Y án 22 năm tù cho Cựu Tổng giám đốc Agribank

19:53, 27/12/2016
|

Ngày 27/12, sau nhiều ngày xét xử và nghị án, Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết với 17 người kháng cáo trong đại án khiến Agribank mất gần 2.500 tỉ đồng. Tòa bác đơn kháng cáo của cựu Tổng giám đốc Agribank, tuyên y án sơ thẩm 22 năm tù, buộc phải bồi thường cho Agribank hơn 20,3 tỉ đồng.

Từ ngày 16 đến 27/12, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với Phạm Thị Bích Lương - cựu Giám đốc Chi nhánh Nam Hà Nội, thuộc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank Nam Hà Nội) cùng các bị cáo liên quan.
 

Các bị cáo nghe tòa tuyên án. Ảnh Cao Nguyên. Ảnh chụp qua màn hình tivi.
Các bị cáo nghe tòa tuyên án. Ảnh Cao Nguyên. Ảnh chụp qua màn hình tivi.


Mặc dù tất cả 18/18 bị cáo trong vụ án cùng có đơn kháng cáo, song ngay khi phiên tòa mở, Lê Minh Hiếu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vietmade, Công ty CP Lifepro Việt Nam đã rút kháng cáo. Ngoài ra, bị cáo Đỗ Tiến Long (SN 1975) - cựu cán bộ Agribank Nam Hà Nội - tuy kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng do đang phải điều trị bệnh hiểm nghèo nên xin xét xử vắng mặt. Sau hơn 10 ngày xét xử, TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định tuyên án.

Bị cáo Phạm Thị Bích Lương (SN 1969) bị tòa tuyên 20 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng”, theo Điều 179 và 15 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 281-BLHS. Tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh, cựu Giám đốc Agribank Nam Hà Nội phải chấp hành mức án chung là 30 năm tù giam.

Chử Thị Kịm Hiền (SN 1958) - cựu Phó giám đốc Agribank Nam Hà Nội - cũng bị tuyên phạt tổng cộng 30 năm tù về cả 2 tội quy định tại Điều 179 và Điều 281-BLHS. Bị cáo Phạm Thanh Tân (SN 1955) - nguyên Tổng giám đốc Agribank Việt Nam - bị tuyên phạt 13 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và 9 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp cả 2 tội danh, bị cáo Tân phải chấp hành chung 22 năm tù giam.

Với vai trò đồng phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Lê Minh Hiếu (SN 1974) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vietmade, Công ty CP Lifepro Việt Nam và là cổ đông của Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam - được giữ nguyên mức án tại bản án sơ thẩm với 15 năm tù giam.

Các bị cáo từng là cán bộ Agribank Nam Hà Nội và Agribank Việt Nam được giảm án từ 1 – 2 năm gồm; Đỗ Tiến Long bị tuyên phạt 14 năm tù; Đặng Quang Chung (SN 1977) bị tuyên phạt 13 năm tù; Hoàng Anh Tuấn (SN 1962) bị tuyên phạt 5 năm tù; Phạm Quý Dương (SN 1978) bị tuyên phạt 4 năm tù và Hoàng Thị Thu Hiền (SN 1963) được chuyển từ 2 năm tù giam sang hưởng án treo, tương ứng với các tội “Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Nhóm bị cáo từng là cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây (Cục Hải quan Hà Nội) gồm: Lương Thị Yên (SN 1958), Đỗ Thị Liên Hương (SN 1978), Nguyễn Thị Thúy Hằng (SN 1978) và Hoàng Tuấn Khanh (SN 1973) được TAND Cấp cao chấp nhận kháng cáo xin chuyển từ tù giam sang cho hưởng án treo hoặc được giảm án xuống đúng bằng thời gian bị tạm giam, tương ứng với 30 tháng tù tại bản án sơ thẩm.

Các bị cáo còn lại là Nguyễn Thị Nguyệt Thanh (SN 1980), Nguyễn Hữu Thanh (SN 1977), Trương Thị Út (SN 1967), Kiều Trọng Tuyến (SN 1953), Đỗ Quang Vinh (SN 1964) bị giữ nguyên mức án phạt tù tại bản án sơ thẩm, lần lượt bị tuyên phạt từ 4 năm tù đến 6 năm tù về các tội danh quy định tại Điều 179 và Điều 281-BLHS.

Ngoài án phạt tù nêu trên, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội cũng tuyên buộc các bị cáo liên quan phải bồi thường cho Agribank Việt Nam 2.500 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo thuộc Agribank Nam Hà Nội phải bồi thường số tiền nhiều nhất lên đến 1.378 tỉ đồng.

Theo cáo trạng, sau khi đổi tên Công ty cổ phần Enzo Việt thành Công ty liên doanh Lifepro Việt, 5 nghi can là người nước ngoài nguyên là dàn lãnh đạo của công ty trên đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Agribank chi nhánh Nam Hà Nội.

Thông qua việc liên kết vay tiền với Lê Minh Hiếu (42 tuổi, cựu Giám đốc Công ty cổ phần Vietmad và Công ty cổ phần Lifepro Việt Nam) và xin chuyển đổi pháp nhân dự án Dệt - Nhuộm - May của Công ty cổ phần Enzo Việt thành dự án Luxfashion của Công ty liên doanh Lifepro Việt, nhóm này đã lập khống hồ sơ vay vốn và chuyển nhượng 6 thương hiệu "ma"  để được Agribank phê duyệt nâng quyền phán quyết cho vay.

Tổng số tiền các bị can này lừa đảo chiếm đoạt của Agribank gần 2.500 tỉ đồng. Nguyên nhân dẫn đến việc chiếm đoạt trên là do một số cán bộ, lãnh đạo của ngân hàng, công chức Chi cục Hải quan Hà Tây đã tiếp tay.

Trong đó, Phạm Thị Bích Lương được xác định là đầu vụ. Lương đã chỉ đạo, trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình cho vay sai quy định. Các bị cáo khác biết chỉ đạo của Lương là sai nhưng vẫn làm theo.

Trình bày lý do kháng cáo, cựu Giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà cho rằng bản thân không phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bởi bản thân bà ta không phải người chiếm đoạt tài sản của ngân hàng, do đó Lương chỉ xin nhận tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

(Theo Lao động)


Ý kiến bạn đọc