Cố ý phạm tội nghiêm trọng, trẻ em có nên bị xử lý hình sự?

18:06, 22/10/2016
|

(VnMedia) - Góp ý cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, nhiều đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” do lo ngại sự gia tăng tình trạng tội phạm ở trẻ em...

Đại biểu Quốc hội
Các Đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày trước Quốc hội, trong quá trình soạn thảo, góp ý, vấn đề liên quan đến trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi còn nhiều ý kiến khác nhau.

Theo đó, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, quy định tại khoản 2, điều 12 của BLHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với một số tội.

Cụ thể, trẻ ở độ tuổi này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự cả đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng như tội: Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, có một số ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như tinh thần quy định của BLHS năm 1999 nhưng trong phạm vi những tội danh cụ thể được liệt kê tại khoản 2, điều 12 của BLHS năm 2015.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, đây là chính sách mới, được Quốc hội khóa XIII thông qua, vì vậy, không nên đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung quy định này.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ nhận thấy, về cơ bản khoản 2, điều 12 của BLHS năm 2015 đã kế thừa chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội được ghi nhận trong BLHS năm 1999, đồng thời cụ thể hóa thêm một bước theo hướng thu hẹp phạm vi xử lý hình sự đối với đối tượng này.

Tuy nhiên, tại Dự thảo luật có 3 trường hợp mở rộng hơn phạm vi trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi so với quy định của BLHS năm 1999. Đó là, đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự cả đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng thuộc 3 tội danh: Cố ý gây thương tích, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

“Nhìn trong tổng thể chính sách xử lý hình sự thì quy định này chưa thể hiện nhất quán chủ trương nhân đạo hóa trong chính sách hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.” – ông Long nói.

Do vậy, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng kế thừa quan điểm của BLHS năm 1999 là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chỉ giới hạn trong một số tội danh cụ thể nhằm bảo đảm tính nhất quán trong chủ trương nhân đạo hóa chính sách hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Đối với vấn đề này, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết, đa số ý kiến UBTP tán thành với loại ý kiến thứ nhất của Chính phủ, theo đó không xử lý hình sự hành vi “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”, “hiếp dâm”, “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bởi quy định này bảo đảm phù hợp với chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng và quan điểm xuyên suốt trong các BLHS từ trước đến nay của Nhà nước ta.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đây là vấn đề có liên quan đến chính sách hình sự đã được Quốc hội khóa XIII thông qua. Bên cạnh đó, thời gian qua, hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong học đường, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện có xu hướng gia tăng… nên cần thiết phải giữ quy định này để giáo dục, cải tạo người phạm tội và nâng cao tính phòng ngừa, răn đe.

Về phạm vi các tội mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, đa số ý kiến UBTP tán thành với quy định của BLHS năm 2015 về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ với một số tội phạm thuộc trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng như đã được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 và cho rằng, quy định này cũng nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa nguyên tắc “những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu” đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị giữ lại phạm vi các tội phạm mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đã được BLHS năm 1999 quy định là: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” mà không liệt kê một số tội phạm cụ thể như BLHS năm 2015. Quy định này bảo đảm tính công bằng trong xử lý tội phạm cũng như bảo đảm xử lý được hành vi của người đã thành niên đồng phạm với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội trong một số trường hợp cụ thể, hoặc hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau nói trên đã được các đại biểu thảo luận tại tổ chiều 21/10, trong đó vẫn có ý kiến băn khoăn về hiện tượng trẻ hoá không chỉ với trẻ phạm tội mà còn trẻ hoá cả những kẻ cầm đầu các băng nhóm tội phạm. Ngoài ra, có ý kiến còn lo lắng về thực tế có những tổ chức khủng bố đã nhắm vào đối tượng trẻ em không phải chịu trách nhiệm hình sự để huấn luyện, sử dụng vào mục đích khủng bố. Do vậy, nhiều đại biểu tiếp tục đề nghị giữ lại phạm vi các tội phạm mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đã được BLHS năm 1999 và không liệt kê một số tội phạm cụ thể như BLHS năm 2015.

Dự thảo luật sẽ tiếp tục được các đại biểu thảo luận tại hội trường vào ngày 26/10 trước khi bấm nút thông qua vào ngày 23/11, ngày cuối cùng của Kỳ họp này.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc