Quảng Bình: Sau công bố hiện trạng biển, ngư dân lác đá​c ra khơi

16:13, 23/08/2016
|

Ghi nhận của PV sáng 23/8 tại các xã vùng biển bãi ngang Quảng Bình, sau nhiều tháng nằm bờ, ngư dân đã bắt đầu “lác đác” ra khơi trở lại. Tuy nhiên, sản lượng hải sản đánh bắt giảm sút thê thảm, cá tôm vẫn còn vắng bóng...

Sau gần 4 tháng nghỉ đi biển, “đói đầu gối cũng phải bò”, mới đây ông Trần Văn Liệu (ở xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đã sửa sang lại thuyền để ra biển với hy vọng kiếm tiền sắm sửa cho những đứa con vào năm học mới. Thế nhưng, sau một đêm đánh bắt trên biển, ông Liệu và một người bạn thuyền chỉ đánh bắt được dăm ba con ghẹ và một mớ cá nhỏ sống ở tầng mặt.

Sau hơn 4 tháng nghỉ biển, ngư dân Quảng Bình đã lác đác trở lại biển.
Sau hơn 4 tháng nghỉ biển, ngư dân Quảng Bình đã lác đác trở lại biển.

Gặp chúng tôi, ông Liệu than: “Trước đây biển chưa bị nhiễm độc, mỗi đêm ra biển chúng tôi cũng đánh bắt được dăm ba trăm ngàn đến một triệu đồng, có đêm trúng mánh còn thu được 5 đến 7 triệu. Nhưng mấy bữa nay, nhiều lần ra biển, cũng vùng biển đó, cũng kinh nghiệm đó nhưng không thấy cá tôm mắc lưới. Những con cá được coi là đặc sản, có giá trị cao như cá mú, cá hồng, cá nâu... trước đây sống ở rặng san hô thì hiện nay hầu như vẫn vắng bóng”.

Ra biển không còn có cá, những ngư dân ở thôn Tân Hòa, xã Ngư Thủy Bắc chuyển sang dùng lưới vét kéo các loại cá nhỏ sống ở ven bờ. Sau một đêm ngâm mình trong sóng biển, những ngư dân này cũng chỉ mang được lên bờ chừng 2 yến cá trích ve nhỏ bằng ngón tay.

Trước đây, cá ve là nguồn nguyên liệu bán cho những cơ sở chế biến mắm nhỏ và nước mắm, được họ mua với giá hơn 10 ngàn đồng/kg. Nhưng hiện nay lo ngại cá bị nhiễm độc, các cơ sở đó không mua nữa, ngư dân bắt về để bán cho những hộ nuôi cá với giá 2 ngàn đồng/kg...

Sau một đêm ngâm mình trong sóng biển, những ngư dân làm nghề lưới vét ở Ngư Thủy Bắc cũng chỉ đưa được lên bờ hơn 2 yến cá nhỏ.
Sau một đêm ngâm mình trong sóng biển, những ngư dân làm nghề lưới vét ở Ngư Thủy Bắc cũng chỉ đưa được lên bờ hơn 2 yến cá nhỏ.

Ông Ngô Văn Thủy - Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc - buồn rầu cho biết, xã có gần 5.000 dân, hầu hết làm nghề đánh cá gần bờ. Vì là xã bãi ngang, toàn cát trắng với xương rồng, ruộng vườn không có, độc nhất nghề biển nên cuộc sống người dân vốn khó nay lại càng khó.  

Hơn 4 tháng qua, sau vụ ô nhiễm môi trường biển do Fosmosa xả thải đã khiến cả xã liêu xiêu. Sau nhiều tháng “ngồi chơi, sống qua ngày bằng gạo hỗ trợ”, gần đây nhiều ngư dân của xã cũng đã bắt đầu đi biển trở lại, nhưng mỗi đêm cũng được dăm ba con cá, bán chẳng ai mua. “Năm trước, đến thời điểm này, khi chuẩn bị kết thúc mùa hè, xã Ngư Thủy Bắc đã hoàn thành hơn 80% kế hoạch năm, nhưng năm nay chỉ đạt chưa đầy 30% kế hoạch”, ông Thủy thở dài.

Theo ông Thủy, hôm qua (22.8) khi Bộ Tài nguyên - Môi trường công bố hiện trạng môi trường biển, chính quyền và ngư dân xã Ngư Thủy Bắc vẫn chưa thể yên tâm, bởi lẽ câu hỏi “cá đã an toàn chưa, đã ăn được chưa?” vẫn đang còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, đây vẫn là mấu chốt của vấn đề, nếu cá an toàn và người tiêu dùng tin tưởng ăn cá trở lại thì ngư dân nói chung và ngư dân Ngư Thủy Bắc mới có thể có lại cuộc sống ổn định, bình thường như trước đây.

Theo Dân Việt


Ý kiến bạn đọc