"Tiền đâu?" - thách thức khi muốn cải cách tiền lương

16:18, 12/10/2016
|

(VnMedia) - "Nhiều lần chúng ta bàn tới cải cách tiền lương, nhưng khi nói tới "Tiền đâu?" thì dừng. Đây là một thách thức phải vượt qua" - ông Thang Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Tại hội thảo khoa học “Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương” tổ chức tại Hà Nội hôm nay (12/10), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, trong thời gian qua, cải cách chính sách tiền lương luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, chính sách tiền lương là câu chuyện rất khó, liên quan tới rất nhiều cải cách hành chính, công vụ, công chức.

Phát biểu tai hội thảo, ông Thang Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ - một loại lao động đặc biệt - lao động quyền lực. Điều đó khiến cho các giá trị xã hội của người công chức bị giảm sút, hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất cho tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển, trở thành vấn nạn của quá trình phát triển đất nước.

Theo ông Phúc, cần phải sớm cải cách cơ bản chính sách tiền lương hiện nay. Tuy nhiên, ông Phúc thừa nhận: “Nhiều lần chúng ta bàn tới cải cách tiền lương, nhưng khi nói tới "tiền đâu?" thì dừng".

Nhấn mạnh đây là một thách thức phải vượt qua, ông Thang Văn phúc cho rằng, để có thể thực hiện được cải cách tiền lương, cần có bước đi cụ thể quá trình tiền tệ hoá tiền lương, đặc biệt là các thu nhập ngoài lương phải được kiểm soát.

“Nguyên tắc chủ đạo là phải có những bứt phá mới trong việc thiết kế lại hệ thống thang bảng lương đơn giản, phù hợp hơn. Phải tiến hành tổng rà soát, sắp xếp tinh giản tổ chức, biên chế nhà nước, tiến hành quyết liệt việc tách quản lý hành chính Nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước và sự nghiệp dịch vụ công” - ông Phúc nói.

hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo

Góp ý cho chính sách tiền lương, PGS.TS Trần Đình Thảo, Trưởng khoa Tổ chức và quản lý nhân lực, Đại học Nội vụ Hà Nội cho rằng, việc tăng lương tối thiểu nếu không dựa vào năng suất cùng việc ràng buộc lương tối thiểu với hệ thống an sinh sẽ tạo sức ép lên cả doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước, đồng thời thu nhập của người lao động cũng không thực sự được cải thiện.

TS Trần Đình Thảo đánh giá, do hệ số trung bình quá thấp nên chưa cải thiện được đời sống, chưa khuyến khích được cán bộ, công chức và người lao động dẫn đến hệ quả tiêu cực là người hưởng lương không sống được bằng lương, thu nhập ngoài tiền lương ở nhiều ngành, nghề, vị trí công tác, chức vụ ngày một cao, phức tạp, vượt khỏi tầm kiểm soát của Nhà nước.

Ông Thảo cũng nhấn mạnh, tiền lương thấp cũng là lý do dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám” từ khu vực Nhà nước sang khu vực ngoài quốc doanh, đồng thời là nguyên nhân khó thu hút nhân tài và gây nên các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, tạo lực cản trong cải cách hành chính.

Trong khi đó, TS Trần Xuân Cầu, nguyên Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý nguồn lực, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, chính sách tiền lương “giống như chiếc áo lâu ngày đang bục dần. Nó cần được thay thế nhanh để thay đổi diện mạo của một con người.”

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc