Luật phòng chống tác hại của rượu bia bị "ru ngủ"

06:45, 14/11/2016
|

(VnMedia) - Trước trực trạng lạm dụng bia rượu và những tác hại khôn lường của nó, đáng lý ra, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia phải sớm được trình Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, nếu nhanh nhất, phải đến năm 2018 dự thảo mới được trình ra Quốc hội. 

Tác hại của rượu bia
Tỷ lệ nam giới hiện uống rượu bia của Việt Nam cao hơn mặt bằng chung của toàn cầu

Phát biểu tại buổi hội thảo góp ý cho “luật phòng, chống tác hại của rượu bia", bác sĩ Nguyễn Trọng An cho biết, Dự thảo luật đã làm “đến bao nhiêu lần rồi” nhưng vẫn chưa trình ra Quốc hội được trong khi hiện nay, vấn đề sử dụng tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam rất đáng báo động, ảnh hưởng tác hại đến sức khoẻ nhân dân, là mầm mống gây ra các bệnh không lây nhiễm.

“Cần có một văn bản ở mức cao là luật, mà cụ thể là luật phòng chống tác hại của rượu bia" - BS An nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, sở dĩ luật phòng, chống tác hại của rượu bia chưa thực sự được coi trọng và chậm trễ là bởi bị “ru ngủ” bởi con số trung bình. Theo TS, BS Trần Quốc Bảo (Cục Y tế dự phòng), tính trung bình trên đầu người, người Việt Nam tiêu thụ rượu bia ở mức rất cao, xếp thứ hai trong các nước Đông Nam Á và xếp thứ 10 châu Á. Tuy nhiên, cả BS Bảo và nhiều ý kiến trong Hội thảo, cho rằng con số trung bình này vẫn chưa phản ánh đúng bản chất của việc uống rượu bia ở Việt Nam.

Ở nhiều nước phụ nữ cũng uống rượu bia, còn ở Việt Nam, lượng rượu bia chủ yếu chia cho đàn ông. Và nếu như vậy, con số trung bình nếu tính trên những người uống sẽ cao hơn con số trung bình đưa ra hiện nay rất nhiều. Hơn nữa, ở các nước, số lượng được uống phần nhiều là rượu vang, rượu nhẹ, còn ở Việt Nam, lượng rượu tự nấu với chất lượng không đảm bảo, có giá rẻ và rấtdễ mua là không thể kiểm soát, khiến cho mối nguy hại đối với sức khỏe từ rượu lại càng lớn.

“Tỷ lệ nam giới hiện uống rượu bia của Việt Nam cao hơn mặt bằng chung của toàn cầu và của các khu vực. Gần một nửa nam giới trưởng thành của Việt Nam đã uống rượu bia ở mức nguy hại” - Bác sĩ Trần Quốc Bảo dẫn chứng nguồn điều tra quốc gia STEPS năm 2015 của Cục Y tế dự phòng và báo cáo toàn cầu về rượu bia và sức khỏe năm 2014.

BS Bảo
TS, BS Trần Quốc Bảo (Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế)

Những khoảng trống pháp luật

BS Trần Thị Trang, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) phân tích một khía cạnh khác, đó là hiện nay, mức tiêu dùng bia rất cao, trong khi kiểm soát quy định với mặt hàng này chưa có, đặc biệt là truyền thông đang coi bia như là đồ uống giải khát, bổ dưỡng làm cho người dân hiểu rằng, bia hoàn toàn không có hại cho sức khoẻ, thậm chí có lợi.

Theo bà Trang, việc không cấm quảng cáo bia (kể cả bia trên 15 độ) là một khoảng trống pháp luật.

Đồng ý với quan điểm này, BS, thạc sĩ Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, luật pháp của chúng ta hiện nay còn thiếu các quy định về kiểm soát đối với bia, đặc biệt là vấn đề quảng cáo, khuyến mại và tài trợ đối với rượu bia còn chưa được kiểm soát chặt.

Về vấn đề quản lý sản xuất, kinh doanh bia, BS Hoàng Anh phân tích, luật pháp hiện vẫn còn thiếu các quy định về quản lý sản xuất bia, trong đó sản xuất, kinh doanh bia vẫn được quản lý như thực phẩm thông thường trong khi đây là hàng hóa có ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

BS Hoàng Anh cũng cho rằng, các quy định về hạn chế tính sẵn có và nhu cầu sử dụng rượu, bia còn thiếu rất nhiều. Luật pháp của Việt Nam cũng mới chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, còn các loại bia và rượu dưới 16 độ không được hạn chế về đối tượng tiếp cận, nội dung, thời gian và không gian…

Bà Hoàng Anh cũng chỉ ra một khoảng trống pháp luật rất đáng quan tâm, đó là chỉ cấm tài trợ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động chăm sóc sức khỏe và các hoạt động xã hội khác có gắn với việc quảng cáo các sản phẩm rượu, nhưng việc tài trợ của các thương nhân sản xuất, kinh doanh bia chưa được điểu chỉnh…

Tại Hội thảo, các tổ chức tham gia Hội thảo đã nhất trí sẽ có một bức thư kiến nghị về việc cần sớm ban hành Luật Phòng chống tác hại rượu bia, trong đó dự kiến, sẽ kiến nghị Quốc hội sớm đưa “Luật phòng chống tác hại rượu bia” vào chương trình nghị sự xây dựng Luật năm 2017 của Quốc hội.

Nội dung bức thư cũng cũng kiến nghị Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cần có những điều khoản liên quan tới kiểm soát quảng cáo khuyến mại và tài trợ và kiểm soát bán lẻ với nội dung mạnh, đồng thời nghiên cứu và xem xét việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá và rượu bia.

Theo thông tin được BS Trang đưa ra tại hội thảo, nếu tháng 12 này dự thảo luật phòng chống tác hại của rượu, bia được hoàn chỉnh thì nhanh nhất cũng phải đến năm 2018, dự thảo mới được trình ra Quốc hội lần đầu tiên.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc