TP HCM: Số ca nhiễm vi rút Zika tiếp tục tăng

09:11, 07/11/2016
|

(VnMedia) - Với những diễn biến phức tạp khi tình trạng số ca nhiễm Zika trên địa bàn tiếp tục tăng, hiện nay, TP.HCM đang tăng cường những biện pháp để ứng phó với dịch bệnh này.

Trung tâm Y tế dự phòng quận 2 tổ chức phun thuốc diệt muỗi tại phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2, TP.HCM).
Trung tâm Y tế dự phòng quận 2 tổ chức phun thuốc diệt muỗi tại phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2, TP.HCM).

Số ca nhiễm tiếp tục tăng

Trước tình trạng số ca nhiễm Zika trên địa bàn tiếp tục tăng, chiều 6/11, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp khẩn với các sở ngành liên quan và lãnh đạo 24 quận huyện.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, đến ngày 6/11, trên địa bàn TP đã phát hiện 29 ca dương tính với vi rút Zika. Số liệu thống kê cho thấy, các ca bệnh này xuất hiện tại 19 phường của 11 quận, huyện. Bao gồm: Quận 2, quận 4, quận 5, quận 9, quận 10, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Tân Phú, quận Bình Tân và các huyện Hóc Môn, Cần Giờ.

Theo lãnh đạo TP, đến thời diểm này mặc dù đã có đến 29 ca nhiễm vi rút Zika trên địa bàn, nhưng một số nơi còn lơ là chưa tích cực xử lý các ổ bệnh vì thế đã xuất hiện các ca mắc mới.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Thu thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai phòng chống dịch bệnh tại các địa phương vẫn chưa sát sao, nhất là ở cấp xã, phường.Theo đó, bà Nguyễn Thị Thu đề nghị các quận huyện tăng cường cho công tác kiểm tra việc thực hiện sự chỉ đạo của mình đối với phường xã và thị trấn.

Trước đó, trong cuộc họp với UBND TP.HCM vào chiều ngày 3/11, đại diện viện Pasteur TP.HCM cũng nhìn nhận, vi rút Zika và sốt xuất hiện có thể phát triển thành dịch nếu không xử lý hiệu quả.

Bởi lẽ, địa bàn TP dân số đông, khách vãng lai nhiều, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhà ở xen kẽ khoảng trống khiến mật độ muỗi cao. Đặc biệt các biện pháp phòng chống của TP chưa đủ hiện đại để theo dõi và giám sát dịch bệnh.

Ghi nhận những thông tin này, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã yêu cầu UBND TP chỉ đạo cấp các ngành, đoàn thể ở TP phát động toàn dân tham gia diệt mỗi, lăng quăng vào những ngày cuối tuần. Đồng thời xem xét bổ sung kinh phí một cách hợp lý, minh bạch cho công tác phòng, chống dịch. 

Thai phụ khám sức khỏe được tư vấn thông tin tại bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM).
Thai phụ khám sức khỏe được tư vấn thông tin tại bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM).

Tăng cường tầm soát Zika cho thai phụ

Theo PGS. TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, trong số những ca nhiễm vi rút Zika thì đáng lo ngại nhất có 4 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm Zika và một phụ nữ bị nhiễm bệnh khi đang mang thai dưới 3 tháng.

Trước việc phát hiện 4 phụ nữ đang mang thai nhiễm Zika, Sở Y TP cho biết sẽ sớm ban hành quy trình chung về chăm sóc thai phụ nhiễm Zika tại Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM.

Trong khi đó, các bệnh viện phụ sản như Từ Dũ, Hùng Vương cũng đã thành lập các lớp tư vấn tiền sản cho thai phụ và phụ nữ sắp mang thai. Thai phụ sẽ được trang bị đầy đủ các kiến thức cũng như phương pháp phát hiện các dấu hiệu bất thường trong thai kỳ, nhất là khi bệnh Zika đang lan rộng như hiện nay.

Lo lắng với tình hình dịch bệnh Zika, thai phụ Nguyễn Bá Niên (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) đã nhanh chóng đến bệnh viện để được tư vấn cách phòng tránh bệnh do vi rút Zika.

Chị Niên cho biết: “Sau khi nghe thông tin em bé mắc dị tật đầu nhỏ ở Đăk Lăk liên quan đến vi rút Zika, tôi rất lo. Tuy nhiên, sau khi đến đây, được bác sĩ tư vấn thì cũng đỡ lo hơn nhưng tôi vẫn không chủ quan, vẫn thực hiện các biện pháp phòng tránh muỗi như mặc áo dài tay, ngủ mùng, thoa kem chống muỗi”.

Trong khi đó, những ngày qua, Khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ đã tiếp nhận rất nhiều lượt thai phụ đến tìm hiểu về những vấn đề liên quan đến vi rút Zika.

Hiện tại, bệnh viện này đang xây dựng các quy trình tư vấn liên quan đến Zika cũng như quy trình của công tác chẩn đoán, tiêu chuẩn xác định về tật đầu nhỏ, nội dung và cách thức tư vấn một cách rõ ràng, cụ thể tránh gây hoang mang cho người dân và thai phụ.

Bác sĩ Trần Ngọc Hải (PGĐ Bệnh viên Từ Dũ) cho biết thêm: “Nếu bệnh nhân bị sốt, bị bệnh trong 3 tháng đầu là chúng tôi phải hỏi. Những người nói là trong mấy ngày qua tôi có sốt, có nóng lạnh và chảy nước mắt, chảy nước mũi, đau khớp như vậy thì nó giống như các trường hợp mà chúng ta bị cúm hoặc là bị siêu vi.

Nếu có những dấu hiệu, chúng tôi sẽ tư vấn cho bệnh nhân cái nào thuộc về nhóm có khả năng bị nhiễm. Nếu phát hiện triệu chứng chúng tôi tư vấn cho bệnh nhân là đi thử, làm xét nghiệm gửi viện Pasteur”.

Đã lập 6 đoàn kiểm tra hoạt động phòng chống dịch Zika

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM ngày 2/11 cũng cho biết, đã thành lập 6 đoàn kiểm tra hoạt động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết tại các quận, huyện trên toàn địa bàn.  Để phòng chống bệnh do vi rút Zika, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM khuyến cáo người dân cần tăng cường diệt muỗi, diệt loăng quăng, tránh bị muỗi đốt, đặc biệt là thai phụ hoặc các phụ nữ đang có ý định mang thai.

Hữu Nguyên


Ý kiến bạn đọc