Đại biểu sợ chất vấn người có quyền lực sẽ bị "hệ lụy" về sau?

15:38, 11/06/2016
|

(VnMedia) - Khi ứng cử, đại biểu Quốc hội hứa rất nhiều điều với cử tri và cử tri cũng đã “chọn mặt gửi vàng”. Tuy nhiên, vấn đề mà cử tri phân vân và nghi ngại là có quá ít đại biểu dám nói điều mà nhân dân mong mỏi, bức xúc tại nghị trường...

Lê Như Tiến
Nguyên  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Khóa 13 Lê Như Tiến

Đại biểu có nhiều quyền, nhưng...

Ngày 9/6, Ủy ban bầu cử Quốc gia đã chính thức công bố danh sách 496 đại biểu trúng cử. Là đại biểu Quốc hội, 496 vị đại biểu này sẽ có rất nhiều quyền để có thể trực tiếp hoặc gián tiếp giúp nhân dân, cống hiến cho đất nước thông qua việc xây dựng các bộ luật, quyết định những vấn đề quan trọng và giám sát các hoạt động của bộ máy nhà nước, phát hiện những vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi pháp luật để phản ánh, kiến nghị điều chỉnh.

Trước khi diễn ra cuộc bầu cử, tất cả các vị đại biểu nói trên cũng đều đã phải trình bày trước cử tri nơi mình cư trú chương trình hành động của bản thân, với rất nhiều lời hứa.

Theo ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa 13, sau khi “chọn mặt gửi vàng”, chọn đại biểu để gửi gắm những vấn đề hệ trọng của đất nước thì vấn đề mà cử tri phân vân và nghi ngại là có quá ít đại biểu dám nói điều mà nhân dân mong mỏi, bức xúc tại nghị trường.

“Phát biểu là một trong những quyền của đại biểu, đặc biệt là chất vấn. Việc chất vấn đúng vấn đề mà cử tri quan tâm để có câu trả lời thỏa đáng không phải là dễ ngay cả với đại biểu có bản lĩnh vững vàng. Số đại biểu làm được điều này ngày càng ít đi. Phải chăng, vì quyền lợi chính trị của mình mà các đại biểu làm ngơ trước bức xúc của cử tri?” - Ông Lê Như Tiến đặt vấn đề tại một chương trình được phát trên VTV sau khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua.

Theo ông Lê Như Tiến, không phải các đại biểu Quốc hội không biết, nhưng dám nói lên được sự thật của tình hình đất nước, đặc biệt là mặt trái trong việc phòng chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực thì không phải ai cũng nói được.

“Qua nhiều kênh, tôi đúc rút ra là mình nói làm sao đó thật cô đọng, có hình ảnh để mọi người có thể dễ nhớ và các cơ quan chức năng dễ vào cuộc. Ví dụ sau bài phát biểu của tôi, rất nhiều ý kiến của các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước, cử tri có lương tri ủng hộ tìm ra nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng làm những chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh” - ông Tiến chia sẻ.

Nguyên  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến nêu quan điểm rằng, chất vấn không phải là đối với cá nhân mà là hiệu quả hoạt động của một bộ máy. Vì thế, đại biểu Quốc hội phải có kỹ năng nói trước công chúng, nói trên diễn đàn vừa đúng vừa trúng. “Không nói một cách nóng nẩy gai góc nặng nề, phải nói nhẹ nhàng nhưng sâu sắc thì đến lòng dân hơn” - ông Tiến nhấn mạnh.

Là người từng có nhiều bài phát biểu gây tiếng vang trong diễn đàn Quốc hội, ông Lê Như Tiến chân thành chia sẻ: “Nhiều khi, chất vấn có ảnh hưởng hệ lụy về sau, ảnh hưởng đến cá nhân mình, đến khả năng thăng tiến. Đặc biệt, đối với những người nằm trong sự kiểm soát quyền lực của người bị chất vấn, rõ ràng người ta sẽ không bao giờ chất vấn”.

“Ví dụ, có người chất vấn xong thì Bộ trưởng gọi điện về cho lãnh đạo địa phương rằng tại sao đại biểu ấy lại đi chất vấn tôi, và đại biểu ở địa phương đó cũng sẽ bị nhắc nhở. Vì thế, khi đã chất vấn thì một là phải nắm đúng vấn đề, thứ hai là không phải nói đến cá nhân mà nói về giải pháp, hướng đi…” - ông Lê Như Tiến chia sẻ kinh nghiệm và cho rằng, “phải có cơ chế để những đại biểu thẳng thắn chất vấn không bị những hệ lụy này, hệ lụy khác”.

Trao đổi về vấn đề này cũng trên VTV, ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội nhận định: “Có các đại biểu của Trung ương và đại biểu chuyên trách mà vẫn không dám nói là bởi vì anh muốn có mối quan hệ lợi ích, anh có mối quan hệ với Bộ trưởng, anh có quan hệ tốt với bên này bên kia thì anh được hưởng lợi trong đó, như vậy lợi ích của anh và của cử tri không đi với nhau nên anh không dám nói”.

Nói thêm về quyền của đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho biết, đại biểu Quốc hội có quyền quyết định phê chuẩn dự án luật, các dự án phát triển kinh tế xã hội… không có đủ phiếu của đại biểu không thể thông qua. Đó là quyền năng đầu tiên.

“Nhưng đại biểu có một loạt quyền năng khác rất quan trọng: quyền phát biểu ở diễn đàn quan trọng nhất của đất nước; quyền chất vấn và quyền kiến nghị. Đại biểu có thể kiến nghị điều tra về một vấn đề nào đó, kiến nghị thông qua một nghị quyết nào đó về chính sách…, đó là những quyền năng hết sức to lớn” - ông Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Theo ông Dũng, ngoài ra, đại biểu có quyền được cung cấp thông tin. “Họ có quyền tiếp cận với bất cứ tổ chức, cơ quan nhà nước nào để yêu cầu cung cấp thông tin. Với vị thế chính trị của mình, địa vị pháp lý của mình thì đại biểu có thể tiếp cận bất cứ ai. Đó là hệ thống quyền năng mà nếu các đại biểu chuyên nghiệp có kỹ năng sử dụng thì có thể tác động đến chính sách, tác động đến chất lượng nền quản trị quốc gia, đồng thời tác động đến các vấn đề xử lý cho dân” - ông Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Như Tiến cho biết, ở một số nước mà ông đã từng đi nghiên cứu, bên cạnh văn phòng Trung ương thì các vị Nghị sĩ có một văn phòng tại địa phương để xử lý công việc hàng ngày của địa phương, những tiếng nói, hơi thở của cử tri địa phương đối với đại biểu Quốc hội. “Không phải là anh cứ chuyển. Đại biểu Quốc hội không phải là anh quân bưu, anh chuyển đơn” - ông Lê Như Tiến thẳng thắn.

Theo ông Tiến, để có thông tin phục vụ cho những phiên chất vấn hoặc góp ý cho các vấn đề của đất nước, trước hết, người đại biểu Quốc hội cần lấy thông tin từ cử tri, từ việc tiếp xúc với cử tri và từ mối liên hệ với cử tri không qua tiếp xúc hoặc nhận qua thư điện tử. Thứ hai là nguồn từ thông tin đại chúng và thứ ba là nguồn từ các cơ quan nhà nước.

“Tôi đề nghị các cơ quan nhà nước cung cấp cho đại biểu những thông tin mà luật định đã quy định không được từ chối đại biểu, một kênh quan trọng là các chuyên gia” - ông Lê Như Tiến nói.

Một vấn đề tồn tại được Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến đề cập, đó là việc cử tri là người giám sát Quốc hội nhưng cử tri gặp đại biểu là “cực kỳ khó khăn”.

“Đó là những vấn đề hiện nay đang vướng mắc mà chúng ta đang chưa nghiên cứu thấu đáo để cử tri tiếp xúc với đại biểu Quốc hội thuận lợi hơn” - ông Tiến nói.

Còn Nguyễn Sĩ Dũng cũng nhận định: “Người ta làm ra văn phòng không phải vì người ta giàu, mà vì muốn vận hành thiết chế đại diện thì người đứng ra đại diện phải có cơ hội, phải có nơi tiếp dân, phải có nơi để cử tri đến, để người ta bày tỏ, trao đổi, đó mới là cái để vận hành thiết chế đại diện”

Lời hứa phải có căn cứ

Trao đổi về việc thực hiện lời hứa của các đại biểu, ông Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh: “Đại biểu Quốc hội đã hứa trước dân thì phải thực hiện lời hứa của mình, giống như mình yêu cầu thành viên Chính phủ đã hứa trước Quốc hội thì phải thực hiện”.

“Trước hết phải hứa đúng, và hứa những vấn đề ở tầm quốc gia mà đại biểu có thể làm được như “Tôi lên thì tôi sẽ làm tất cả để tiếng nói của cử tri, những quan tâm của cử tri được vang vọng ở Quốc hội, hứa như vậy thì giám sát cũng dễ mà khả năng làm cũng dễ” - ông Nguyễn Sĩ Dũng nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Lê Như Tiến cho rằng, lời hứa phải thiết thực với chính khả năng của đại biểu, phải xem tác động của đại biểu đó đến chính sách, đến địa phương đến đâu để hứa.

“Thà hứa ít nhưng làm được còn hơn nói rất nhiều mà không làm được gì” - ông Tiến nhấn mạnh.


Ý kiến bạn đọc