Vì sao việc tăng tuổi nghỉ hưu gây tranh cãi?

21:30, 23/12/2016
|

Việc tăng tuổi nghỉ hưu trong dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Lao động, gây ra tranh luận, chính là do thiếu những nghiên cứu mang tính khoa học và thực tế thuyết phục.

Lao động trẻ tìm việc làm tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội
Lao động trẻ tìm việc làm tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội

Việc quyết định tuổi nào là tuổi nghỉ hưu không đơn giản chỉ bởi 4 lý do mà Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội nêu ra.

Về tuổi thọ bình quân được tăng lên so với  tuổi về hưu là quá dài nhưng tỉ lệ người được nghỉ hưu tử vong dưới mức thọ trung bình. Hơn nữa do bản chất nghề nghiệp mà mỗi một nghề nghiệp có những đặc trưng rất riêng mà lứa tuổi sẽ quyết định năng suất và chất lượng lao động của họ. Nghiên cứu từ thế giới cho thấy, khi con người ở lứa tuổi từ 55 trở lên thì năng suất lao động bắt đầu đi xuống, sức sáng tạo giảm và điều này chắc hẳn giới chủ chẳng muốn giữ những người có tuổi cao ở lại làm việc, trong khi lương có thể phải trả cao hơn so với năng suất lao động trừ một số ngành nghề như giáo dục hay y tế... Trong trường hợp này nên để cho người lao động nhất là lao động trong lĩnh vực công được nghỉ hưu theo quy định trước đây: nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi và nếu những người này có năng lực hay kinh nghiệm có nhu cầu làm thêm, nên chuyển qua làm hợp đồng hay tư vấn hoặc tự mở doanh nghiệp.

Mặt khác việc quy định tuổi nghỉ hưu theo đề xuất 2 phương án chưa tính hết tuổi trung bình của người lao động khi tham gia thị trường lao động gắn với nghề nghiệp và học vấn của họ, cũng như tuổi ra khỏi thị trường lao động. Ví dụ ở Hoa Kỳ, trong hai năm 2009 - 2010, tỉ lệ nam giới trong độ tuổi 62 - 74 có bằng cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ tham gia lực lượng lao động khoảng 40 - 60% trong khi đó người lao động có trình độ thấp hơn trung học thì chỉ chiếm dưới 20% (đối với lao động nữ thì tỉ lệ tham gia lực lượng lao động thấp hơn). Như vậy, Tờ trình của Bộ LĐ-TB-XH chưa phản ánh trình độ học vấn của các nhóm đối tượng khác nhau để đưa ra phương án như đề xuất, là chưa có cơ sở chắc chắn. Đó là chưa kể đến cần phải có nghiên cứu về khả năng nhận thức của lao động ở lứa tuổi ngoài 55. Theo một nghiên cứu cho thấy ở vào lứa tuổi ngoài 55 khả năng nhận thức có chiều hướng suy giảm (đánh giá theo các phát minh cũng như công trình công bố...)

Theo tôi, ngay cả các bộ lãnh đạo quản lý cũng nên nghỉ ở tuổi 60 đối với nam và 55 đối với nữ để trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Hiện nay rất nhiều người trẻ có năng lực chuyên môn tốt, có ngoại ngữ giỏi, phẩm chất tốt nhưng rất khó chen chân vào các vị trí lãnh đạo quản lý, nếu các cán bộ lãnh đạo quản lý vẫn muốn nghỉ chế độ muộn hơn so với hiện nay và là cách làm giảm động lực phấn đấu của giới trẻ.

Mâu thuẫn khi làm chính sách

Về việc vội lo dân số nước ta già hóa và thiếu lao động trẻ như nhiều nước khác, có lẽ cũng cần có nghiên cứu và tránh mâu thuẫn trong các báo cáo về lao động việc làm của ngành lao động. Hiện nay, nền kinh tế vẫn sử dụng rất nhiều lao động phổ thông (ngay cả các doanh nghiệp FDI), tỉ lệ tạo việc làm thấp, không tương xứng với tăng trưởng, đó là chưa nói đến tương lai của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đến. Hiện tượng thiếu việc làm đã và sẽ diễn ra phổ biến trong đất nước ta nếu không có chính sách thị trường lao động tốt. Hiện tại còn hàng trăm ngàn lao động có trình độ cử nhân trở lên thất nghiệp. Nếu kéo dài tuổi làm việc của những người lao động chính là một cách tiếp tục chiếm mất cơ hội việc làm của lao động trẻ khác, mà các cơ quan, doanh nghiệp đang cần. Hệ quả tất yếu nữa là trong khi lao động được đào tạo thiếu việc làm thì Bộ LĐ -TB - XH lại đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu của lực lượng lao động, sẽ cho thấy những mâu thuẫn ngay chính trong quá trình làm chính sách.

Theo kinh tế học của tuổi về hưu (economics of retirment), các quốc gia đều có thống kê và cách tính toán khoa học của tuổi trung bình về hưu hiệu quả (cái này ở ta có lẽ chưa nghiên cứu) như các quốc gia thuộc OECD vào khoảng 63,3, còn EU 27 vào khoảng 61,7. Nhưng nền kinh tế, cũng như các điều kiện phúc lợi xã hội ở nước ta chắc còn vài chục năm nữa chưa vươn tới được trình độ phát triển của các quốc gia thuộc EU hay OECD.

Việc nói kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã và đang điều chỉnh tăng tuổi hưu có nước lên tới 67 tuổi là cách nói thiếu thận trọng.

Tóm lại, việc đệ trình Quốc hội dự thảo Luật là việc làm hết sức thận trọng và phải có nghiên cứu đầy đủ thêm các thông số liên quan đến dân số, chi phí tài chính cá nhân, chăm sóc y tế sức khỏe, bản chất nghề nghiệp, trình độ học vấn, khả năng cung ứng lao động trong xã hội... để đảm bảo luật mang tính khả thi cao.

(theo TS. Hoàng Ngọc Vinh/Thanh niên)


Ý kiến bạn đọc