Cuối năm, Hà Nội có thể thí điểm khoán xe công

20:05, 01/08/2016
|

(VnMedia) - “Việc khoán xe công đang nghiên cứu và tiếp tục lấy ý kiến sở ngành quận huyện, cuối năm nếu phù hợp và tất cả các điều kiện chín muồi thì sẽ thí điểm một số sở, ban ngành, sau đó sẽ thực hiện nhân rộng”- Phó Chủ tịch TP Nguyễn Doãn Toản nói.

Trao đổi trong phiên thảo luận chiều 1/8, kỳ họp thứ 2 – HĐND TP khóa 15, đại biểu Nguyễn Hoài Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề khoán xe công.

 “Chúng tôi chia sẻ việc lãnh đạo Thành phố và các địa phương có nhu cầu sử dụng xe công là chính đáng do Thành phố sau khi mở rộng có địa bàn rất rộng, nhưng chúng ta phải làm sao vừa tạo điều kiện để các đồng chí thực hiện được nhiệm vụ của mình, vừa không vượt định mức xe công là một bài toán đặt ra nhưng tôi thấy Thành phố chưa có giải pháp” -  ông Nam nói.

Theo đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Thành phố nên sử dụng giải pháp khoán xe công. “Rất nhiều đồng chí có tiêu chuẩn được phục vụ xe công đi công tác cũng mong muốn Thành phố thực hiện. Nếu thực hiện khoán xe công sẽ giảm đầu xe, giảm chi tiêu ngân sách, giảm khó khăn trong quản lý xe công và chống thất thoát”- ông Nguyễn Hoài Nam nói.

“Bản thân người sử dụng xe công cũng sẵn sàng thực hiện khoán và ngay cơ quan hội đồng nhân dân chúng tôi sẽ gương mẫu thực hiện trước. Ngoài xe của các đồng chí chuyên trách, còn lại chúng tôi sẵn sàng dùng xe to khi đi công tác, còn lại từ trưởng, phó phòng sẵn sàng đi xe cá nhân. Tôi cho rằng chi phí khoán sẽ giảm rất nhiều so với việc nuôi xe, từ duy trì bảo dưỡng cho đến “nuôi” lái xe...” - đại biểu Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnhl

Theo ông Nam, khoán định mức là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. “Đây là giải pháp có thể đưa ngay vào thực hiện trong sáu tháng cuối năm trong việc thực hiện chi ngân sách” - đại biểu Nguyễn Hoài Nam nêu ý kiến.

khoán xe công
Hà Nội có thể sẽ thí điểm khoán xe công vào cuối năm. Ảnh minh họa

Hà Nội vẫn còn thiếu 80 xe so với tiêu chuẩn

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản trong phần trả lời của mình cho biết, đối với chủ trương của Chính phủ về quản lý và sử dụng xe công, Thủ tướng đã ban hành quyết định 32, trong đó có  việc phải làm là sắp xếp lại số xe hiện có cho phù hợp với tiêu chuẩn định mức. Quyết định 32 cũng quy định số xe mà các sở ngành, quận huyện được sử dụng để trang bị công tác.

“Mỗi sở ngành, quận huyện chỉ được 2 xe, đây là chỉ tiêu cứng” - ông Toản cho biết.

Theo ông Toản, UBND Thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng phương án, báo cáo Bộ Tài chính. Theo phương án này, nếu sắp xếp theo quyết định 32, số xe của Hà Nội hiện vẫn thiếu so với tiêu chuẩn khoảng 80 xe.

Với xe chuyên dùng, Thành phố đang xây dựng đề án và sẽ báo cáo với thường trực HĐND theo hướng trên cơ sở số xe chuyên dùng hiện có và xây dựng định mức tiêu chuẩn xe chuyên dùng cho các đơn vị theo thực tế của Thành phố với tinh thần tiết kiệm, phù hợp khả năng ngân sách. “Việc này UBND Thành phố cũng sẽ báo cáo thường trực hội đồng” - ông Toản nói.

Đồng ý rằng cần phải nghiên cứu thay vì trang bị xe công thì thực hiện phương thức khoán xe công, ông Toản cho biết Thành phố đang chỉ đạo nghiên cứu phương án.

“Tuy nhiên trong quá trình xây dựng phương án, chúng tôi đang phải rất thận trọng vì đưa ra phương án khoán phải đáp ứng một số yêu cầu. Thứ nhất phải phù hợp với tình hình thực tế, thứ hai là phải đi vào cuộc sống được, không ảnh hưởng giữa khoán và không khoán” - ông Toản thông tin.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản, Thành phố đang rà soát lại xác định tiêu hao chi phí cho một xe công, từ đó đưa ra mức khoán phù hợp với từng đơn vị cũng như từng đối tượng.

“Anh em tính toán, bây giờ đưa ra mức khoán cụ thể chung cho toàn Thành phố thì rất bất cập giữa các địa bàn khác nhau, các sở ngành khác nhau, đặc biệt giữa huyện với quận cũng khác nhau” - Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản cho biết.

Phó Chủ tịch Thành phố cũng thông tin: “Việc này đang nghiên cứu và tiếp tục lấy ý kiến sở ngành quận huyện, cuối năm nếu phù hợp và tất cả các điều kiện chín muồi thì sẽ thí điểm một số sở, ban ngành, sau đó sẽ thực hiện nhân rộng theo điều kiện thực tế của Thành phố”.

Không làm bây giờ sẽ chưa biết bao giờ làm được

Trao đổi với phóng viên bên lề phiên họp, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm, hiện nay, trong vấn đề khoán xe công có 2 việc phải làm

“Một là xây dựng mức khoán thế nào. Hai là tạo thuận lợi cho cán bộ đi làm việc tại cơ sở. Bây giờ xe tư là xe biển trắng, khi xuống đơn vị làm việc có khi bảo vệ cho rằng đây không phải đối tượng để mở cổng. Tôi nói điều này rất thực tiễn. Có lẽ trong giờ hành chính nên gắn tên biển bằng giấy trên mặt kính xe để anh em quận huyện, các cơ sở biết tuy là xe tư nhưng đồng chí này lại làm việc công. Nhưng câu chuyện ngược trở lại là không cẩn thận, người ta lạm dụng làm việc riêng, để cậy việc nọ việc kia,  hoặc ảnh hưởng xử phạt vi phạm giao thông. Cần tính toán nhưng vẫn phải đẩy nhanh việc này lên” -đại biểu Nguyễn Hoài Nam nói.

Liên quan đến ý kiến rằng HĐND Thành phố xung phong gương mẫu nhận khoán xe công, ông Nam cho biết: “Tôi đã trao đổi cùng anh em rồi. Trừ Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tiêu chuẩn xe chuyên trách, còn trưởng, phó trưởng ban và lãnh đạo văn phòng hoàn toàn đứng ra được. Trừ trường hợp đi giám sát đông thì cơ quan chỉ cần xe 16 chỗ thôi, còn anh em chúng tôi xuống quận huyện, kiểm tra đột xuất, tiếp xúc cử tri mà được quyền được nhà nước đưa xe đến, chúng tôi đi bằng xe của chúng tôi thì nhà nước giảm được xe con. Tôi đã nói anh em văn phòng HĐND là chỉ cần vài xe 16 chỗ phục vụ đoàn giám sát và vài xe nhỏ phục vụ chuyên trách thôi, còn chúng tôi chủ động được thì tiền đấy trả cho anh em”.

Về mức khoán, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết: “Tôi đã trao đổi với bên sở Tài chính là mình không cần cầu toàn quá vì nó mới và có thể chọn thí điểm trước. Mình căn cứ làm sao bằng 70-80% của định mức Bộ Tài chính nói về nuôi một xe con là phù hợp. Sau quá trình vận hành, nếu thấy cần bổ sung hay điều chỉnh mà anh em có kiến nghị gì thì chúng ta sẽ xem xét. Chứ nếu không làm thì chưa biết bao giờ làm được, cứ mạnh dạn làm đi, chủ trương này bây giờ có phải không được đồng thuận đâu, ngay cả người đang được sử dụng cũng đồng thuận rồi, vấn đề là làm sao cho phù hợp thôi".

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc