã hội tại Việt Nam”- do bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp ILO tại Việt Nam tổ chức ngày 31/3.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, bảo hiểm xã hội đã có bước phát triển nhanh, hiện quản lý đối tượng trên 76 triệu người - trên 82% dân số cả nước.

Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, theo ông Ánh, vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Diện bao phủ BHXH, dù đã cố gắng nhiều nhưng mới chỉ đạt trên 20% dân số, so với mục tiêu trong Nghị quyết 21 còn khoảng cách lớn.

Về diện bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT), dù đạt 82% dân số, song để duy trì tính bền vững lại là vấn đề rất đáng quan tâm.

Đặc biệt, Phó Tổng Giám đốc BHVN thông tin, tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) diễn ra nhiều năm và chưa có xu hướng giảm.

BHXH VN luôn xác định, thanh kiểm tra là phương thức của quản lý, không chỉ là phát hiện, thu hồi số tiền bảo hiểm còn nợ, mà quan trọng là nâng cao công tác bảo đàm quyền an sinh xã hội cho người lao động, người hưu trí và các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội khác.

“Nhưng đến năm 2016, số nợ bảo hiểm phải thu là 3,3%, trong đó có nhiều doanh nghiệp có số nợ đến hàng trăm tỉ đồng” - ông Đào Việt Ánh thông tin về tình trạng nợ BHXH sau gần 1 năm Thanh tra chuyên ngành đóng BH đi vào hoạt động.

Theo Phó Tổng Giám đốc BHVN, nguyên nhân của tình trạng này là do hiệu quả công tác thanh kiểm tra chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến trong ý thức chấp hành của doanh nghiệp. Chế tài xử phạt dù nâng lên song chưa đủ mạnh, chưa đủ tác động đến hành vi của đối tượng.

bảo hiểm xã hội
Ô ng Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Báo cáo về thực trạng công tác thanh tra, kiểm tra của BHXH Việt Nam, ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra cho biết, hiện nay, những biện pháp, chế tài của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN với mức phạt còn thấp. Hàng năm, số đơn vị được phối hợp thanh tra, kiểm tra chưa nhiều và chưa thường xuyên; chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra của các đoàn phối hợp còn chưa cao; công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra tại cấp huyện còn rất hạn chế.

Theo ông Long, các đối tượng kiểm tra đôi khi còn cản trở, không hợp tác; công tác thanh tra, kiểm tra hiện nay mới chỉ dừng ở phát hiện, kiến nghị, hiệu quả thực thi kết luận thanh tra, kiểm tra còn hạn chế.

Ngoài ra, cơ quan BHXH không còn được giao quyền khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN, chức năng này đã được giao cho tổ chức công đoàn, nhưng các văn bản hướng dẫn thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, nên việc thu hồi nợ đọng gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Chang Hee Lee - Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng, tình trạng trốn tránh trách nhiệm BHXH, với nhiều hình thức khác nhau như không đăng ký số lượng lao động được đóng bảo hiểm, không ký hợp đồng lao động, đăng ký mức nộp bảo hiểm với mức lương thấp hơn thu nhập thực tế… còn phổ biến là điều không chấp nhận được vì việc đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, không đóng bảo hiểm cho người lao động ảnh hưởng đến mức độ bảo hiểm mà người lao động được hưởng.

Theo đánh giá của ILO, cán bộ thanh kiểm tra đóng vai trò quan trọng trong xác định cũng như báo cáo, giải quyết tranh chấp liên quan đến tuân thủ quy định về BHXH. Tuy nhiên, lực lượng thanh, kiểm tra lao động của VN còn mỏng, mới chỉ đáp ứng 1/5 nhu cầu của công tác này. Chất lượng cán bộ thanh tra trong lĩnh vực này cũng “còn vấn đề” khi chỉ 1/10 cán bộ được đào tạo bài bản và là thanh tra viên chính, nên năng lực thanh, kiểm tra thường không tương xứng với khối lượng công việc mà lực lượng thanh kiểm tra phải đảm nhận.

Giám đốc ILO Việt Nam Chang Hee Lee khuyến nghị cần cải thiện chức năng thanh kiểm tra trong hệ thống BHXH Việt Nam.

“Chức năng thanh kiểm tra của BHXH là thành tố then chốt của bất cứ hệ thống nào trên thế giới vì nó đưa ra thông tin phản hồi nhằm đưa điều chỉnh chính sách khi cần thiết” - ông Chan Hee Lee nói.

bảo hiểm xã hội
ông Paguman Singh - Chuyên gia của ILO

Tuy nhiên, ông Paguman Singh - Chuyên gia của ILO lưu ý, nhiều người nghe đến thanh kiểm tra là nghĩ ngay đến xử phạt, chế tài, nhưng nhìn vào trách nhiệm của lực lượng này thì không đúng như vậy.

Theo vị chuyên gia này, chức năng rất quan trọng của công tác thanh kiểm tra là hỗ trợ, đảm bảo tính tuân thủ trong việc đóng bảo hiểm, chứ không đơn thuần là thực thi pháp luật hay chăm chăm soi lỗi của doanh nghiệp.

Vì thế, theo ông, cán bộ thanh kiểm tra phải kiểm tra, giám sát cẩn trọng, kỹ lưỡng trước khi đưa ra kết luận, đề xuất định hướng chính sách, quy trình phù hợp cho cấp cơ sở. Qua thanh kiểm tra để cung cấp thông tin hỗ trợ NLĐ hiểu được quy định pháp luật, kịp thời phản ánh những bất cập của pháp luật trong thực tiễn áp dụng để cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh.

Để đảm bảo tính tuân thủ, ông Paguman Singh cho rằng, cần “thanh tra đi, thanh tra lại như trẻ con học bài”. Bên cạnh đó còn phải có thanh tra khảo sát về khả năng tuân thủ đối với các DN mới thành lập, thanh tra chuyên đề khi DN tuân thủ không tốt... để hướng dẫn, hỗ trợ, tiến tới cải thiện việc thực thi các quy định về đóng BH.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh thanh tra Bộ LĐTB&XH cũng cho rằng, trong hoạt động thanh tra lĩnh vực bảo hiểm, tinh thần không phải nỗi nào cũng phạt mà chủ yếu răn đe. Chỉ phạt khi doanh nghiệp chây ỳ chứ không phải gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, ông Tùng cho rằng, việc đưa mức phạt lên quá cao thì mức khả thi không cao.

Ông Tùng cũng cho biết, Thanh tra Bộ LĐ, TB&XH rất muốn sát cánh cùng BHXH Việt Nam. Bộ đang ký tài liệu tập huấn thanh tra chuyên về BHXH và sẽ cử cán bộ hoặc chuyển tài liệu cho BHXH Việt Nam để triển khai đến hệ thống toàn ngành.

Đại diện cho Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động đề nghị, Nhà nước và Chính phủ cần phải ban hành, sửa đổi kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH, nhất là về cơ chế, chính sách xử lý nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ở những doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn để giải quyết quyền lợi cho NLĐ; nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn và NLĐ trong việc thanh tra, kiểm tra các đơn vị SDLĐ; đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và BHXH Việt Nam trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN…

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc