Quảng Ninh, Hải Phòng gồng mình chống bão

09:16, 27/07/2016
|
(VnMedia) - Lãnh đạo UBND thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng vừa có công điện khẩn yêu cầu các quận, huyện, cơ quan chức năng chuẩn bị các biện pháp để đối phó với cơn bão số 1.
 
Bão số 1 chuẩn bị đổ bộ vào Quảng Ninh
Bão số 1 chuẩn bị đổ bộ vào Quảng Ninh

Tại Quảng Ninh, cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa đã thực hiện thông báo và dừng cấp phép cho các tàu đưa khách ra vịnh Hạ Long và các tuyến đảo từ 6 giờ sáng ngày 27/7.

Để đảm bảo an toàn cho du khách, đến 17 giờ ngày 26/7 gần 2.000 khách du lịch tại đảo Cô Tô đã được đưa vào bờ an toàn. Hiện trên đảo vẫn còn 647 khách du lịch, trong đó có 5 khách nước ngoài do có nhu cầu ở lại, huyện Cô Tô đã chỉ đạo các đơn vị du lịch đảm bảo chỗ ăn, nghỉ cho khách. Các phương tiện vận tải khách tại Cảng Cái Rồng đã di chuyển đến nơi tránh trú bão an toàn.
 
Còn tại Vịnh Hạ Long, cũng từ 6 giờ sáng ngày 27/7, cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa đã dừng cấp phép cho tàu du lịch đưa khách tham Vịnh Hạ Long. Hoạt động tại Cảng tàu khách Tuần Châu đang có 473 tàu du lịch, hiện các chủ tàu đã bắt đầu di chuyển tàu đến nơi tránh trú bão an toàn và thực hiện chằng buộc, cố định tàu nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc khi bão về.
 
Các tàu không được phép ra khơi
Các tàu không được phép ra khơi
 
Đến 4 giờ ngày 27/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ vĩ Bắc; 109,3 độ kinh Đông, trên khu vực phía Tây đảo Hải Nam, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 9-10. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Đến 16 giờ ngày 27/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định 120km về phía Đông Nam, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 10-11.
 
Tại TP Hải Phòng, Chủ tịch UBND Thành phố đã có công điện khẩn gửi Chủ tịch UBND các huyện, quận; thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương bằng mọi biện pháp liên lạc, thông báo cho chủ các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú bão an toàn; tổ chức neo đậu tầu, thuyền trong các khu trú tránh; di chuyển lồng bè thủy sản đến nơi an toàn; kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thủy sản, tàu du lịch, tàu vận tải.
 
Tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình đang thi công (đặc biệt là các công trình tại Cát Hải, Bạch Long Vĩ), khu nuôi trồng thủy sản, trang trại, cầu tàu, bến cảng, kho tàng, tàu vận tải, tàu du lịch, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông, công trình công cộng, hệ thống truyền tải điện, hệ thống thông tin liên lạc…
 
Chủ động điều tiết nước trong hệ thống thủy lợi để bảo vệ hoa màu, mạ, lúa mới cấy; khơi thông cống, kênh tiêu thoát nước, hạ thấp nước trong các hồ điều hòa để chủ động phòng chống ngập úng đô thị; tổ chức cắt tỉa cành và bảo vệ cây xanh ; Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
 
Huy Nam

 


Ý kiến bạn đọc