"Công lý hối lộ thì không phải là công lý"

06:37, 28/03/2017
|

(VnMedia) - “Để xảy ra một nền tư pháp hối lộ là cực kỳ nguy hiểm. Tư pháp là công lý, mà công lý hối lộ thì không phải là công lý nữa rồi.” Nguyên Phó Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Trần Văn Độ trao đổi với VnMedia.

Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ
Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ

Báo cáo nghiên cứu “hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở Việt Nam” dẫn chứng, trong 5 năm (từ 2012 – 2014), có 141 người có hành vi vi phạm bị xử lý, trong đó 23 người bị xử lý trách nhiệm hình sự; 118 người bị xử lý kỷ luật (10 người bị cách chức, 54 người bị khiển trách, 35 người bị cảnh cáo, 2 người bị hạ bậc lương 17 người bị buộc thôi việc), đồng thời, xử lý kỷ luật về Đảng với 5 người. Nếu phân loại theo hành vi vi phạm, có 23 người có hành vi tham ô, nhận hối lộ trong hoạt động công vụ; 83 người có hành vi vi phạm chế độ công vụ; 32 người vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức; 3 người vi phạm những điều Đảng viên không được làm.

Trao đổi với  VnMedia về những con số này, Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, PGS - TS Trần Văn Độ cho biết, đây là con số báo cáo của TAND tối cao, cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, theo ông, ngoài con số đó,  cũng như trong tất các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong chống tham nhũng thì vẫn có những vụ việc chưa được phát hiện. Lý do là vì cơ chế pháp luật của Việt Nam chưa tạo được điều kiện để thuận lợi trong phát hiện, xử lý.

- Trong hoạt động tư pháp, hành vi tiêu cực, tham nhũng sẽ có những nguy hại gì, thưa ông?

Việc tham nhũng tiêu cực, đặc biệt trong hành pháp là tất yếu, trong tư pháp cũng không thiếu. Nhưng để xảy ra một nền tư pháp hối lộ là cực kỳ nguy hiểm. Đây là khâu cuối cùng rồi. Tư pháp là công lý, mà công lý hối lộ thì không phải là công lý nữa.

Tất cả các quốc gia đều chú trọng xây dựng nền tư pháp trong sạch, minh bạch và ngoài việc phát hiện, xử lý thì quan trọng nhất, đó là bất kỳ quốc gia nào cũng phải có sự đảm bảo để nuôi dưỡng sự trung thực, sự minh bạch của toà án và chống tham nhũng, làm cho công lý được thực thi.

Điều này thông qua chính sách, thông qua các quy định về lựa chọn thẩm phán, nhiệm kỳ thẩm phán, lương bổng… làm thế nào để đảm bảo cho người ta không bị cám dỗ bởi vật chất, yên tâm hoạt động với nghề.

Việc phát hiện xử lý chỉ là cái ngọn, cái gốc phải là đảm bảo cho các thẩm phán đủ năng lực để độc lập xử lý đúng pháp luật, khách quan, để không chịu bất cứ tác động tiêu cực  nào từ bên ngoài, kể cả đương sự, kể cả lãnh đạo.

Nguy cơ dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong ngành tư pháp thể hiện như thế nào, thưa ông?

Ngành nào cũng có nguy cơ, đặc biệt là trong ngành tư pháp. Đây là ngành xử lý những tranh chấp lợi ích giữa các cá nhân tổ chức, các vi phạm pháp luật. Khi lợi ích bị vi phạm, họ sẽ bằng bất cứ con đường nào, bất cứ giá nào để mình thắng kiện. Cho nên, đó là cám dỗ rất lớn đối với các thẩm phán, nếu không có bản lĩnh, không có chính sách của nhà nước để nuôi dưỡng bản lĩnh đó thì tiêu cực rất dễ xảy ra.

- Vậy, nguyên tắc xuyên suốt trong giải pháp chống tiêu cực, tham nhũng mà các ông đề xuất là gì?

Trước hết phải đảm bảo sự độc lập trong hoạt động của thẩm phán. Điều này đã được hiến định, và với các Công ước của Liên Hợp quốc thì điều đầu tiên đặt ra cũng là vấn đề đó.

Tất nhiên, độc lập phải gắn với trách nhiệm tuyệt đối của thẩm phán. Không phải độc lập là muốn phán thế nào thì phán. Anh phán sai thì hậu quả phải cực kỳ nặng nề, nếu có tiêu cực thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Thứ hai là phải có hệ thống quy định, quy chế về đạo đức, quy tắc ứng xử. Trong trình tự thủ tục hàng ngày, làm thế nào để triệt tiêu những nguyên nhân, điều kiện để tham nhũng xảy ra. Đơn cử như vấn đề tiếp xúc của thẩm phán, phải quy định tiếp xúc thế nào, với ai…, ví dụ như Toà án Tối cao quy định thẩm phán không được tiếp xúc riêng với đương sự, tiếp xúc phải có sự giám sát chung… Luật hiện nay chưa quy định điều này nhưng quy chế nội bộ phải quy định chặt chẽ.

Thứ ba, làm thế nào để giám sát mà không làm mất đi tính độc lập của thẩm phán.

Cuối cùng là trình độ năng lực. Muốn độc lập, xử lý được thì phải có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, không ngẫu nhiên mà các nước thẩm phán không có quy định về tuổi vì rất cần những người có kinh nghiệm, như Hoa Kỳ thì thẩm phán làm việc đến khi không còn sức khoẻ. Những người thầy như thầy giáo, thầy thuốc, thẩm phán cần đạo đức, cái tâm và trình độ năng lực tuyệt đối. Những ông thầy đó không nên quy định tuổi làm việc.

- Thưa ông, để tránh tiêu cực, ngành nào cũng cho rằng cần phải tăng thu nhập để đảm bảo đời sống, như bác sĩ thì chữa bệnh ngoài giờ, được hưởng tiền phẫu thuật…, còn giáo viên có thể dạy thêm. Còn với thẩm phán, làm thế nào để họ không phải lo cơm áo gạo tiền mà “sáng mắt lên” khi thấy chiếc nhẫn kim cương hay phong bì của đương sự, như ông đã chia sẻ?

Ngành tư pháp để tận dụng làm kinh tế, kế hoạch ba là chắc chắn không được. Tôi đồng tình với việc bác sĩ có thể chữa bệnh ngoài giờ, giáo viên có thể dạy thêm đúng quy định, nhưng thẩm phán thì không thể. Với nghề này, chỉ có chính sách của nhà nước phải có chế độ, đảm bảo đời sống cho họ.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Tuệ Khanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc