Hà Nội tổng kiểm tra việc xả nước thải ra Hồ Tây

11:16, 13/10/2016
|

(VnMedia) - UBND quận Tây Hồ ngày 12/10 cho biết sẽ thành lập một tổ công tác liên ngành do một Phó chủ tịch UBND quận làm trưởng đoàn thực hiện tổng rà soát đối với các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi xả thải ra Hồ Tây.

xả thải hồ try
Hà Nội tổng kiểm tra tình trạng xả nước thải ra Hồ Tây
Như VnMedia đã đưa tin, Hà Nội đã đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng cho hệ thống thu gom, xử lý nước thải Hồ Tây. Hệ thống này do Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng thương mại Phú Điền đầu tư theo hình thức BT.

Nhà máy có công suất 15.000m3/ngày, được xây dựng từ năm 2010-2012; Hệ thống thu gom nước thải trị giá 312 tỷ cũng do Công ty Phú Điền đầu tư theo hình thức BT từ năm 2015, hoàn thành vào tháng 8/2016.

Ngoài ra, khi thực hiện làm đường, kè quanh Hồ Tây, Hà Nội cũng đã giao chủ đầu tư của dự án này (Ban quản lý hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây) xây dựng một hệ thống cống thu gom nước thải quanh Hồ Tây với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Hệ thống này hiện vẫn do Ban quản lý hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây quản lý, duy trì.

Tuy nhiên, điều đáng nói là cho đến nay, gần như chưa có đơn vị nào đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải này. Những nhà quanh khu vực hàng ngày đều đổ khối lượng nước thải cực lớn, trong đó có các hóa chất tẩy rửa vệ sinh độc hại xuống hồ.

Ngày 12/10, đại diện UBND quận Tây Hồ cũng thừa nhận, mặc dù quận nắm được số liệu về nhà hàng, khách sạn ven hồ, tuy nhiên đến thời điểm này Quận chưa xác minh được chính xác nước thải của cơ sở nào đã qua xử lý và đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải chung, đơn vị nào chưa đấu nối mà xả trực tiếp xuống hồ.

Trước đó, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cũng xác nhận hiện có khoảng 30 đường cống thoát nước xả thải trực tiếp ra Hồ Tây. Trong số này có 7 cống lớn, hơn 20 cống nhỏ như: Cống sau công viên nước Hồ Tây, cống sau nhà hàng Sen Tây Hồ, cống Xuân La (CLB Du thuyền), cống Đõ (mương Thụy Khuê), cống sau trường THPT Chu Văn An, cống Tàu Bay (số 2 Thụy Khuê) và cống đầu dốc Khách sạn Sheraton…

Trước thực tế đó, UBND quận Tây Hồ ngày 12/10 cho biết sẽ thành lập một tổ công tác liên ngành do một Phó chủ tịch UBND quận làm trưởng đoàn thực hiện tổng rà soát đối với các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi xả thải ra Hồ Tây.

Mục đích của tổ công tác là kiểm tra rà soát hệ thống xả thải của các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, từ đó tiến hành đấu nối với hệ thống thu gom nước vừa được hoàn thiện để xử lý, tránh việc xả thải trực tiếp xuống hồ.

Đã từng kiểm tra nhưng vẫn để xảy ra sự cố

Một điều đáng chú ý, tại Hồ Tây hiện có hai hệ thống thu gom nước thải do hai đơn vị khác nhau quản lý và không đồng bộ với nhau, trong đó hệ thống thu gom của nước thải do Ban quản lý hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây quản lý vẫn gom nước thải của một số đơn vị và xả vào Hồ Tây. Còn hệ thống thu gom nước thải do Công ty Phú Điền đầu tư thì vừa được hoàn thiện, chưa có đơn vị nào đấu nối vào.

Hồi năm 2012, UBND quận Tây Hồ đã thực hiện Đề án điều tra, đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường nước, hệ sinh thái lòng hồ Tây. Kết quả điều tra tại thời điểm đó cho thấy mỗi ngày Hồ Tây nhận khoảng 10.000 m3 nước thải sinh hoạt. Chất lượng môi trường nước thay đổi rõ rệt, độ đục của nước hồ Tây khá cao, có chỗ chuyển màu đen và gây mùi hôi khó chịu về mùa hè.

Đặc biệt, lần đánh giá hiện trạng đó đã phát hiện chất lượng nguồn nước thải tại cống trước khi đổ vào hồ đều ở mức ô nhiễm nặng. Chất lượng bùn đáy tại các khu vực xung quanh các cống thải bị nhiễm bẩn dầu mỡ và kim loại nặng như Pb, Cu, Hg (chì, đồng, thủy ngân) vượt quá giới hạn cho phép nhiều lần. Tuy nhiên sau đó, Thành phố đã không có một biện pháp khẩn cấp nào để ngăn chặn tình trạng nói trên và đến đầu tháng 10 vừa qua thì xảy ra hiện tượng cá chết nhiều chưa từng có, với số lượng lên đến vài trăm nghìn tấn.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc