Bộ Tài nguyên và Môi trường: 100% tài liệu không mật được trao đổi dưới dạng điện tử

08:19, 10/01/2017
|

(VnMedia) - Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định số 3023/QĐ-BTNMT về kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ năm 2017.

Theo kế hoạch, trong năm 2017, Bộ TN&MT tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ; tăng cường các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 3, góp phần thực hiện cải cách hành chính của Bộ, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn;

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống mạng của Bộ, xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích, đánh giá, hỗ trợ ra quyết định của các cơ quan quản lý nhà nước.

Cùng với đó, Bộ tiếp tục triển khai hệ thống chữ ký số trong điều hành tác nghiệp của Lãnh đạo Bộ và các đơn vị; bảo đảm các điều kiện về kỹ thuật cho 100% các cuộc giao lưu trực tuyến giữa Bộ với người dân và doanh nghiệp về các lĩnh vực quản lý của Bộ;

Đảm bảo 100% cán bộ, công chức sử dụng thường xuyên thư điện tử trong công việc, 100% chuyển sang sử dụng hộp thư chính thức của Bộ, không sử dụng dịch vụ thư miễn phí (gmail, yahoo..) trong công việc;

100% văn bản, tài liệu không mật chính thức trao đổi giữa các cơ quan thuộc và trực thuộc Bộ được trao đổi hoàn toàn dưới dạng thông tin điện tử; 100% văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành, văn bản cần phổ biến được đưa lên mạng; 60% các cuộc họp tổng kết, giao ban của Bộ được thực hiện trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, nhằm phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp, trong năm 2017, Bộ sẽ cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tới người dân và doanh nghiệp; tiếp tục xây dựng các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin vào bộ phận “một cửa” tại các đơn vị có giao dịch, trao đổi với người dân và doanh nghiệp.

Để đạt mục tiêu, Bộ TN&MT đưa ra một số giải pháp thực hiện như: Ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển cho các chương trình, dự án về ứng dụng và phát triển CNTT; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong công chức, viên chức trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; gắn chặt giữa triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và hiệu quả công tác cải cách hành chính; ưu tiên thuê các dịch vụ công nghệ thông tin nếu hiệu quả hơn so với đầu tư xây dựng, vận hành; triển khai từng bước để rút kinh nghiệm và hoàn thiện trước khi triển khai nhân rộng.

Cùng với đó, Bộ sẽ tập trung kiện toàn Ban chỉ đạo triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin nhăm đáp ứng các yêu cầu đặt ra đối với ngành tài nguyên và môi trường; tăng cường sự chỉ đạo và quyết liệt trong thực hiện các nhiệm vụ dự án ứng dụng công nghệ thông tin;

Tiếp tục hoàn thiện tổ chức, chức năng và nhiệm vụ các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các đơn vị trực thuộc Bộ; hướng dẫn hoàn thiện tổ chức, chức năng và nhiệm vụ các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các đơn vị thuộc ngành; ưu tiên thu hút, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo nâng cao cho nhân lực về công nghệ thông tin; nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi nhân lực phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin để thu hút nhân lực chất lượng cao;

Thường xuyên xem xét, kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời định hướng ứng dụng công nghệ thông tin theo đúng kế hoạch của Bộ, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của công tác cải cách hành chính của Bộ; đặc biệt có các ưu tiên phù hợp, đánh giá tuyên dương hoặc phê bình đối với tổ chức, cá nhân trong thực hiện công tác ứng dụng công nghệ thông tin.

giao dịch điện tử
100% văn bản, tài liệu không mật chính thức trao đổi giữa các cơ quan thuộc và trực thuộc Bộ được trao đổi hoàn toàn dưới dạng thông tin điện tử

7 tỉnh chia sẻ dữ liệu đất đai với cơ quan thuế

Theo Báo cáo tổng kết của Bộ TN&MT, năm qua, Bộ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý TN&MT, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử.

Theo đó, để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường Bộ đã ban hành quy định đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ngành TN&MT;

Áp dụng vận hành hệ thống điều hành tác nghiệp qua mạng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, ứng dụng chuyên ngành đã triển khai phục vụ tích cực công tác quản lý, điều hành và nghiệp vụ; thực hiện việc xử lý văn bản trên môi trường mạng;

Triển khai module kết nối, liên thông văn bản điện tử của Bộ với Trục liên thông do Văn phòng Chính phủ chủ trì đến các đơn vị trực thuộc Bộ, sẵn sàng liên thông văn bản của Bộ với Chính phủ, các bộ, ngành, tỉnh/thành phố. Hoàn thiện hệ thống thông tin hỗ trợ giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa tại Bộ và Hệ thống phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến ngành TN&MT.

Tập trung xây dựng các dự án cung cấp dịch vụ trực tuyến, Xây dựng hệ thống an toàn, an ninh thông tin số trên mạng, Hệ thống một cửa tại Bộ TN&MT nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa nền hành chính, thực hiện công tác cải cách hành chính trong toàn ngành.

Cùng với đó, các địa phương tiếp tục thực hiện các dự án: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về TN&MT; cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. 1084 xã được kết nối với hệ thông thông tin đất đai, 74 văn phòng đăng ký được hiện đại hóa đã rút ngắn từ 1/3 đến 1/2 thời gian thực hiện thủ tục.

Hiện nay, có 7 tỉnh gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long đã thực hiện chia sẻ dữ liệu đất đai với cơ quan thuế.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc