Không thích trẻ con không phải là xấu, nhưng đừng làm nghề giáo

06:48, 09/02/2017
|

(VnMedia) - Trong cuộc sống, mỗi người một tính cách và chẳng có tính nào là xấu, kể cả chuyện bạn không thích trẻ con. Nhưng nếu biết mình không yêu trẻ, đừng bao giờ chọn làm nghề giáo.

cô giáo mầm non
Không yêu trẻ, đừng làm nghề giáo. Ảnh bên trái: Đứa trẻ được các cô giáo liều mình trong lũ dữ để cứu mạng sống; bên phải là hình ảnh một cô bảo mẫu đã thản nhiên ngồi hành hạ một đứa trẻ mầm non

Nhiều người thẳng thắn tâm sự rằng, họ không thể chơi với trẻ con lâu hơn 5 phút. Có những người không chịu nổi tiếng khóc của trẻ.

Tôi biết nhiều người, mỗi khi nghe tiếng trẻ con khóc là họ lại cảm thấy bị kích thích thần kinh và không thể kiểm soát nổi bản thân, dẫn đến cáu bẳn, quát tháo, thậm chí đánh đập con cái, dù không thể nói là họ không yêu thương đứa con của họ.

Thậm chí, tôi từng biết một người hàng xóm, trong lúc đang băm thịt thì đứa con nhỏ của bà cứ ngồi cạnh và khóc ti tỉ. Bống nhiên, bà quay sang cầm con dao chặt phập một nhát vào chỗ đứa con gái đang chống tay. May mà nó rụt tay lại kịp.

“Lúc đó, tôi không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà lại làm như vậy. Lúc thấy con bé đang khóc im bặt, mắt trợn ngược nhìn mẹ đầy kinh hoàng, tôi mới giật mình bừng tỉnh, biết rằng mình vừa suýt nữa thì chặt đứt tay đứa con. Tôi đã bị tiếng khóc của nó kích động” - bác hàng xóm kể lại.

Tôi cũng có một người bạn thân, từng thi học sinh giỏi cấp tỉnh và được tuyển thẳng vào trường sư phạm. Thế nhưng, bạn đã từ chối học trường đó chỉ vì bạn biết, mình không thật sự yêu thích trẻ con. Bạn chia sẻ: tính mình năng động, thích đi đây đi đó, thích làm những công việc phóng khoáng. Làm nghề giáo cần nhẹ nhàng, kiên nhẫn và đặc biệt là phải yêu trẻ.

Đó thực sự là một quyết định khó khăn bởi ở thời điểm đó (năm 1986), thi đại học chỉ được chọn một nguyện vọng, và công việc cũng rất khó khăn. Nhưng bạn đã lựa chọn đúng khi giờ đây trở thành một kinh doanh rất giỏi nhưng vẫn là một người mẹ khá nóng tính. “Thỉnh thoảng mình vẫn đánh con khi bức xúc chuyện gì đó, đôi khi không phải do lỗi của con mà chỉ do công việc trục trặc. Nếu ngày đó mình chọn làm giáo viên, rất có thể đã xảy ra sự cố đáng tiếc” - bạn tâm sự.

Nhưng không phải ai cũng có thể quyết định sáng suốt như người bạn đó của tôi. Rất nhiều người biết mình không yêu trẻ, biết tính mình nóng nảy thiếu kiên nhẫn nhưng vẫn chọn nghề giáo. Thậm chí, có người nhìn thấy trẻ là đã khó chịu, thấy trẻ đùa nghịch là bực bội, nhưng họ vẫn chọn nghề giáo. Là bởi, họ đơn giản chỉ coi nghề giáo là một công việc để kiếm tiền, để mưu sinh.

Thế nên, mới có chuyện nhiều giáo viên cứ đến lớp là cau có khó chịu, chỉ cần một lý do nhỏ nào đó của bọn trẻ cũng khiến họ nổi điên, quát mắng, chửi bới. Với các lớp lớn thì hết trách cứ mắng mỏ lại mỉa mai đay nghiến…; với trẻ nhỏ thì cấu véo, tạt tai, dọa dẫm bằng những câu nói hết sức phản giáo dục.

Thế nên, mới có cô giáo mầm non cầm dép đánh thẳng vào đầu đứa trẻ non nớt vì nó trót đi vệ sinh ra quần; có cô ấn đầu trẻ vào thùng nước; có cô dán băng dính vào mồm, cho trẻ uống thuốc ngủ để chúng khỏi khóc; có cô cho cả lớp tát vào mặt bạn mình...; Có người dù là giáo viên nhưng còn dùng thủ đoạn cả với học trò, như trường hợp mới đây một giáo viên đã cố tình sửa bài của học sinh từ đúng thành sai.

Đối với những người ấy, những đứa học trò chỉ như những sự phiền nhiễu, làm khó cuộc sống của họ, chỉ vì cơm áo gạo tiền mà họ phải chịu đựng chúng và, hoặc là do môi trường không nghiêm minh, hoặc do bản thân hết kiên nhẫn, họ sẽ trở thành những con “ngoáo ộp”, chỉ rình những sai lỗi của học trò để “vồ lấy” mà trả thù đời – cái cuộc đời đã dẫn dắt họ vào con đường làm thầy cô bất đắc dĩ, nhưng thực ra kết cục đó là do chính họ lựa chọn.

Nghề giáo rất vất vả. Một người mẹ chỉ có 1-2 đứa con mà nhiều khi còn không kiềm chế được, còn đánh chửi con cái. Thế nên, một giáo viên với hàng chục trẻ mầm non đang tuổi ngây ngô, ăn chưa tự xúc, vệ sinh chưa tự làm; hay lứa tuổi cấp I nghịch ngợm không lúc nào yên chân yên tay; tuổi cấp 2 dở dở ương ương tính khí thất thường; tuổi cấp 3 vẫn là một đứa trẻ chỉ biết ăn ngon ngủ kỹ nhưng lại cứ tưởng mình đã biết tường tận mọi thứ trong cuộc đời, chẳng muốn lắng nghe lời khuyên bảo của bất cứ ai, càng không muốn nghe lời giáo huấn của thầy cô giáo… thì càng khó khăn gấp bội.

Nhưng, với những người yêu trẻ, thì cái sự ngây ngô của trẻ mầm non chính là sự trong sáng dễ thương của một nụ hoa; cái nghịch ngợm của trẻ cấp I là sự hiếu động báo hiệu tương lai của một con người thông minh, ưa tìm hiểu; cái ngủng ngoẳng sớm nắng chiều mưa của trẻ cấp II là một bí ẩn luôn mang lại sự ngạc nhiên thú vị; cái kiểu “nửa ông nửa thằng” của học sinh cấp III lại thách thức thầy cô về khả năng làm bạn, chinh phục sự tôn trọng của học trò bằng kiến thức và sự thấu hiểu…

Có nhiều người thấy những thầy, cô giáo hết lòng kiên nhẫn với học sinh đã phải thốt lên: “Sao họ có thể chịu đựng được và làm được như vậy?

Đó là bởi vì, trên tất cả, họ đã yêu thương trẻ, yêu thương học trò của mình bằng một tình cảm chân thành. Trẻ con rất tinh ý. Dù chỉ là một đứa bé mầm non hay một cô học trò ngấp nghé tuổi đôi mươi, chúng đều dễ dàng cảm thận được tình yêu thương chân thành mà thầy cô dành cho chúng, ngay cả khi chúng bị thầy cô mắng mỏ, bảo ban. Tình yêu thương đó chính là mầm thiện mà người giáo viên đã gieo, đã tưới tắm hàng ngày cho những tâm hồn non nớt.

Có người luôn cảm thấy khổ sở, stress khi phải tiếp xúc với trẻ con. Có người đã quyết định không sinh con bởi họ biết, họ không thể làm một người mẹ tốt. Nhưng có rất nhiều người tâm hồn trẻ mãi không già vì họ đã được làm nghề giáo, làm bạn với trẻ. Mới đây, có những cô giáo mầm non đã vật lộn với lũ dữ để cứu học trò, quyết không vì mạng sống của mình mà bỏ rơi lũ trẻ..

Thế nên, trước khi quyết định chọn nghề giáo, bạn hãy tự hỏi xem mình có yêu trẻ hay không. Điều đó rất quan trọng, trước hết với chính bạn. 

Đừng để mỗi ngày sẽ trở thành thảm họa với bạn khi phải đau đầu vì tiếng trẻ khóc, nôn ọe vì thấy chúng đi vệ sinh, chóng mặt vì thấy chúng nghịch ngợm đánh nhau và lên cơn điên khi có đứa học trò gọi mình là mụ, là lão.

Không thích trẻ con không phải là một tội, nhưng đừng làm nghề giáo nếu bạn không thể chịu đựng được tất cả những điều đó. Hãy nhường cơ hội làm giáo viên cho những người sẵn sàng dành cả đời mình để ươm mầm và chăm sóc những cây non với tất cả sự yêu thương, như những cô giáo mầm non ở vùng lũ kia.

Không thích trẻ con mà vẫn cố làm giáo viên là một sự độc ác, ngay cả với cả chính bản thân bạn.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc