Xử lý thế nào vụ bắn tử vong các bảo vệ rừng?

16:10, 24/10/2016
|

(VnMedia) - Theo luật sư, những đối tượng dùng súng tự chế bắn đạn hoa cải bắn chết cho các nhân viên Công ty TNHH Lâm Sơn thì ngoài phải chịu trách nhiệm về Tội giết người thì còn phải chịu trách nhiệm về Tội tàng trữ vũ khí quân dụng.

Các nạn nhân được cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: Tuệ Lâm
Các nạn nhân được cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: Tuệ Lâm

Như tin đã đưa, sáng 23/10, trong khi các nhân viên bảo vệ rừng của Công ty TNHH Long Sơn dùng máy ủi để san ủi đất rẫy tại Tiểu khu 1536 (thuộc lâm phần của Công ty) thì xảy ra tranh chấp với một số người dân địa phương. Một số đối tượng quá khích đã sử dụng gậy gộc, dao, rựa và súng tự chế tấn công vào các nhân viên bảo vệ rừng của Công TNHH Long Sơn. Khi sự việc trở nên căng thẳng thì một số đối tượng đã dùng súng tự chế bắn đạn hoa cải làm chết 03 người và 15 người bị thương.

Các nhân viên tử vong được xác định là: Dương Văn Tiến (SN 1992, quê ở Ninh Thuận); Điểu Vinh (SN 2000) và Điểu Tèo (SN 1991, cùng ngụ tại Bình Phước). Cả 3 điều là nhân viên của Công ty TNHH Long Sơn.

Về vụ việc trên, theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội): Các tranh chấp, khiếu nại về đất đai luôn là vấn đề nóng bỏng chiếm phần lớn các vụ tranh chấp, khiếu nại trên địa bàn cả nước. Mặt khác, các tranh chấp về đất đai nếu không được giải quyết triệt để thì sẽ gây ra những hậu quả rất lớn về mặt xã hội. Nhiều vụ việc xảy ra liên quan đến tranh chấp đất như gây rối trật tự công công, mất an ninh trật tự trên địa bàn và thậm chí còn xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người dân và các lực lượng thực thi pháp luật.

Vụ việc xảy ra sáng ngày sáng 23/10 là vụ án giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng xảy ra trên địa bàn với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong cùng một thời điểm, hành vi phạm tội của các đối tượng đã xâm phạm đến 04 khách thể Bộ luật hình sự bảo vệ đó là quyền sống của con người; sức khỏe của con người; trật tự trị an và chính sách độc quyền quản lý vũ khí của Nhà nước.

"Dù cho giữa các hộ dân với Công ty TNHH Long Sơn có tranh chấp đất rẫy tại tiểu khu 1536 (thuộc lâm phần của Công ty) nhưng hành vi của các đối tượng đã dùng vũ lực để đòi quyền lợi là hành vi không đúng pháp luật" - luật sư Thơm khẳng định.

Luật sư Thơm cho biết: Xét tính chất mức độ phạm tội của các đối tượng tham gia tụ tập, dùng hung khí và vũ khí tấn công các cán bộ Công ty TNHH Long Sơn thì thấy rằng, các đối tượng đã chuẩn bị súng tự chế và dùng súng này bắn chết các cán bộ Công ty Lâm Sơn đã có dấu hiệu phạm Tội giết người. Một số đối tượng khác dùng gậy guộc, dao rựa tham gia đuổi đánh các cán bộ Công ty Lâm Sơn nếu gây tổn hại đến sức khỏe thì có dấu hiệu phạm Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Một số đối tượng có tham gia đi cùng các đối tượng đòi đất nhưng có hành vi đuổi đánh, chửi bới các cán bộ nhưng không phải là những người gây thương tích hay gây ra cái chết cho các cán bộ Công ty thì có dấu hiệu phạm Tội gây rối trật tự công cộng.

Những đối tượng dùng súng tự chế bắn đạn hoa cải bắn chết cho các nhân viên Công ty TNHH Lâm Sơn thì ngoài phải chịu trách nhiệm về Tội giết người thì còn phải chịu trách nhiệm về Tội tàng trữ vũ khí quân dụng. Bởi lẽ, căn cứ Khoản 1 Điều 3 Nghị định 25/2012/NĐ-CP ngày 05/4/2012 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì súng Kíp được coi là vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng khi sử dụng có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ đối với con người, thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến môi trường.

Từ những nhận định nêu trên, theo quan điểm của luật sư, hành vi phạm tội của đối tượng gây án đã phạm Tội giết người; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác; Tội tàng trữ vũ khí quân dụng; Tội gây rối trật tự công cộng. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm a, n Khoản 1 Điều 93; Điều 104; Điều 230 và Điều 245 Bộ luật hình sự 1999.

Điều 93. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
n) Có tính chất côn đồ;

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Điều 230. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Gây hậu qủa nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;
b) Có tổ chức;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.

Khánh Công


Ý kiến bạn đọc