Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7%

14:45, 20/10/2016
|
(VnMedia) Sáng 20/10, ngay sau phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội
 
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế đạt một số kết quả, đầu tư khu vực tư nhân chuyển biến mạnh mẽ; niềm tin của xã hội và thị trường tăng lên
 
Đánh giá những hạn chế, yếu kém của tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng nhận định, tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu khác, trong đó tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ so với GDP có thể cao hơn dự kiến. 
 
Bên cạnh đó, quản lý thị trường trong nước và thương mại biên giới có mặt còn bất cập. Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, mới giải quyết được bước đầu tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, diễn ra nhiều vụ lừa đảo bán hàng đa cấp, tín dụng đen, gây bức xúc xã hội.
 
Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí. Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, Thủ tướng khái quát.
 
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhìn nhận, tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm. Xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém gặp nhiều khó khăn, kết quả thấp. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững. Tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt kế hoạch. Số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp.
 
Một số doanh nghiệp kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, chưa công khai minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh, nhiều dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty chậm tiến độ, thua lỗ, lãng phí, phải dừng đầu tư, dừng hoạt động. Công tác quản lý cán bộ còn nhiều bất cập, chưa kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, có trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, Thủ tướng đánh giá.
 
GDP 2017: Phấn đấu mức 6,7%
 
Về kế hoạch 2017, Thủ tướng nêu một số chỉ tiêu chủ yếu: GDP tăng khoảng 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP không quá 3,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP...
 
Trong các nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng cho biết sẽ thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; nâng cao chất lượng và bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao...). Quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, vàng, phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. 
 
Thủ tướng cũng báo cáo với Quốc hội giải pháp tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn có một số thông tin đáng chú ý như chuẩn bị triển khai dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Thực hiện theo tiến độ một số đoạn của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam và một số đoạn quan trọng trên Tuyến đường bộ ven biển. Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
 
Chính phủ cũng sẽ ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhất là về xử lý tài sản thế chấp, thúc đẩy phát triển thị trường mua bán nợ, xác định đầy đủ, xử lý căn bản, triệt để hơn nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém, giảm tình trạng sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống.
 
Khánh An

Ý kiến bạn đọc