Đại biểu Quốc hội đề nghị mạnh tay, đuổi việc công chức vi phạm

10:26, 02/11/2016
|

(VnMedia) - Thảo luận tại hội trường sáng nay (2/11), đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ và sự chuyển biến của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, tuy nhiên, bộ máy thực thi công vụ vẫn chuyển động chậm chạp, cần phải có biện pháp mạnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu đánh giá, lãnh đạo cấp trên, từ lãnh đạo Chính phủ đến lãnh đạo cấp tỉnh đã chuyển biến rất mạnh mẽ, nhưng bộ máy thực thi công vụ, kể cả Trung ương và địa phương chuyển động chậm chạp, kỷ luật không nghiêm.

Cho biết Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 26 ngày 5/9/2016 về tăng cường kỷ luật kỷ cương bộ máy hành chính nhà nước, nhưng theo đại biểu Cầu, để chỉ thị đi vào cuộc sống, cần phải tiến hành mạnh mẽ thêm một số nội dung: Chuyên cần học tập, thấm nhuần sâu sắc mạnh mẽ căn bản về nhận thức trách nhiệm của cán bộ công chức khi thực thi công vụ; ban hành quy định xử lý kỷ luật ngắn gọn thông thoáng nghiêm minh, chấm dứt ngay tình trạng cán bộ vi phạm rõ ràng mà cả năm không xử lý được.

Đặc biệt, đại biểu Cầu đề nghị “mạnh tay, kể cả đuổi việc một số trường hợp vi phạm để răn đe giáo dục, làm gương cho mọi người, để nâng cao chỉ số lòng tin làm yên lòng người dân và doanh nghiệp.”

Cùng quan điểm này, đại biểu Hoàng Duy Trinh (đoàn Bắc Kạn) đề nghị Chính phủ tập trung cải cách bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, nhất là kỷ cương, kỷ luật đối với đội ngũ cán bộ công chức, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý những trường hợp vi phạm.

Xử nghiêm cá nhân góp phần làm "nợ chồng lên nợ"

Về kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn tới, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nhìn nhận, Thủ tướng và Chính phủ đã rất nỗ lực, quyết tâm cao. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu tăng trưởng không đạt, nợ công tăng cao và áp lực trả nợ lớn…

“Dù nguyên nhân nào thì đó cũng là những sự thật cần tính toán bước đi cho kỹ trong năm 2017 và những năm tiếp theo” - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh.

Bày tỏ sự ấn tượng, đánh giá cao và tin tưởng vào Chính phủ mới vì “đã tìm thấy những dấu hiệu rất mới, trong định hướng và phương châm hoạt động của Chính phủ", đại biểu Cầu nói: “Tôi kỳ vọng và mong muốn những ấn tượng tốt đẹp đó sẽ nhân lên trong nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước khi Chính phủ điều hành nền kinh tế - xã hội năm 2017 và những năm tiếp theo vượt qua khó khăn thách thức, đưa nước ta tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn”.

Cho biết, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, quản lý sử dụng tài sản công lãng phí là mối quan ngại của nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội, đại biểu tỉnh Nghệ An đề nghị năm 2017 phải siết chặt quản lý ngân sách, quản lý chặt hơn nữa nợ công.

“Tôi trân trọng đề nghị Quốc hội không chỉ siết chặt nợ công mà còn giao cho Chính phủ phấn đấu làm giảm nợ công, phải giao cả cận trên và cận dưới của giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể nợ công không quá 65% GDP, đến 2020 không quá 63%; nợ Chính phủ không quá 53%, đến 2020 không quá 50%GDP; nợ nước ngoài quốc gia không quá 50%GDP, đến năm 2020 không quá 47%; Có như vậy cử tri cả nước mới yên lòng” - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị.

Nêu một số trường hợp cụ thể, đại biểu Cầu cho biết, hiện nay, ngân sách đầu tư phát triển rất ít, chủ yếu đi vay, nhưng qua nghiên cứu 5 dự án được Chính phủ giao cho các tập đoàn, tổng Công ty nhà nước, ông "vô cùng lo lắng", trong đó các dự án là nhà máy sợi Đình Vũ, nhà máy nhiên liệu Methanol của Dung Quất, nhà máy giấy Phương Nam, nhà máy Đạm Ninh Bình đã lỗ 7.300 tỷ đồng; nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, vốn đầu tư ban đầu là 3.483 tỷ đồng, nay nâng lên 8.104 tỷ đồng (tăng 4.261 tỷ đồng).

"Chính phủ cần tập trung chỉ đạo xử lý sớm, nếu không nợ chồng lên nợ, đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân tổ chức để xảy ra tình trạng này và báo cáo cho Quốc hội biết" - đại biểu Cầu đề nghị.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc