Tạo sức hút từ đô thị vệ tinh Hà Nội: Khác xa từ quy hoạch đến thực tế

11:33, 23/12/2016
|

(VnMedia) - Theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011, Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh gồm Hoà Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Tuy nhiên hiện thực đang cho thấy có một khoảng cách rất xa từ quy hoạch đến thực tế...

đô thị vệ tinh Hà Nội
Đô thị vệ tinh Hoà Lạc

Sáng 23/12, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội thảo Cơ hội và giải pháp thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh thành phố Hà Nội. Hội thảo nhằm nhận diện các cơ hội và thách thức trong việc phát triển các đô thị vệ tinh, từ đó đề xuất được các giải pháp thúc đẩy thu hút các nguồn lực phát triển đô thị vệ tinh, tạo khâu đột phá của Thủ đô trong giai đoạn tới.

Theo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt năm 2011 thì Hà Nội sẽ gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái.

Trong đó, đô thị trung tâm Thành phố dự kiến sẽ có khoảng 4,6 triệu người (vào năm 2030) gồm khu vực nội đô; chuỗi khu đô thị phía Đông vành đai 4 và chuỗi khu đô thị phía Bắc sông Hồng. 5 đô thị vệ tinh gồm Hoà Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Mỗi đô thị đều được xác định với các chức năng riêng biệt, sau khi được hình thành sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm áp lực về dân cư, giảm sức ép cho khu vực nội đô, tạo động lực phát triển kinh tế trong vùng và các khu vực lân cận, kiến tạo không gian kiến trúc cảnh quan hiện ddại tại các cửa ngõ Thủ đô.

Tiếp đó, điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tháng 5/2016 xác định vùng thủ đô Hà Nội gồm Hà Nội và 9 tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hoà Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc triển khai xây dựng các khu đô thị vệ tinh theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô còn chậm.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Trúc Anh Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng, những vấn đề cần quan tâm trong quá trình xây dựng đô thị vệ tinh bao gồm: Thu hút nguồn lực phát triển đô thị vệ tinh; thu hút dân cư từ đô thị trung tâm ra đô thị vệ tinh; phát triển hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và quản lý khu vực hành lang xanh.

Với vấn đề thu hút nguồn lực phát triển đô thị vệ tinh, TS Nguyễn Trúc Anh cho rằng, các đô thị vệ sinh Hà Nội có rất nhiều nội dung, hạng mục hấp dẫn các nhà đầu tư như: các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề (đô thị Xuân Mai, đô thị Phú Xuyên); các hoạt động giáo dục - đào tạo (đô thị Hoà Lạc, đô thị Xuân Mai); du lịch, nghỉ dưỡng (đô thị Sơn Tây); xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị…

“Vấn đề là làm sao để thu hút các chủ đầu tư chuyển từ đô thị trung tâm với nhiều ưu thế về các đô thị vệ tinh” - KTS Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh.

Đánh giá vấn đề thu hút dân cư từ đô thị trung tâm ra đô thị vệ tinh nhằm giảm áp lực đối với một số chức năng của đô thị trung tâm là mục tiêu rất quan trọng, TS Lê Văn Hoạt, Nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, một số dự án lớn, trọng điểm đầu tư đã được khởi động khá lâu như Khu công nghệ cao Hoà Lạc, khu Đại học Quốc gia, khu công nghiệp phụ trợ Nam Hà Nội…

“Tuy nhiên, nhìn chung tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm và việc hình thành, phát huy vai trò của các đô thị vệ tinh còn rất hạn chế. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho việc thực hiện chủ trương giãn dân, giảm tải cho khu vực nội đô nhiều năm qua không thực hiện có hiệu quả” - ông Lê Văn Hoạt nhận xét.

Nhấn mạnh vấn đề giao thông là đặc biệt quan trọng trong việc kết nôi đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh, tuy nhiên, KTS Nguyễn Trúc Anh thừa nhận, việc hoàn thành hệ thống giao thông đòi hỏi rất nhiều về nguồn lực và đây là bài toán không dễ giải cho chính quyền Hà Nội.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ nhấn mạnh: Không có giao thông không thể phát triển các đô thị vệ tinh được. “Thế nhưng, Quốc lộ 6 mấy chục năm nay vẫn như vậy thì không thể thu hút đầu tư vào khu vực Xuân Mai được" - ông Hùng nói.

Trong khi đó, KTS Trần Huy Ánh thì thẳng thắn đánh giá, viễn cảnh đô thị vệ tinh của những nhà quy hoạch vẽ ra sẽ rất khác thực tế. “Ví dụ như trước khi phê duyệt quy hoạch các đô thị vệ tinh, Thủ tướng đã ban hành quyết định về biện pháp, lộ trình di dời cơ sở ô nhiễm, trường đại học, bệnh viện… và các đô thị đó sẽ gánh vác trọng trách này. Tuy nhiên, nguy cơ hiện hữu là tính một đằng, kết quả ra một nẻo rất tiềm tàng” - ông Ánh nói.

TS Phạm Sĩ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) thì đặt ra một vấn đề hết sức đặc biệt: Đó là tại sao Sam Sung lại quyết định đầu tư vào Thái Nguyên chứ không phải Hoà Lạc? Tại sao khu công nghiệp Phố Nối rất sầm uất mà không ai đầu tư vào Xuân Mai hay Sơn Tây…?

“Cần phải phân tích một cách nghiêm túc, thấu đáo xem tại sao các khu vực khác có sức hút như vậy mà các đô thị vệ sinh của Hà Nội lại không có?” - TS Phạm Sĩ Liêm gợi ý.

TS Liêm cảnh báo rằng, cho dù Hà Nội có xây dựng đường giao thông tốt thì vẫn khó thu hút đầu tư vào các khu vực Xuân Mai, Sơn Tây bởi xu hướng hiện nay đều hướng ra biển chứ không phải là lên núi.

TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Hà Nội cũng nhân xét, đã có quy hoạch hợp lý song điều cần và quyết định chính là tổ chức thực hiện, xác định nguồn lực, xây dựng thể chế quản lý đồng bộ.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc