Sự thật vụ người mẹ rao bán tim cứu con

13:05, 17/12/2016
|

(VnMedia) - Tôi đã nói với cô ấy rằng trước mắt cháu bé cần phải được uống thuốc để loại sắt ra khỏi cơ thể, khi nào đủ sức khỏe (có thể 1,2 thậm chí 3 năm) mới có thể mổ được, nhưng cô ấy không nghe… - GS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương nói.

GS Nguyễn Anh Trí
GS Nguyễn Anh Trí đang điều trị cho bệnh nhân tại Viện Huyết học và truyền máu Trung ương

Hai ngày nay, dư luận mạng xã hội đang hết sức quan tâm đến trường hợp người mẹ trẻ rao bán tim, nguyện hi sinh mạng sống của mình để có tiền ghép tế bào gốc cứu đứa con bị bệnh tan máu bẩm sinh. Sáng 17/12, phóng viên VnMedia đã trao đổi với GS, TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương để tìm hiểu sự việc.

Tuy nhiên, phóng viên bất ngờ khi được nghe GS Nguyễn Anh Trí cho biết, ông đã biết rất rõ về trường hợp này vì bệnh nhi đã nằm viện điều trị tại Việt Huyết học và truyền máu Trung ương. Cháu bé hiện mắc bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) và bệnh bại liệt.

“Việc chưa ghép tế bào gốc cho cháu bé này hiện nay không phải do vấn đề tiền bạc bởi tình trạng sức khỏe chưa cho phép. Cháu bé hiện bị nhiễm sắt rất nặng và phải tiến hành việc đào thải sắt ra khỏi cơ thể trước, khi nào đảm bảo điều kiện thì mới tiến hành ghép tế bào gốc được" - Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương thông tin.

GS Trí cũng cho biết, các bác sĩ ở Viện cũng đã nhiều lần giải thích cho mẹ cháu bé về điều này nhưng mẹ cháu bé nhất định không nghe mà cứ đòi phải ghép ngay. “Với tình trạng cháu bé như vậy, nếu tiến hành ghép ngay sẽ dẫn đến tử vong" - GS Trí nhấn mạnh.

Trả lời phóng viên về thời gian uống thuốc đào thải sắt, GS Trí cho biết việc  này có thể kéo dài từ 1 đến 3 năm tùy theo khả năng đáp ứng thuốc và “trong thời gian uống thuốc cũng sẽ phải truyền máu nhưng tính mạng của cháu bé trong thời gian này vẫn an toàn" - GS Trí cho biết.

GS Trí cũng cho biết, trước đây, điều trị đào thải sắt phải tiêm thuốc rất phức tạp, nhưng hiện nay khoa học đã tiến bộ nên chỉ việc khám định kỳ và mang thuốc về nhà uống, rất tiện lợi. “Tuy nhiên, mẹ cháu bé cứ muốn cho cháu nằm viện liên tục, điều này vừa không cần thiết và chúng tôi cũng đã giải thích cho cô ấy biết" - Viện trưởng Viện Huyết họcvà truyền máu Trung ương cho biết thêm.

Về việc mẹ cháu bé cho biết đã lên mạng rao bán tim để lấy tiền ghép tế bào gốc cho con, GS Trí cho rằng, nếu người mẹ có đăng ký hiến tim thì người ta cũng chỉ có thể lấy tim khi người hiến đã chết não.

“Hiến thận hay một phần lá gan thì còn được, chứ nếu người bình thường mà lại lấy quả tim thì người đó sẽ chết và đó là hành động giết người, vi phạm pháp luật  nghiêm trọng” - GS Trí nói và chia sẻ thêm, nếu có chuyện ai đó làm giả hồ sơ chết não cho người mẹ hiến tim thì cơ quan công an cũng phải điều tra làm rõ.

Liên quan đến việc mọi người đang kêu gọi quyên góp tiền giúp đỡ người mẹ này, GS Trí cho rằng, hiện tại người mẹ này khó khăn nên sự quyên góp có thể giúp cho quá trình sinh hoạt, thuốc men và truyền máu.

“Mẹ cháu bé nên nói rõ với mọi người khi kêu gọi giúp đỡ để mọi người hiểu, chứ không nên nói rằng số tiền đó để ghép tế bào gốc. Bây giờ có tiền cũng không thể ghép được" - GS Trí một lần nữa nhấn mạnh.

Hiện nay, trên mạng đang chia sẻ câu chuyện câu chuyện chị Trần Thị Hoa (27 tuổi, quê Bình Thuận) vì muốn cứu con trai Trương Hoàng Phúc (7 tuổi) bị căn bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) mà quyết bán tim được lan truyền trên mạng xã hội nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Đặc biệt, nhiều người tỏ ra rất sốc khi chị Hoa cho biết đã có người đặt vấn đề mua tim của chị bằng cách tạo hồ sơ chết não giả đồng thời với việc đăng ký hiến tim.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc