Từ 1/1/2017: Nhiều điểm mới về quyền nhân thân và quyền của người chuyển giới

11:52, 14/12/2016
|

(VnMedia) - Từ 1/1/2017, Bộ luật Dân sự 2015 sẽ chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới, trong đó có quy định liên quan đến quyền nhân thân nói chung và quyền của người chuyển giới nói riêng.

Hôm nay (14/12), Bộ Tư pháp và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Diễn đàn pháp luật: Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 – Các giải pháp hoàn thiện pháp luật và triển khai thi hành.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, trọng tâm của Diễn đàn pháp luật lần thứ nhất năm 2016 này là cung cấp thông tin, chia sẻ việc triển khai thi hành BLDS 2015 – một trong những đạo luật quan trọng, rường cột trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Bộ luật được xây dựng hướng đến mục tiêu thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật, điều chỉnh các quan hệ dân sự, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN, phục vụ hội nhập quốc tế, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội theo Hiến pháp năm 2013.

Sau khi được ban hành, BLDS là công cụ pháp lý cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của bên yếu thế, bên thiện chí trong quan hệ dân sự, hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự.

Đồng thời cũng là công cụ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, bảo đảm sự thông thoáng, ổn định trong giao lưu dân sự, góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phục vụ hội nhập quốc tế, thúc đẩy sự hình thành và phát triển các thiết chế dân chủ trong xã hội, góp phần xây dựng NNPQ Việt Nam XHCN.

Việc tổ chức triển khai thi hành BLDS 2015 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây cũng là một nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức đối với các cơ quan, tổ chức trực tiếp tham gia quá trình triển khai nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật.

Bộ luật dân sự
Ông Đinh Trung Tụng – nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại diễn đàn

Đảm bảo quyền nhân thân và quyền của người chuyển giới

Một điểm mới quan trọng khác trong Bộ luật Dân sự 2015, đó là quy định về quyền nhân thân. Theo đó, BLDS năm 2015 sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về quyền nhân thân liên quan đến hộ tịch, xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong các quan hệ dân sự và cụ thể hóa cơ chế công nhận, tôn trọng, thực hiện, bảo vệ quyền. Trong đó, BLDS năm 2015 quy định cụ thể về các quyền: Quyền có họ, tên; Quyền thay đổi họ; Quyền thay đổi tên; Quyền xác định, xác định lại dân tộc; Quyền được khai sinh, khai tử; Quyền đối với quốc tịch; Quyền xác định lại giới tính... 

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự- kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tú, một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành được ban hành trên cơ sở cụ thể hóa quy định của BLDS năm 2005 nên chưa có hướng dẫn chi tiết đối với các nội dung mới của BLDS năm 2015.

Do vậy, ông Tú đề nghị cần rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hộ tịch để bảo đảm quy định thống nhất về thủ tục hộ tịch đối với quyền về họ, tên, dân tộc, xác định lại giới tính…

Một trong những điểm mới của Bộ luật Dân sự là quy định về việc chuyển đổi giới tính. Theo đó, Điều 37 quy định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật, cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch, có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật Dân sự và luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, điểm e khoản 1 Điều 28 cũng bổ sung quyền thay đổi tên của người đã chuyển đổi giới tính.

Để việc thay đổi giới tính được thực thi trên thực tế,  Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - kinh tế cho rằng cần xây dựng, ban hành Luật chuyển đổi giới tính theo đúng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Trong luật này, cần cụ thể hoá các quyền nhân thân của người chuyển đổi giới tính vào trong Luật này để đảm bảo quyền của người chuyển đổi giới tính.

Phát biểu tại Diễn đàn, Chuyên gia Đinh Trung Tụng – nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhận định, đây là một quy định hết sức tiến bộ, lần đầu tiên được quy định trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Do vậy, đại diện  đề nghị cần rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hộ tịch để bảo đảm quy định thống nhất về thủ tục hộ tịch đối với quyền về họ, tên, dân tộc, xác định lại giới tính…

Về di chúc chung của vợ chồng, BLDS năm 2015 không quy định về di chúc chung nhưng cũng không cấm vợ chồng lập di chúc chung mà áp dụng nguyên tắc chung về di chúc để xác hiệu lực của di chúc chung của vợ chồng.

Theo đó, trường hợp vợ chồng có lập di chúc chung thì di chúc chung này không vô hiệu nếu bảo đảm các điều kiện về di chúc hợp pháp và điều kiện về hình thức của di chúc được quy định trong Bộ luật dân sự.

Về thời điểm có hiệu lực của di chúc, trường hợp một bên vợ, chồng lập di chúc chung chết trước thì phần di chúc của người đó có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế - thời điểm người đó chết.

Đối với điều khoản này, để bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp luật, quyền, lợi ích của người dân trong việc lập di chúc, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) đề nghị Bộ Tư pháp cần có văn bản hướng dẫn để áp dụng thống nhất trong việc công chứng, chứng thực di chúc chung của vợ chồng trong trường hợp này.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc