Doanh nghiệp nạo vét luồng lạch bán lốt cho các tàu khai thác cát?

10:05, 20/03/2017
|

(VnMedia) - Việc xã hội hóa cho các doanh nghiệp nạo vét luồng lạch trên các tuyến sông sẽ giúp cho Nhà nước không phải chi ngân sách, tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng việc này để “ăn cắp” cát.

Hoạt động khai thác cát diễn ra rầm rộ tại khắp các tuyến sông lớn
Hoạt động khai thác cát diễn ra rầm rộ tại khắp các tuyến sông lớn

Theo giấy phép của Cục đường thủy nội địa VN (Bộ Giao thông vận tải), công ty CP trục vớt Luồng Hạ lưu được quyền nạo vét luồng lạch từ km1+000 đến km 30+000 (tổng chiểu dài nạo vét các điểm khoảng 4900m) trên sông Cầu  (thuộc địa tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang).

Trong quá trình nạo vét luồng lạch, công ty CP trục vớt luồng hạ lưu (công ty Hạ lưu) sẽ được khai thác khoảng 38.000m3 cát/năm để bù chi phí nạo vét. Theo ước tính của người dân, với sản lượng cát được khai thác, công ty Hạ lưu chỉ cần huy động 38 tàu trọng lượng 1.000m3 khai thác trong 1 ngày là hoàn thành sản lượng.

Trong khi đó, theo phản ánh của người dân xã Thắng Cương, huyện Yên Dũng (Bắc Giang), công ty Hạ lưu đã tiến hành hút cát từ ngày 26/2/2017. Trên đoạn sông dài 700 m, luôn thường trực 10-15 tàu hút cát diễn ra liên tục suốt ngày đêm và chỉ tập trung vào những điểm nhiều cát. Điều đáng nói, nhiều tàu hút cát không đeo biển số.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thất - Trưởng thôn Thắng Lợi, xã Thắng Cương, huyện Yên Dũng, Bắc Giang cho biết: “khi xuất hiện các tàu nạo hút luồng lạch, chúng tôi đều yêu cầu công ty Hạ lưu phải thông báo thời điểm thực hiện việc nạo vét, vị trí các tàu nạo vét. Đồng thời, phải cung cấp biển số cụ thể của từng tàu nạo vét luồng lạch để người dân giám sát. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã không thực hiện đúng. Thậm chí, gần đây, nhiều tàu nạo vét còn tháo cả biển số ra để không cho các lực lượng chức năng và người dân giám sát. Chính vì vậy, tại địa phận xã đã xảy ra nhiều vụ va chạm giữa người dân và các tàu khai thác cát. Thực tế, các tàu này đã thả ống hút cát suốt ngày đêm tại nhiều vị trí sát chân đê. Người dân lo sợ tình trạng sạt lở đất, sập nhà cửa nên đã phải lấy các chai thủy tinh ném để đuổi tàu hút cát ra khỏi địa bàn.

Còn tại buổi họp báo tại UBND tỉnh Bắc Ninh cuối tuần qua, ông Trịnh Hữu Hùng, chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh, cho biết dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp với tận thu sản phẩm trên sông Cầu do Cục Đường thủy nội địa làm chủ đầu tư được thi công từ giữa năm 2015. Tuy nhiên, do để xảy ra tình trạng khai thác cát làm sạt lở đê điều nghiêm trọng, UBND tỉnh Bắc Ninh nhiều lần kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tạm dừng để đánh giá lại sự cần thiết của việc khơi thông luồng lạch.

Từ cuối năm 2016 dự án này bị tạm dừng, thế nhưng mới đây tỉnh Bắc Ninh bất ngờ thấy dự án được tái khởi động trở lại. Theo đó, Công ty cổ phần Trục vớt luồng hạ lưu - đơn vị được Bộ Giao thông vận tải cấp phép cho thi công dự án. Từ ngày 26/2, doanh nghiệp này bắt đầu đưa tàu vào hút cát trên sông Cầu.

Cùng thời điểm, UBND huyện Quế Võ đã thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra và ngăn chặn việc hút cát ồ ạt. Kết quả kiểm tra, mỗi ngày trên sông Cầu đoạn qua xã Việt Thống có khoảng 20-25 tàu, tại xã Quế Tân có khoảng 15 tàu, tại xã Phù Lãng có khoảng 20-25 tàu, tổng cộng có gần 60 tàu hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Ông Hùng cho biết: “Đây là phạm vi quản lý của chủ đầu tư, tất cả tàu vào khai thác phải đăng ký với chủ đầu tư. Tất cả số tàu này đỗ tại vị trí mà nhà đầu tư đăng ký để khai thác”.

Theo nhận đinh của ông Hoàng Văn Đức - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Dũng, Bắc Giang, doanh nghiệp được giao vị trí để nạo vét nhưng lại cho các tàu không biển số vào khai thác cát trái phép là việc làm sai trái. Điều này có thể do năng lực quản lý của doanh nghiệp kém hoặc có thể xảy ra việc doanh nghiệp đã sang nhượng bán chỗ cho các tàu khai thác cát. Do vậy mới xuất hiên nhiều tàu thuyền không chính thức được phép nạo vét luồng lạch.

Khánh An


Ý kiến bạn đọc