Hà Nội sắp xét xử hàng loạt vụ án tham nhũng, rửa tiền lớn

14:23, 05/12/2016
|

(VnMedia) - Hàng loạt vụ án lớn như: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty cổ phần Đại Dương; Vụ án “Tham ô tài sản”, “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty Vinashin... sẽ được đưa ra xét xử trong thời gian tới.

Nguyễn Hữu Chính
Chánh án TAND thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính

Sáng 5/12, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội khoá 15, Chánh án toà án nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết, năm 2016, toà án hai cấp đã tập trung giải quyết tốt các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng, xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ án tham nhũng đã đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm và phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị.

Trong đó, có nhiều vụ án lớn, phức tạp được dư luận quan tâm như: vụ án Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Hà Nội; vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty đường sắt Việt Nam...

Về phương hướng hoạt động của năm 2017 và những năm tới, trước mắt phải giải quyết tốt các vụ án được Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng quan tâm thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án Nhân dân TP Hà Nội trong quý IV năm 2016 và quý I/2017 như: Vụ án “Cố ý làm trí quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả  nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty In, Thương mại và Dịch vụ Agrigank; Vụ án “Đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng đường thuỷ Việt Nam; Vụ án “Tham ô tài sản”, “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty Vinashin; Đặc biệt, vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại Cổ phần Đại Dương...

Cũng tại phiên làm việc sáng nay, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội trong báo cáo về công tác kiểm sát đã khẳng định, Viện kiểm sát đã triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ công tác của ngành kiểm sát nhân dân năm 2016 và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, trong năm 2016, VKS đã kiểm sát việc bắt, tạm giữ 7.566 đối tượng, chuyển khởi tố hình sự 7.510 người, đạt tỷ lệ 99,86%. VKS hai cấp thụ lý kiểm sát điều tra 8.427 vụ/13.204 bị can (khởi tố mới 6.335 vụ/9.706 bị can). Viện đã ban hành 7.057 bản yêu cầu điều tra, hủy bỏ quyết định khởi tố 8 vụ, hủy 1 quyết định không khởi tố vụ án, yêu cầu CQĐT hủy bỏ quyết định khởi tố 1 vụ, hủy bỏ quyết định khởi tố 41 bị can; yêu cầu CQĐT thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố 5 vụ/6 bị can, yêu cầu CQĐT khởi tố 66 vụ 51 bị can...

Xử lý tin báo tội phạm chưa nghiêm túc, thiếu chủ động

Báo cáo thẩm tra tình hình chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp năm 2016 do ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND Thành phố trình bày đánh giá, ngoài những kết quả tích cực đã đạt được trong năm qua thì công tác theo dõi, xử lý tin báo tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn thiếu chủ động, chưa nghiêm túc thực hiện giải quyết theo đúng quy định đối với một số tin báo;

Kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm ở một số loại tội như kinh tế, tham nhũng, ma tuý, môi trường chưa đáp ứng với tình hình thực tế; có tình trạng vi phạm về thủ tục điều tra như: vi phạm trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, thời hạn điều tra...; có việc huỷ bỏ quyết định khởi tố.

Ông Nguyễn Hoài Nam cũng nhận xét, chất lượng kiểm sát điều tra và tranh tụng của kiểm sát viên tại toà án ở một số vụ án vẫn chưa đảm bảo yêu cầu nhất là ở cấp huyện; tình trạng án để quá hạn, án bị huỷ, tuyên không rõ, việc vi phạm về thời hạn thụ lý vụ án, thời hạn xét xử đối với bản án, quyết định sơ thẩm... vẫn chưa dược khắc phục; một số vụ điều tra thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ không đầy đủ và chưa toàn diện; còn tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung không có căn cứ pháp luật...

Ban Pháp chế HĐND Thành phố đề nghị, các cơ quan tư pháp cần coi trọng và tăng cường công tác dự báo, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm mới...; tiếp tục đề cao đạo đức nghề nghiệp và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ,  nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan tư pháp, luật sư... nhằm đáp ứng yêu cầu công tác cải cách Tư pháp.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc