Xử lý thế nào người bịa đặt thông tin Việt Nam đổi tiền?

07:16, 17/12/2016
|

(VnMedia) - Theo quan điểm của luật sư, hành vi của các đối tượng trong vụ việc bịa đặt thông tin đổi tiền trên mạng Internet đã xâm hại đến các khách thể mà Bộ luật hình sự điều chỉnh, đó là, xâm hại đến an ninh quốc gia...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong thời gian qua, tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ thế giới, khu vực còn diễn biến phức tạp; các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống tiếp tục gia tăng, trong đó an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ và an ninh mạng đang đặt ra nhiều thách thức lớn đối với lợi ích và an ninh của nhiều quốc gia.

Có thể thấy, an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ là nền tảng và là cơ sở quan trọng cho việc hoạch định chiến lược an ninh quốc gia.

Theo báo chí đưa tin, khoảng hai tháng trước, mạng xã hội xuất hiện thông tin bịa đặt việc Việt Nam chuẩn bị đổi tiền. Người tung tin thất thiệt đăng hình ảnh mẫu tiền mới có mệnh giá 50 đồng và cho rằng tiền đã được in, chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam.

Hậu quả của việc phát tán thông tin bịa đặt đã gây hoang mang dư luận khi kêu gọi người dân rút tiền khỏi ngân hàng để mua vàng, ngoại tệ dự trữ…

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định Fanpage “Vịt Bầu”, với gần 70.000 lượt "like", liên tục đăng các thông tin bịa đặt trên, gây xôn xao dư luận. Trong số 3 người quản trị trang Facebook này có Nguyễn Xuân Long.

Tại cơ quan công an, Long khai tài khoản Facebook “Vịt Bầu” do Nguyễn Hằng (một phụ nữ ở Mỹ) lập năm 2015. Tháng 9/2016, Long được Hằng mời tham gia ban quản trị để đăng và duyệt bài. Sau đó, Nguyễn Xuân Long sử dụng Facebook “Phong Tuấn” và bí danh “Mr Duck” để đăng tải các bài viết trên trang “Vịt Bầu” với tần xuất 10 bài/ngày, với nội dung bịa đặt, nhằm gây rối loạn thông tin, bất ổn về kinh tế - chính trị.

Về vụ việc nói trên, theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luất sư Hà Nội): An ninh quốc gia là một vấn đề quan trọng nhất đối với sự tồn tại của một nhà nước, chế độ chính trị nhất định. Bảo vệ an ninh quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta trong moi giai đoạn lịch sử và đặc biệt trong tình hình hiện nay khi tình hình an ninh chính trị trên thế giới ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp.

Luật sư Thơm cho biết, hành vi của các đối tượng trong vụ việc bịa đặt thông tin đổi tiền trên mạng Internet đã xâm hại đến các khách thể mà Bộ luật hình sự điều chỉnh, đó là, xâm hại đến an ninh quốc gia: là độc lập, chủ quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân; Xâm hại an toàn trong hoạt động của hệ thống máy tính có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động của cơ quan Nhà nước, các tổ chức và đời sống xã hội không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia mà lan truyền trên toàn thế giới.

Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý nghiêm minh theo đúng các qui định của pháp luật. Tuy nhiên khi xem xét đến hành vi phạm tội của các đối tượng cũng cần phải đánh giá và xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm để xử lý theo các tội danh tương ứng được qui định tại Bộ luật hình sự.

Trước hết, Cơ quan điều tra cần xem xét đến động cơ, mục đích của các đối tượng tung tin bịa đặt đổi tiền thông qua mạng xã hội. Trường hợp các đối tượng có sự cấu kết với các đối tượng chống đối chính quyền nhân dân ở bên nước ngoài để tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt đổi tiền nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân dẫn tới bất ổn về đường lối phát triển kinh tế, xã hội thì các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt Nam. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 88 Bộ luật hình sự.

Nếu hành vi của các đối tượng tung tin đồn đổi tiền trên mạng xã hội không nhằm mục đích tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt Nam thì không cấu thành Tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt Nam.

Trong trường hợp cơ quan điều tra làm rõ động cơ mục đích như của các đối tượng chỉ nhằm nhằm thu hút fanpage, tăng số lượng người truy cập, thu tiền quảng cáo,… thì sẽ bị xử lý về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự.

Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Điều 226. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet;

c) Thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên;

d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Phương Mai


Ý kiến bạn đọc