Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội tự xin rút toàn bộ các danh hiệu thi đua

10:37, 07/12/2016
|

(VnMedia) - "Trước thực trạng còn nhiều tồn tại về công tác PCCC và sau vụ cháy quán karaoke khiến 13 người chết, Sở PCCC Hà Nội ngoài xử lý kỷ luật khiển trách 3 cán bộ thì còn tự xin rút toàn bộ các danh hiệu thi đua..." - GĐ Sở Cảnh sát PCCC cho biết.

Sáng nay (7/12), HĐND thành phố Hà Nội đã tiến hành phiên chất vấn trực tiếp. Ngay mở đầu phiên làm việc, vấn đề phòng cháy chữa cháy đã nhận được hàng loạt câu hỏi chất vấn của các đại biểu.

Là người đầu tiên đặt câu hỏi, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND cho biết, ông đã chất vấn về PCCC qua 2 kỳ họp, nhưng đến nay vẫn còn nhiêu tồn tại.

“Tôi đánh giá cao việc quận Cầu Giấy đã xử lý trách nhiệm các cá nhân sau vụ cháy quán karaoke, nhưng karaoke là ngành kinh doanh đặc biệt cần nhiều thủ tục mới được cấp phép, vậy xin hỏi Giám đốc CATP, GĐ Cảnh sát PCCC, GĐ Sở Văn hoá - Thể thao rằng, ngoài trách nhiệm của địa bàn quản lý trực tiếp thì kết quả xử lý sai phạm của những người trực tiếp quản lý lĩnh vực này như thế nào, từ việc cấp Giấy chứng nhận và kiểm tra, đã cấp bao nhiêu Giấy chứng nhận đủ điều kiện trong hơn 1.200 giấy, đã thu hồi bao nhiêu giấy không đủ điều kiện do các cơ quan cấp ra?” - ông Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi.

Trưởng Ban Pháp chế cũng nhấn mạnh: “Các đồng chí đã kiểm điểm xử lý trách nhiệm, nhưng tôi thấy rằng, việc kinh doanh các ngành nghề nhạy cảm đã được cảnh báo, nhưng theo phản ánh của người dân, thì tình hình anh em xuống kiểm tra hoạt động chưa tốt nên mới có tình trạng cấp Giấy chứng nhận có vấn đề. Vậy ngoài đội quản lý địa bàn thì đội quản lý hành chính đi kiểm tra, cấp giấy chứng nhận theo yêu cầu đã được quy định trong các Nghị định của Chính phủ như thế nào?”.

Tiếp theo đại biểu Nam, đại biểu Trần Thế Công cho rằng, hiện tượng biển quảng cáo tấm lớn vi phạm như biển quảng cáo karaoke, trung tâm thương mại, siêu thị... choán hết mặt tiền toà nhà, trong khi hầu hết biển quảng cáo rất dễ dẫn đến cháy nổ vì nó là vật liệu nhựa, đèn led kém chất lượng, dây dẫn điện nhiều... vậy xin hỏi Giám đốc sở Văn hoá - Thể thao, việc xử lý sai phạm và xử lý cán bộ quản lý như thế nào, giải pháp ra sao?”.

nguyễn hoài nam
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân (Thanh Oai) nhấn mạnh, “cần làm rõ, cho biết nguyên nhân tại sao còn những tồn tại trong PCCC ở các chung cư? Trách nhiệm là của ai? Việc chậm khắc phục là rất nguy hiểm, khi khảo sát thấy mức độ PCCC rất kém. Cho đến nay 332 công trình vi phạm PCCC, vậy thì trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, PCCC, sở Xây dựng và các quận huyện đến đâu phải làm rõ. TP sẽ có biện pháp gì để xử lý những công trình này trong năm 2017 và không để tái diễn?”

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP đặt vấn đề thẳng thắn rằng, công tác PCCC chưa có nhiều chuyển biến. “Trong bài học kinh nghiệm, báo cáo của các đồng chí rút ra rằng công tác quản lý chưa quyết liệt, năng lực chuyên môn không đủ. Vậy ai chưa quyết liệt, tại sao năng lực chuyên môn không đủ?” - bà Mai đặt câu hỏi với Giám đốc sở Cảnh sát PCCC.

Đồng thời, bà Mai cũng đặt câu hỏi với Giám đốc sở Xây dựng: “Cháy chung cư sẽ thành thảm hoạ, nhưng có 132 chung cư chưa đảm bảo. Báo cáo cũng nêu là chưa xây dựng xong phương án hỗ trợ để đảm bảo duy trình PCCC, vậy 14 tháng qua từ khi UBND TP giao sở Xây dựng, hiện đã hoàn thành chưa? nếu chưa thì trách nhiêm của ai? Bao giờ hoàn thành?”.

Trả lời các câu hỏi của đại biểu, GĐ Công an Hà Nội Đoàn Duy Khương cho biết, hiện trên toàn Thành phố có 1317 cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó được cấp phép đủ điều kiện là 1234 cơ sở, thanh tra kiểm tra trong năm 2016 đã thu hồi 50 giấy phép cơ sở kinh doanh có điều kiện, phạt 367 triệu đồng.

Riêng quán karaoke 68 Trần Thái Tông, ông Khương cho biết, “cơ sở đang trong giai đoạn làm thủ tục chờ cấp, dự kiến xin cấp chứ chưa nhận được thủ tục hồ sơ cấp; lực lượng chức năng đã kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản nhiều lần yêu cầu không được hoạt động, nhưng quán này vẫn lét lút hoạt động dẫn đến sự cố đau lòng".

“Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị cá nhân từ phòng PC 64 là đơn vị trực tiếp hướng dẫn quận, huyện, thị, đặc biệt là quận Cầu Giấy, Công an phường đã làm quyết liệt, nhưng ý thức của doanh nghiệp, của người dân có vấn đề nên mới dẫn đến như thế. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thấy trách nhiệm của mình, để xảy ra như vậy là chưa đạt yêu cầu, chưa được như nguyện vọng của nhân dân. Năm 2016 đã cấp 2441 giấy chứng nhận an ninh trật tự cho các cơ sở kinh doanh có điều kiện, kiểm tra 1702 lượt cơ sở, phát hiện hơn 1000 cơ sở có vi phạm, đã phạt 6,4 tỷ đồng, thu hồi 31 giấy phép...” - ông Khương nhấn mạnh.

Chưa bằng lòng với câu hỏi của GĐ Công an Hà Nội, ông Nguyễn Hoài Nam tái chất vấn: “Tôi chưa thoả mãn với câu trả lời, vì kinh doanh karaoke không thể lén lút được, nếu không kiểm tra, không cho hoạt động thì không thể hoạt động được. Qua vụ cháy thì hầu hết các cơ sở khi được kiểm tra đều không đủ điều kiện PCCC, nhưng các đồng chí chỉ thu 50 giấy phép thì Công Thành phố làm chưa hết trách nhiệm. Đề nghị GĐ Công an TP thấy trách nhiệm của mình hơn nữa, chứ nếu ngày mai lại xảy ra cháy thì lại ngồi với nhau kiểm điểm trách nhiệm. Tôi chưa thấy hình bóng trách nhiệm của đồng chí GĐ.”

Làm rõ hơn về trách nhiệm của các cơ quan quản lý, GĐ sở Văn hoá - Thể thao Tô Văn Động cho biết, sau vụ cháy, Sở đã kiểm điểm trách nhiệm của  cơ quan có liên quan là phòng Quản lý văn hoá và thanh tra Sở. Chúng tôi đã kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các lãnh đạo và các cá nhân, toàn diện và nghiêm túc. Chúng tôi cũng đã có báo cáo đầy đủ với Thường trực Thành uỷ. Đây là một thiếu sót của ngành Văn hoá và thể thao, sau kiểm điểm, chúng tôi rút ra những bài học trong công tác quản lý lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến nhiều cấp nhiều ngành.”

Theo ông Động, hoạt động karaoke là hoạt động nhạy cảm, bị các cơ sở kinh doanh lợi dụng, có nhiều tiềm ẩn rủi ro như cháy nổ, an toàn, ma tuý, mại dâm.

“Chúng tôi luôn luôn rất lo lắng, mỗi lần nghe nói cháy hay bắt chỗ này chỗ kia là chúng tôi giật mình. Một số chủ cơ sở bất chấp pháp luật, lách luật giỏi, công tác kiểm tra thanh tra rất khó khăn, các chủ kinh doanh luôn muốn đầu tư ít nhưng lợi nhuận nhiều, như đèn chất lượng kém, không chịu mua đèn có chất lượng, đắt tiền nên nguy cơ cháy nổ cao” - ông Động nói.

GĐ Sở VH-TT cũng thừa nhận, đâu đó có thể có cán bộ cơ quan nhà nước tiếp tay cho nên được hướng dẫn thực hiện quy định khéo léo, đánh đố các cơ quan điều tra, lại hoạt động chủ yếu vào ban đêm nên khó kiểm tra; luôn luôn các lần thanh tra, các cơ sở toàn biết trước thông tin, đến thấy rất sạch sẽ nhưng sau lại đâu vào đó; dịch vụ văn hoá karaoke lại có quy định xử phạt rất thấp, chủ kinh doanh sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục hoạt động, không có tính chất răn đe.

Ông Động cũng cho biết, biển hiệu karaoke không phải là biển quảng cáo mà là biển hiệu, và theo quy định thì quận huyện chịu trách nhiệm, sở chỉ chịu trách nhiệm hướng dẫn và đã làm tốt.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đã phải nhắc nhở: đề nghị trả lời thẳng vào vấn đề, vì quảng cáo tấm lớn là trách nhiệm của Sở.

Ông Nguyễn Hoài Nam tiếp tục tái chất vấn: “Có một việc đồng chí GĐ Sở chưa trả lời, đó là trách nhiệm xử lý của sở VH-TT như phó GĐ phụ trách karaoke, phụ trách lĩnh vực biển quảng cáo..., khi để hầu hết biển hiệu biến thành biển quảng cáo, việc xử lý trách nhiệm tham mưu và xử lý cán bộ như thế nào? Sở đã bao nhiêu lần chuyển các hồ sơ sai phạm cho cơ quan công an?”.

Trả lời câu hỏi này, ông Động cho biết: “Chúng tôi đã có báo cáo kiểm điểm trách nhiệm cá nhân nhưng chưa được Thường trực thành uỷ thông qua, chúng tôi hết sức nghiêm túc và cầu thị trong việc kiểm điểm trách nhiệm".

Trả lời về trách nhiệm của mình, GĐ Sở Cảnh sát PCCC Hoàng Quốc Định khẳng định, sau vụ cháy, Sở đã rút kinh nghiệm trong toàn lực lượng về việc để dẫn ra hậu quả nghiêm trọng.

Hoàng quốc Định
Giám đốc sở Cảnh sát PCCC Hoàng Quốc Định

“Qua kiểm điểm, chúng tôi đã xử lý trách nhiệm đối với 3 cá nhân. Chúng tôi tính toán đến cả luân chuyển địa bàn để đảm bảo khách quan và trách nhiệm cao nhất. Năm qua, mặc dù có nhiều cố gắng, làm nhiều việc, chúng tôi tự rút các danh hiệu thi đua, bằng khen giấy khen lẽ ra chúng tôi đã đề nghị và xứng đáng” - ông Định thông tin.

Về PCCC tại các khu chung cư, nhà cao tầng, ông Định khẳng định Sở đã thường xuyên kiểm tra hướng dẫn thực hiện quy định về PCCC, phát hiện và xử lý vi phạm, kiến nghị kịp thời với chủ đầu tư, cơ sở, cơ quan chủ quản có trách nhiệm. “Để giải quyết vấn đề này, về khách quan liên quan đến kinh phí, việc cải tạo các công trình vi phạm không đơn giản. Qua bài học kinh nghiệm trong vấn đề quyết liệt và trách nhiệm của lực lượng, năm 2016, số lần và số tiền xử phạt đều tăng, nói lên điều gì đó về kết quả, trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt của chúng tôi chứ không chỉ hô hào hình thức. Đề nghị các đồng chí nhìn nhận, đánh giá cho thoả đáng. Đã có quyết liệt, có quyết tâm, năm sau tốt hơn năm trước" - GĐ Sở CS PCCC nói.

Trước câu trả lời của ông Định, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc hỏi lại: Đồng chí nói là đã quyết liệt, đã có trách nhiệm, thế sao trong báo cáo lại tự nhận là chưa quyết liệt? Năng lực chưa tốt?

Sau phần hỏi và trả lời chất vấn, bà Ngọc nhấn mạnh, các đại biểu đã rất quan tâm, tái chất vấn là thể hiện trách nhiệm với cử tri, với nhân dân trước tình trạng năm qua toàn địa bàn Thành phố đã có tới 831 vụ cháy trong năm 2016, tăng 55 vụ, tăng 3 vụ cháy nghiêm trọng, 11 người chết, tăng thiệt hại 40 tỷ đồng. 

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc