Thủ tướng: Bệnh viện không tin học hóa là đi ngược chủ trương chống tham nhũng

07:15, 13/01/2017
|

(VnMedia) - “Đây là biện pháp chống tiêu cực. Nơi nào không thực hiện nghiêm là đi ngược lại chủ trương chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Chúng ta có 23.000 loại thuốc, 16.000 loại dịch vụ mà không có tin học thì làm sao quản lý được?” - Thủ tướng nói.

Chiều 12/1, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2017 với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2016, ngành y tế đã hoàn thành vượt 2 chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao. Theo đó, số giường bệnh trên 10.000 dân (không kể trạm y tế xã): giao 24,5, đạt 25,0 (tăng 0,5 giường); Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế: giao 76% , đạt 81,7% (vượt 5,7%).

Ngành y tế cũng đã đạt và vượt 11/14 chỉ tiêu cơ bản của ngành, còn 3 chỉ tiêu theo công bố của Tổng cục Thống kê gần đạt mục tiêu đề ra, gồm: Dân số trung bình (mục tiêu 92,4 triệu người, thực hiện đạt 92,7 triệu người); Tuổi thọ trung bình (mục tiêu 73,6 tuổi, thực hiện đạt 73,4 tuổi); Tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi/1.000 trẻ đẻ sống (mục tiêu 21,6%), thực hiện đạt 21,8%)…

Cùng với báo cáo 10 thành tựu nổi bật của ngành y tế năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thẳng thắn nêu rõ 12 điểm tồn tại, hạn chế, đồng thời đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để giải quyết những mục tiêu, thách thức trong năm tới.

thủ tướng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị ngành y tế

Tin học hóa để chống tham nhũng

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một mặt bày tỏ tình cảm, sự biết ơn đối với những đóng góp thầm lặng của đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế, đồng thời cho rằng, ngành y tế còn nhiều tồn tại.

Theo đó, tình trạng quá tải bệnh viên chưa được khắc phục một cách căn bản. Vẫn còn để xảy ra những sự cố đáng tiếc, làm sai quy trình liên quan đến năng lực và trách nhiệm của y bác sỹ điều trị như vụ việc quên kéo trong bụng bệnh nhân mà gần đây báo chí phản ánh.

Thủ tướng cũng đánh giá, công tác quản trị bệnh viện còn bất cập; tình trạng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân xếp hàng dài để đợi được nộp tiền gây phiền nhiễu cho bệnh nhân; Lợi ích nhóm trong mua sắm, đấu thầu thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế rất lớn, không công khai, minh bạch, ảnh hưởng lớn đến lợi ích người dân.

Cho biết công tác quản lý bảo hiểm y tế còn bất cập, bị lợi dụng, gây thất thoát lớn cho quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước, Thủ tướng nêu cụ thể các trường hợp tiêu cực như chỉ riêng một phòng khám ở Cà Mau làm thất thoát trên 100 tỷ đồng.

Cho rằng, vẫn còn hiện tượng vô cảm của một bộ phận nhỏ trong ngành y trước nỗi đau bệnh tật của người bệnh, Thủ tướng yêu cầu các cơ sở điều trị, bệnh viện tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho người bệnh và người nhà bệnh nhân; công khai kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện để cơ quan bảo hiểm và người dân được biết và được quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh.

Để chống tiêu cực, tham nhũng và minh bạch hóa, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tin học hóa bảo hiểm y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, coi đây là công cụ chống tham nhũng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế.

“Thủ tướng xin nhấn mạnh rằng đây là biện pháp chống tiêu cực. Nơi nào không thực hiện nghiêm là đi ngược lại chủ trương chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Chúng ta có 23.000 loại thuốc, 16.000 loại dịch vụ mà không có tin học thì làm sao quản lý được” - Thủ tướng đặt câu hỏi.

His
“Hệ thống thông tin Quản lý Bệnh viện - VNPT-HIS

Cần giải bài toán 3 người nhà đi chăm 1 người ốm

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đã nêu hàng loạt câu hỏi lớn đối với ngành Y tế như: “Tại sao người giàu lại ra nước ngoài khám và chữa bệnh đông như vậy? Tại sao nhiều bệnh viện tuyến dưới, tuyến cơ sở, tuyến huyện vẫn được Nhà nước đầu tư, nhưng lại ít có người khám? Tại sao nhiều người nghiên cứu nói rằng Việt Nam tỷ lệ ung thư cao nhất, có đúng không?...”

Nhắc tới việc nhiều người có tiền không chấp nhận cung cách và thái độ phục vụ mang tính ban ơn, thậm chí đôi khi coi thường bệnh nhân, Thủ tướng cho rằng tư duy quản lý bệnh viện và phục vụ bệnh nhân cần thay đổi. Cần chuyển từ tư duy bao cấp sang tư duy kinh tế thị trường.

Lưu ý tình trạng người nhà bệnh nhân “vật vã, chầu chực, làm lãng phí sức lao động, thay vì đi làm thì phải tới viện lo cho người thân, người ốm, 3 người nuôi 1, vừa vất vả, vừa lãng phí sức lao động”, Thủ tướng nhấn mạnh “phải làm sao giải quyết bài toán này”.

Tuệ Khanh 


Ý kiến bạn đọc