40% diện tích san hô trên toàn thế giới đã biến mất

11:40, 17/09/2016
|

(VnMedia) - Ô nhiễm môi trường biển diễn ra nghiêm trọng; tài nguyên biển đang dần cạn kiệt trong đó có việc 40% diện tích san hô trên toàn thế giới đã biến mất trong vòng 30 năm qua là những thông tin đưa ra tại Hội nghị quốc tế Đại dương lần thứ 3 năm 2016 diễn ra tại Mỹ...

môi trường biển
40% san hô trên toàn thế giới đã biến mất

Trong 2 ngày 15 và 16/9/2016, nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam tham dự Hội nghị quốc tế Đại dương lần thứ 3 năm 2016.

Hội nghị Đại dương là một sự kiện quốc tế quan trọng do Bô Ngoại giao Hoa kỳ tổ chức , với sự tham gia của lãnh đạo hơn 130 quốc gia có biển trên toàn thế giới, bao gồm các nguyên thủ, bộ trưởng các Bộ quản lý tài nguyên, môi trường biển, đại dương, thủy sản, các đoàn ngoại giao của các quốc gia có biển.

Hội nghị lần này có chủ đề: “Đại dương của Chúng ta: Một tương lai”, tập trung vào những vấn đề quan trọng liên quan đến biển như thủy sản bền vững, ô nhiễm biển, khu bảo tồn biển và tác động của biến đổi khí hậu liên quan đến đại dương. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đến dự và có phát biểu tại Hội nghị trong ngày đầu tiên.

Tại Hội nghị, đại diện các quốc gia có biển đã thảo luận nhiều vấn đề và thống nhất một số khuyến nghị quan trọng như: Thúc đẩy việc lồng ghép thực hiện công tác bảo tồn tài nguyên môi trường biển với các chương trình, hoạt động ứng phó biển đối khí hậu và nước biển dâng và các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; - Đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu Aichi, đạt 10% diện tích biển là khu bảo tồn biển.

Hội nghị cũng khuyến nghị các nước tích cực tham gia các hoạt động liên quan đến ngăn ngừa, phòng chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), tham gia và triển khai hiểu quả hiệp ước quốc tế về ngăn chặn và loại bỏ việc đánh bắt hải sản bất hợp pháp (PSMA).

Đặc biệt, Hội nghị thống nhất việc cần phải tăng cường các giải pháp hạn chế ô nhiễm biển, đặc biệt là do các hoạt động từ đất liền; Thiết lập các cơ chế đối tác với sự tham gia của chính phủ, nhà khoa học, các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp trong nghiên cứu, điều tra tài nguyên môi trường biển, xây dựng nền kinh tế biển bền vững.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị, các quốc gia đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm quốc gia và quốc tế liên quan đến những vấn đề như đa dạng hóa các nguồn tài chính cho bảo tồn tài nguyên, môi trường biển và đại dương; đưa ra nhận thức sâu sắc về vấn đề suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên biển trong thời gian qua, với những vấn đề đáng báo động như hơn 40% diện tích san hô trên toàn thế giới đã biến mất trong vòng 30 năm qua.

Trong 2 ngày, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có chương trình làm việc khẩn trương, tham gia và thảo luận tại phiên họp về các chủ đề bảo tồn biển, nghề cá bền vững, quan hệ đối tác để bảo tồn và khai thác đại dương trong phát triển bền vững, các vấn đề ô nhiễm trên biển, biến đổi khí hậu; nhấn mạnh những trọng tâm, ưu tiên, sáng kiến của Việt Nam trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường biển, cũng như trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu liên quan đến biển, đại dương.

Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có một số cuộc hội kiến song phương với đoàn đại biểu các quốc gia về các biện pháp cụ thể thúc đẩy các quan hệ hợp tác bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên biển phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững chung và của Việt Nam trong thời gian tới, cũng như tiếp xúc với các tổ chức đa phương, trong đó có các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Ngân hàng Thế giới (WB).

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc