Bài 4: Cá nhân, tổ chức sai phạm, vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật

20:30, 02/01/2017
|
Sau loạt bài viết về 'Những “lình xình" ở Cty CPĐTPT Nhà và XD Tây Hồ’, báo chí đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc gần xa, nhiều ý kiến của các chuyên gia pháp luật về những vi phạm, sai phạm của các của các cá nhân có liên quan.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

1. Nếu kẻ mạo danh tố cáo sai sự thật sẽ áp dụng Luật hình sự để xử lý

Luật sư Giang Văn Quyết (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định: Nếu xác định được các đối tượng viết đơn tố cáo mạo danh, tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ việc sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Liên quan đến việc, một số cán bộ, lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nhà và Xây dựng Tây Hồ (Công ty Tây Hồ) bị một số đối tượng mạo danh viết đơn tố cáo 2 lãnh đạo công ty, luật sư Giang Văn Quyết (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, Khoản 3 Điều 30, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nghiêm cấm việc… lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”; Luật Tố cáo 2011 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012 cũng nghiêm cấm hành vi “Cố ý tố cáo sai sự thật; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; mạo danh người khác để tố cáo”.

Đồng thời Luật cũng quy định: “Người tố cáo và những người khác có liên quan có hành vi quy định tại các khoản 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và 13 Điều 8 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tiếp theo, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định chế tài xử lý về hành vi vu khống, vu cáo làm hại người khác, Điều 122 quy định: “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Luật sư Quyết cũng cho biết thêm, việc giả mạo chữ ký là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra thì người giả mạo chữ ký có thể bị chịu trách nhiệm hình sự. Tại Điều 284 Bộ luật hình sự 1999 có quy định như sau về “Tội giả mạo trong công tác”:

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; b) Làm, cấp giấy tờ giả; c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu; c) Phạm tội nhiều lần; d) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Nếu Đảng viên lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác thì còn phải chịu thêm chế tài của Đảng. Tại Điều 14 Quyết định số 181-QĐ/TW ngày 30/3/2013 của Ban Chấp hành Trung ương quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm: “Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách: a) Viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên. Cùng người khác tham gia viết, ký tên trong cùng một đơn tố cáo. b) Tham gia hoặc bị người khác xúi giục, kích động, cưỡng ép tham gia khiếu kiện đông người gây mất trật tự, an toàn xã hội”.

Văn bản của Công ty Tây Hồ xác nhận những thông tin báo Tuổi trẻ Thủ đô phản ánh là chính xác

2. Công chức, viên chức vi phạm phải bị xử lý theo quy định của pháp luật

Liên quan đến việc, theo phản ánh của Công ty Tây Hồ, ông Nguyễn Minh Cương (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Tây Hồ, Phó TGĐ – Phó bí thư Đảng ủy – Thành viên HĐQT Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP) ngày 15/12/2016 tự ý bỏ việc cơ quan đi chúc mừng sinh nhật trong giờ hành chính là vi phạm các quy định của pháp luật. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 18, Luật Cán bộ công chức 2008, quy định về những việc cán bộ, công chức không được làm gồm: Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc... Về hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức được quy định tại điều 78 và điều 79 luật Cán bộ công chức gồm: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc, bãi nhiệm.

“Với vai trò là Chủ tịch HĐQT, ông Cương còn bị xem xét, xử lý theo điều 10 luật Cán bộ công chức. Về nguyên tắc, ông Cương là người lãnh đạo phải có trách nhiệm chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Trong khi người lao động vẫn còn đang phải làm việc mà ông Cương lại bỏ đi để dự tiệc tùng, “đánh cắp” giờ làm việc thì làm sao chăm lo cho cán bộ, công nhân viên?”, luật sư Quyết đặt câu hỏi.

3. Kế toán trưởng khi chuyển công tác không bàn giao cũng cần xem xét hậu quả gây ra phải bồi thường thiệt hại

Liên quan đến việc bà Lê Thị Quyên nguyên là một cán bộ trưởng thành từ Công ty Tây Hồ từng nắm giữ những trọng trách quan trọng như: thành viên HĐQT, Phó TGĐ, Kế toán trưởng của Công ty khi ra đi đã không bàn giao công tác kế toán trưởng. Việc làm này của bà Lê Thị Quyên đã để lại hậu quả hết sức nặng nề nghiêm trọng về công tác tài chính kế toán cho Công ty Tây Hồ phải gánh chịu, giải quyết hậu quả trong nhiều năm.

Luật sư Quyết cho biết, hiện nay, pháp luật không có quy định về trách nhiệm của người lao động sẽ phải bàn giao công việc mà chỉ quy định về trách nhiệm bồi thường khi gây thiệt hại cho đơn vị. Tuy nhiên, trường hợp nếu trong nội dung của hợp đồng lao động đã giao kết hoặc nội quy của đơn vị có quy định về nghĩa vụ phải bàn giao lại công việc trước khi nghỉ việc thì sẽ được áp dụng, giải quyết theo quy định đó. Như vậy, đối chiếu với trường hợp này, Công ty Tây Hồ phải xác định xem hợp đồng đã giao kết có thể hiện điều khoản này hay không, nếu thể hiện mà bà Quyên không thực hiện thì có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do lỗi của mình dẫn tới gây thiệt hại về tài chính... cho đơn vị.

Về phía Công ty Tây Hồ cũng cần có biện pháp để yêu cầu bà Quyên phải có trách nhiệm với những hậu quả do bà không bàn giao tài chính công tác kế toán trưởng gây khó khăn cho công ty. Nếu hậu quả nghiêm trọng cũng cần kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật

Theo Tuổi trẻ Thủ đô

 


Ý kiến bạn đọc